Chủ đề: f1 champion     f1 winner     Kimi Raikkonen     tay đua f1

Kimi Raikkonen là ai?

icon
Kimi Raikkonen trong buổi lễ chia tay do đội đua Alfa Romeo tổ chức

Kimi Raikkonen trong buổi lễ chia tay do đội đua Alfa Romeo tổ chức

Thông tin cá nhân

Tên đầy đủ: Kimi Mattias Raikkonen

Ngày sinh: 17/10/1979

Nơi sinh: Tỉnh Espoo, Phần Lan

Gia đình: Bố-Matti Raikkonen, Mẹ-Paula Raikkonen; anh trai-Rami Raikkonen.

Raikkonen có 2 đời vợ là Jenni Dahlmam (cưới năm 2004, ly dị năm 2014, không có con) và Minttu Virtanen (cưới năm 2016). Họ có 1 con trai là Robin Raikkonen và 1 con gái Rianna Angela Milana Raikkonen.

Biệt danh: Người tuyết hoặc người băng (Ice Man)

Số xe cố định: 7. Có người cho rằng con số này đẻ kỷ niệm mùa giải 2007 mà Raikkonen vô địch nhưng anh chỉ giải thích là đó là số xe của mùa giải trước đó của anh. Anh chỉ việc giữ nguyên số xe để khỏi phải suy nghĩ nhiều.

Nón bảo hiểm: Nón bảo hiểm Bell

Raikkonen nổi tiếng với sự kín tiếng, ít nói và bàng quan của mình. Anh được đánh giá có tài năng đặc biệt nhưng không khai thác hết do sự thiếu hợp tác (với đội đua và giới truyền thông) và “lười” tập luyện. Nhưng đối với người hâm mộ, Raikkonen rất được thần tượng do vẻ ngoài soái ca, tính cách lạnh lùng và rất tài năng (đặc biệt là hồi trẻ).

Do sự ít nói và bàng quan của mình, Raikkonen thường không có mâu thuẫn với đồng đội hay đối thủ. Nhưng nó cũng khiến cho anh thường xuyên không được lái chiếc xe theo đúng ý của mình (vì các đồng đội của anh thường đóng góp nhiều hơn trong quá trình phát triển xe).

Kim Raikkonen thể hiện sự thần tượng của mình với tay đua James Hunt (được coi là một playboy trong làng F1)

Ngoài F1, Raikkonen thích môn trượt ván tuyết và hockey trên băng.

Raikkonen có thể nói thông thạo tiếng Phần Lan, Anh, Italia và Thụy Điển.

Raikkonen từng có giai đoạn 2 năm 2010-2011 không tham gia F1 mà đua ở giải World Rally Championship. Anh còn đua một vài chặng ở giải Nascar Mỹ.

Cuối năm 2017, Kimi Raikkonen chính thức mở tài khoản trên mạng xã hội (Instagram). Đây cũng là một đề tài hot  ở thời điểm đó.

Raikkonen gần như là tay đua F1 duy nhất thích chơi Motocross-môn thể thao vốn được xem là nguy hiểm ngay cả với các tay đua MotoGP

Thống kê thành tích nổi bật ở F1

(tính đến hết năm 2021)

Số chặng đua tham gia: 353 (đua chính 349)

Vô địch: 1 (2007)

Chiến thắng: 21

Podium: 103

Pole: 18

Fastest lap: 46

Vị trí xuất phát thấp nhất chiến thắng là: 6 -1 lần, 7- 3 lần, 10- 1 lần, 17 -1 lần

Chặng đua đầu tiên và điểm số đầu tiên: GP nước Úc 2001

Podium đầu tiên: GP Malaysia 2002 (về 3)

Chiến thắng đầu tiên: GP Malaysia 2003

Pole đầu tiên: GP Châu Âu 2003

Vô địch lần đầu tiên: GP Brasil 2007

Sự nghiệp

Thời trẻ:

Không có nhiều thông tin về giai đoạn thiếu niên của Kimi Raikkonen.

Năm 1999-2000:

Kimi Raikkonen được đội đua Manor Motorsport tuyển để đua giải Formula Renault 2000 UK và một số giải nhỏ khác. Mỗi năm, Raikkonen đều đoạt được 1 chức vô địch.

Năm 2001: Khởi đầu sự nghiệp F1 ở đội Sauber

Tuy mới chỉ tỏa sáng ở các giải trẻ ở Anh nhưng tài năng đặc biệt của Kimi Raikkonen đủ để thuyết phục ông chủ đội đua Sauber là Peter Sauber mời anh về đua thử cho đội đua này ở Mugello năm 2000. Thậm chí để bảo vệ bí mật, Sauber đã sử dụng mật danh Eskimo để gọi Raikkonen.

Sang năm 2001, Kimi Raikkonen có suất đua chính ở đội đua này dù cho chủ tịch FIA khi đó là Max Mosley đã lên tiếng chỉ trích Sauber đã tuyển dụng tay đua quá dễ dãi.

Nhưng Raikkonen đập tan các nghi ngờ về khả năng của mình. Anh về thứ 6 ngay chặng đua F1 đầu tiên của mình ở Úc dù chỉ xuất phát thứ 13 (năm đó vị trí thứ 6 là vị trí cuối cùng có điểm). Ở chặng đua đó, có thông tin rằng Raikkonen suýt ngủ quên trước khi được đánh thức trước khi cuộc đua chính diễn ra 30 phút.

Raikkonen còn ghi điểm ở 3 chặng đua khác (Áo, Canada và Đức). Anh cùng với đồng đội Nick Heifeld giúp cho Sauber có được vị trí thứ 4 trên BXH đội đua trong mùa giải đó. Đó là vị trí xếp hạng cao nhất của Sauber  tính tới thời điểm đó trong lịch sử đội đua.

Tuy nhiên Raikkonen lại xếp sau Heifeid cả về điểm số lẫn số lần ghi điểm. Một phần do Raikkonen phải bỏ cuộc nhiều hơn một chút (7 so với 6)

Năm 2002: chuyển sang Mclaren

Sự nghiệp F1 của Kimi Raikkonen có đột phá ở năm 2002. Mclaren chọn anh là người thay thế đồng hương Mika Hakkinen.

Raikkonen tiếp tục bị đồng đội nhiều kinh nghiệm David Coulthard áp đảo chủ yếu là do anh phải bỏ cuộc nhiều lần nhất (10/17 chặng đua). Nếu tính thêm GP Brasil (tuy được xếp thứ 12 nhưng Raikkonen phải kết thúc cuộc đua sớm 4 vòng do bị hư xe) coi như anh bỏ cuộc tổng cộng 11 lần (so với 4 lần của Coulthard).

Trong 6 chặng đua còn lại, Raikkonen lên podium 4 lần (Ở Úc, GP Châu Âu, Pháp và Nhật Bản). 2 chặng đua còn lại ở Canada và Hungary Raikkonen đều về thứ 4.

Năm 2003: Trở thành ứng cử viên cho chức vô địch

Kimi Raikkonen tiếp tục đua cặp với Coulthard ở mùa giải 2003. Trái với mùa giải trước, Raikkonen “chỉ” bỏ cuộc 3 chặng ở Tây Ban Nha (xuất phat cuối cùng và gặp tai nạn khi xuất phát), GP Châu Âu (hỏng động cơ) và Đức (tai nạn khi xuất phát). So với việc Coulthard bỏ cuộc 6 chặng nên thành tích của 2 người đã đảo ngược. Raikkonen trở thành tay đua số 1 ở Mclaren và trở thành kẻ thách thức Michael Schumacher.

Đội đua Mclaren khởi đầu thuận lợi- Coulthard và Raikkonen chiến thắng 2 chặng đua đầu tiên nhưng lại không thể có thêm chiến thắng ở các chặng đua sau đó nên ưu thế dần thuộc về Schumacher (chiến thắng 6 chặng).

Nhưng lý do chính khiến Raikkonen phải thua Schumacher là việc anh phải bỏ cuộc tới 3 lần vẫn là quá nhiều. Vì đối thủ sừng sỏ Schumacher chỉ bỏ cuộc 1 lần. Cuối cùng, Schumacher bảo vệ được ngôi vô địch với 2 điểm nhiều hơn Raikkonen (93 so với 91).

Ở mùa giải này, Raikkonen đạt được những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình. Đó là chiến thắng đầu tiên trong sự nghiệp (ở GP Malaysia). Sau đó là 2 lần đầu giành pole, nhưng tiếc là anh không thể chuyển hóa nó thành chiến thắng (bỏ cuộc ở GP Châu Âu, về nhì ở Mỹ).

Còn ở GP Brasil, chặng đua này phải kết thúc sớm ở vòng 54. Thời điểm này đúng lúc Raikkonen vượt Giancarlo  Fisichella để chiếm lấy vị trí dẫn đầu. Nhưng do các giám sát cho rằng chặng đua đã kết thúc từ vòng 54, lúc đó Fisichella là người đầu tiên vượt qua vạch đích nên chiến thắng được tính cho Fisichella. Dù vậy nếu được công nhận chiến thắng ở GP này thì Raikkonen cũng không thể vô địch mùa giải vì anh vẫn thua Schumacher ở hiệu số phụ.

Raikkonen còn có chặng đua ấn tượng ở Úc (lên podium dù chỉ xuất phát thứ 15) và ở GP Canada anh về thứ 6 với vị trí xuất phát trong pitlane.

Năm 2004: Chiến thắng duy nhất ở Spa

Kimi Raikkonen khởi đầu mùa giải 2004 một cách khó khăn. Anh phải bỏ cuộc cả 3 chặng đua đầu tiên đều do hỏng xe. Cả mùa giải, Raikkonen phải bỏ cuộc 8 lần. Ngoại trừ lần bỏ cuộc ở Đức do tai nạn, tất cả những lần bỏ cuộc còn lại đều do lỗi của xe.

Raikkonen một lần nữa không tận dụng được ưu thế pole (về nhì ở Anh).

Nhưng anh bất đầu tạo dấu ấn ở GP nước Bỉ. Dù chỉ xuất phát thứ 10 nhưng Raikkonen đã xuất sắc chiến thắng chặng đua này. Đây là chiến thắng duy nhất của anh ở mùa giải 2004, cũng là chiến thắng đầu tiên trong chuỗi 3 chiến thắng liên tiếp ở Spa.

Năm 2005: Bám đuổi vô vọng Alonso

Bộ đôi sao trẻ Fernando Alonso và Kimi Raikkonen cùng nhau đánh đổ kỷ nguyên Schumacher. Nhưng một lần nữa Raikkonen lại thất bại trong cuộc chiến danh hiệu.

Kết quả không tốt trong 4 chặng đua đầu tiên khiến Raikkonen bị Alonso bỏ cách rất xa trên BXH. Ở GP Malaysia, Raikkonen bị nổ lốp, còn ở GP San Marino, xe của anh bị hư trục khuỷu khi đang dẫn đầu. Đây cũng là lần thứ 4 liên tiếp, Raikkonen không thể chiến thắng khi được xuất phát đầu tiên. Thành tích cao nhất của Raikkonen trong 4 chặng đua này là vị trí thứ 3 ở Bahrain. Còn Alonso có 3 chiến thắng và 1 lần về 3 trong giai đoạn này. Lúc này Raikkonen chỉ có 7 điểm so với 36 của Alonso.

4 chặng đua tiếp theo diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Raikkonen. Anh chiến thắng ¾ chặng. Hai trong số đó là từ vị trí pole (Tây Ban Nha và Monaco). Còn ở Canada, anh chiến thắng từ vị trí xuất phát thứ 7. Ở chặng đua còn lại-GP Châu Âu- Raikkonen phải bỏ cuộc khi đang dẫn đầu do lỗi hư bộ treo.

Đến chặng đua thứ 9 là GP nước Mỹ, cả Alonso và Raikkonen đều bỏ cuộc trước khi cuộc đua chính thức diễn ra (scandal lốp Michelin) nên khoảng cách của cả 2 không thay đổi là 22 điểm (Alonso 59, Raikkonen 37).

Raikkonen lại bị Aloso nới rộng khoảng cách lên thành 36 điểm do anh không thắng lợi ở 3 chặng đua tiếp theo (còn Alonso 2 chiến thắng và 1 lần về nhì) trong đó có lần bỏ cuộc khi đang dẫn đầu ở Đức.

Do đó dù có pha nước rút xuất sắc ở 7 chặng đua cuối cùng của mùa giải (4 chiến thắng, 2 lần về nhì) nhưng không đủ để Raikkonen giành được ngôi vị của Alonso. Raikkonen có thể lên podium trong cả 7 chặng nếu không bị phạt 10 bậc xuất phát do phải thay động cơ, anh là tay đua phân hạng nhanh nhất. Chặng đua đó Raikkonen về thứ 4.

Năm 2006: Năm cuối khó khăn ở Mclaren

Đồ thị thành tích hình sin của Mclaren và Kimi Raikkonen lại đi xuống ở mùa giải 2006. Đội đua này không giành được chiến thắng nào.

Raikkonen tạo ấn tượng ở chặng đua đầu tiên ở Bahrain. Anh lên podium dù chỉ xuất phát thứ 22 (cuối đoàn). Nhưng anh bỏ cuộc ngay từ vòng đầu tiên ở chặng đua GP Malaysia.

Raikkonen đeo bám quyết liệt Alonso ở GP nước Úc (về nhì). Trong phần còn lại của mùa giải, anh chỉ 1 lần về nhì nữa ở Italia dù có vị trí pole. Raikkonen còn 2 lần phung phí pole nữa ở Đức (về 3) và ở Hungary (bỏ cuộc do tai nạn với Vitantonio Liuzzi).

Trong mùa giải này Raikkonen còn 4 lần phải bỏ cuộc nữa. 2 lần do tai nạn lúc xuất phát (ở Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ), 2 lần do hư xe (ở Monaco và Trung Quốc).

Mùa giải 2007: Ngược dòng ngoạn mục để lên ngôi vô địch với Ferrari

Năm 2007, Kimi Raikkonen chuyển sang Ferrari để đua cặp với Felipe Massa.

Ngay ở chặng đua đầu tiên ở Úc, Raikkonen đã giành pole và giành chiến thắng.  Sau đó là 2 lần về 3 liên tiếp ở Malaysia và Bahrain. Lúc này Raikkonen cùng với Fernando Alonso và Lewis Hamilton cùng có 22 điểm trên BXH tổng.

Chặng đua sau đó ở GP Tây Ban Nha, Raikkonen còn bị đồng đội Massa vượt qua trên BXH do anh phải bỏ cuộc do lỗi điện tử.

Raikkonen không thể cải thiện vị trí thứ 4 trên BXH tổng ở 3 chặng đua tiếp theo (Monaco, Canada, Mỹ) vì anh không thể lên podium ở 3 chặng này. Khoảng cách lúc này của Raikkonen với người dẫn đầu là 26 điểm.

Tham vọng vô địch của Raikkonen sống dậy bằng 2 chiến thắng ở Pháp và Anh. Anh chiếm được vị trí thứ 3 của Massa.

Nhưng đến GP Châu Âu, dù được xuất phát đầu tiên nhưng Raikkonen lại phải bỏ cuộc do bị hư xe nên lại bị đẩy xuống vị trí thứ 4 cách Hamilton 18 điểm.

Khoảng cách lại tăng lên 20 điểm sau khi Hamilton chiến thắng và Raikkonen về nhì ở Hungary.

Trong 4 chặng đua tiếp theo, lần lượt Massa, Alonso, Raikkonen và Hamilton chiến thắng ở Thổ Nhĩ Kỳ, ITalia, Bỉ và Nhật Bản. Raikkonen vẫn xếp thứ 3 sau Hamilton 17 điểm.

Ở 2 chặng đua cuối cùng, Raikkonen đã tận dụng tối đa sai lầm của Hamilton (Hamilton bỏ cuộc ở Trung Quốc và về 7 ở Brasil), dù không giành pole nhưng anh đã chiến thắng cả 2 chặng đua để giành ngôi vô địch 1 cách ngoạn mục. Cần phải nhắc lại rằng, trước GP Brasil, Raikkonen vẫn kém Hamilton 7 điểm, kém Alonso 3 điểm. Anh chỉ vô địch với 110 điểm, hơn 2 tay đua này đúng 1 điểm.

Năm 2008: Khởi đầu tốt nhưng kết thúc kém

Trở lại nước Úc sau 1 năm, Kimi Raikkonen không còn thuận lợi như mùa giải năm ngoái. Trong buổi phân hạng anh không thể hoàn thành Q2, còn trong cuộc đua anh phải bỏ cuộc vì lỗi động cơ. Nhưng vẫn kiếm được 1 điểm (về thứ 8).

Nhưng 2 chiến thắng (ở Malaysia và Tây Ban Nha) và 2 podium (ở Bahrain và Thổ Nhĩ Kỳ) ở 4 chặng đua sau đó đã đưa Raikkonen lên đầu bảng xếp hạng.

Kết quả của Raikkonen bắt đầu đi xuống ở GP Monaco nơi anh bị phạt chạy xuyên pitlane do đội đua không bảo quản lốp đúng quy định khiến anh không có điểm trong chặng đua này và bị Hamilton vượt qua trên BXH.

GP Canada sau đó, Raikkonen phải bỏ cuộc do bị Hamilton đâm khi cả 2 đang ra pit. Kết quả này khiến anh bị Massa vượt qua.

Raikkonen có được vị trí xuất phát đầu tiên ở Pháp nhưng anh chỉ về nhì sau người đồng đội.

Trong các chặng đua còn lại, thành tích cao nhất của Raikkonen chỉ là vị trí thứ 3.  Anh còn 3 lần bỏ cuộc ở GP Châu Âu (hỏng động cơ), Bỉ  và Singapore (đều do tai nạn).

Kết thúc mùa giải, Raikkonen không bảo vệ được danh hiệu vô địch và bị đồng đội Felipe Massa đánh bại.

Mùa giải 2009: Lại tỏa sáng ở Spa

Sau 2 mùa giải cạnh tranh quyết liệt, Ferrari và Mclaren đánh mất vị thế vào tay các đội đua Brawn GP và Redbull.

Ferrari còn gặp khó khăn do Felipe Massa chấn thương phải nghỉ thi đấu ở nửa cuối chặng đua. Trong tình hình đó, Kimi Raikkonen trở thành điểm tựa của đội. Anh là người mang về chiến thắng danh dự cho đội đua nước Ý ở GP nước Bỉ dù chỉ xuất phát từ vị trí thứ 6. Raikkonen còn 1 lần về nhì ở Hungary với vị trí xuất phát thứ 7. Đây là 2 vị trí cao nhất của Ferrari trong mùa giải này.

Nhưng anh cũng phải 3 lần bỏ cuộc vì hư xe ở Úc, Tây Ban Nha và Đức.

Sau mùa giải này, dù còn hợp đồng với Ferrari đến năm 2010, nhưng cả 2 đồng ý thanh lý sớm hợp đồng. Vị trí của Raikkonen ở Ferrari bị Alonso thay thế. Còn Raikkonen chuyển sang thi đấu ở giải World Rally Championship.

Mùa giải 2010-2011: Thi đấu giải World Rally Championship

Ở mùa giải 2009, Kimi Raikkonen đã thi đấu 1 chặng World Rally Championship ở Phần Lan. Sau khi kết thúc sớm hợp đồng với Ferrari, Raikkonen đã thi đấu 2 mùa giải ở giải đua này. Thành tích tốt nhất của anh là ở Rally Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 (về thứ 5).

Mùa giải 2012: trở lại F1 trong màu áo Lotus

Sau 2 năm lang bạt ở WRC, Kimi Raikkonen cuối cùng cũng quay lại F1 trong màu áo đội đua Lotus. Dù chỉ đua cho 1 đội đua trung bình khá nhưng đây có thể nói là giai đoạn ổn định nhất trong sự nghiệp của tay đua người Phần Lan.

Mùa giải 2012 là mùa giải mà Raikkonen không bỏ cuộc 1 chặng nào. Đây là mùa giải duy nhất trong sự nghiệp anh đạt được sự ổn định như vậy.

Anh chỉ 1 lần không ghi điểm trong mùa giải này là ở GP Trung Quốc nơi Raikkonen đã phạm sai lầm sử dụng lốp quá lâu, đến cuối chặng đua, khi lốp xe đã mòn, Raikkonen rơi từ vì trí thứ 2 xuống thứ 14. Đó là chặng đua thứ 3 của mùa giải.

Ở chặng đua đầu tiên sau khi trở lại (Úc), Raikkonen không thể qua được Q1 nhưng trong cuộc đua anh đã về thứ 7 chung cuộc. Chặng đua thứ 2 ở Malaysia, Raikkonen bị phạt 5 bậc xuất phát do thay hộp số nên phải xuất phát thứ 10, anh đã kết thúc chặng đua ở vị trí thứ 5.

Raikkonen trở lại bục podium ở chặng đua thứ tư-GP Bahrain, nơi anh xuất phát thứ 11 nhưng về thứ 2. Anh tiếp tục lên podium ở Tây Ban Nha.

Ở các chặng đua giữa mùa giải, Raikkonen có 2 lần về nhì (ở GP Châu Âu và GP Hungary) và 2 lần về ba (ở Đức và Bỉ).

Thành tích của Raikkonen ở cuối mùa giải không tốt như đầu mùa, nhưng anh lại có chiến thắng trong giai đoạn này. Chiến thắng diễn ra ở GP Abu Dhabi. Đây là chiến thắng đầu tiên trong lịch sử non trẻ của đội đua Lotus. Ở chặng đua này, Raikkonen có câu radio nổi tiếng “just leave me alone. I know what i doing” (Hãy để tôi yên, tôi biết mình đang làm gì).

Một chặng đua đáng nhớ nữa của Raikkonen là ở GP Nhật Bản. Anh va chạm với đồng đội tương lại Fernando Alonso khiến Alonso phải bỏ cuộc. Raikkonen có thể đua tiếp và về thứ 6.

Còn ở chặng đua cuối cùng-GP Brasil, Raikkonen có tình huống ‘lạc đường’ ở đường thoát hiểm mất khá nhiều thời gian, nhưng cũng ghi được 1 điểm.

Mùa giải 2013: Chiến thắng chặng đua mở màn

Kimi Raikkonen chiến thắng ngay chặng đua đầu tiên của mùa giải 2013 (ở Úc) dù chỉ xuất phát thứ 7. Đó là chiến thắng F1 cuối cùng của anh tính đến hết năm 2017.

Nhưng anh lại bị phạt 3 bậc xuất phát ở GP Malaysia (về thứ 7) do lỗi cản Nico Rosberg khi đua phân hạng.

Ba chặng đua sau đó (Trung Quốc, Bahrain, Tây Ban Nha), Raikkonen đều về nhì. Đặc biệt là ở Bahrain anh chỉ xuất phát thứ 8.

Ở GP Monaco, Raikkonen phải thay bánh bất đắc dĩ nên khó khăn lắm anh mới về đích được ở vị trí thứ 10. Anh cũng không lên được podium ở 2 chặng đua sau đó (Canada và Anh).

Nhưng không phải đợi quá lâu, Raikkonen về nhì 2 chặng liên tiép ở Đức và Hungary. Nếu tính từ GP Bahrain 2012 đến GP Hungary 2013, Raikkonen có 27 chặng đua liên tiếp ghi điểm. Đây là kỷ lục tính đến hết năm 2017. Kỷ lục này bị ngắt ở GP nước Bỉ, nơi anh phải bỏ cuộc do hỏng thắng ở vòng 25. Anh cũng không có kết quả tốt ở GP Italia sau đó (về thứ 11). Đây là chặng đua duy nhất trong mùa giải mà Raikkonen có về đích nhưng không ghi điểm. Ở chặng đua này, Raikkonen phải vào pit ngay ở vòng đầu tiên để thay cánh trước.

Nhưng đến châu Á, Raikkonen xuất phát thứ 13 nhưng về 3 ở Singapore, xuất phát thứ 9 rồi về nhì ở Hàn Quốc. Đó cũng là lần cuối cùng Raikkonen lên podium trong màu áo Lotus.

Sau đó anh chỉ đua thêm cho đội này 3 chặng đua (Nhật Bản, Ấn Độ, Abu Dhabi) trong đó anh phải bỏ cuộc ở quốc gia Ả Rập (gặp tai nạn khi xuất phát). Đó là chặng đua cuối cùng của anh cho Lotus.

Raikkonen trước đó đã đạt được thỏa thuận trở lại Ferrari để thay thế Felipe Massa. Anh không tham gia 2 chặng đua cuối cùng của mùa giải 2013 ở Mỹ và Brasil để điều trị chấn thương lưng.

Mùa giải 2014: không giữ được phong độ trong lần thứ 2 quay lại Ferrari

Quyết định trở về Ferarri trong giai đoạn đội đua này gặp khủng hoảng khiến cho thành tích của Kimi Raikkonen tụt nghiêm trọng. Anh chỉ xếp thứ 12 trên BXH tổng. Vị trí thấp nhất trong sự nghiệp F1 của tay đua này. Vị trí này còn thấp hơn vị trí thứ 10 khi anh đua cho Sauber ở năm F1 đầu tiên.

Không những thế, anh còn bị đồng đội Fernando Alonso đánh bại hoàn toàn.

Thành tích cao nhất của Raikkonen ở mùa giải 2014 chỉ là 1 lần về 4 ở GP nước Bỉ. Anh có tới 6 chặng đua không ghi điểm, trong đó có một chặng phải bỏ cuộc ở Anh do gặp tai nạn ở vòng đầu tiên.

Mùa giải 2015: Tiếp tục thất thế

Năm 2015, Kimi Raikkonen có đồng đội mới là bạn thân Sebastian Vettel. Việc anh thua Vettel là điều ai cũng lường trước. Nhưng phong độ của anh đã được cải thiện đáng kể so với mùa giải 2014.

Raikkonen có 3 lần lên podium ở Bahrain (về nhì), Singapore và Abu Dhabi.

Nhưng anh lại đánh mất đi sự ổn định như những mùa giải trước. Ở mùa giải 2015, Raikkonen phải bỏ cuộc đến 5 lần. Ở Úc, anh phải bỏ cuộc ở vòng 40 do hư bánh. GP nước Áo là do tai nạn với Alonso khi xuất phát. Ở Hungary và Mỹ là do hư xe. Chặng đua sau đó ở Mexico, Raikkonen va chạm với đồng hương Valtteri Bottas. Hai tay đua Phần Lan còn có va chạm ở chặng đua nước Nga.

Năm 2016: Khởi sắc nửa đầu mùa giải

Trước kỳ nghỉ hè mùa giải 2016, Kimi Raikkonen có 4 lần lên podium ở Bahrain (P2), Nga (P3), Tây Ban Nha (P2), Áo (P3). Và có kết quả tốt hơn đồng đội Sebastian Vettel.

Nhưng ở các chặng đua cuối mùa giải, anh không còn lên bục trao giải nữa. Nên bị Vettel và Max Verstappen vượt qua trên BXH tổng.

Trong mùa giải này, Raikkonen (cùng với Vettel) tiếp tục là tay đua phải bỏ cuộc nhiều nhất  trong top 6 tay đua dẫn đầu (4 lần). Anh bị hư xe ở Úc và Mỹ, gặp tai nạn ở Monaco và Brazil.

Còn ở GP nước Bỉ, Raikkonen bực tức vì bị đàn ‘cháu’ Verstappen phòng ngự một cách ‘thủ đoạn’.  FIA  không phạt Verstappen nhưng đã ra thông báo làm rõ quy tắc phòng thủ: không được chuyển hướng khi đã vào vùng phanh.

Mùa giải 2017: Chưa thể tìm lại hương vị chiến thắng 

Từ mùa giải 2017, Ferrari lấy lại được sức mạnh-đủ sức đua với Mercedes Chỉ có điều, về mặt kết quả thì Kimi Raikkonen chỉ nằm trong nhóm cạnh tranh podium chứ không thể đua tranh danh hiệu như đồng đội Vettel.

Điểm sáng lớn nhất là lần anh giành pole ở Monaco. Nhưng mau chóng bị lu mờ do Ferrari ưu tiên chiến thuật cho Vettel hơn.

Anh phải bỏ cuộc đến 4 lần ở Tây Ban Nha (va chạm ở pha xuất phát với Bottas và Verstappen), Azerbaijan (va chạm khi xuất phát với Bottas, sau đó có thể chạy tiếp nhưng bị hư xe ở vòng 46), Singapore (một va chạm ở pha xuất phát nữa với Vettel và Verstappen) và Malaysia (rút lui trước khi cuộc đua bắt đầu vì hư pin sạc).

Người tuyết còn bị nổ bánh xe ở các cuối cùng GP nước Anh khi đang chạy ở vị trí thứ 2 nhưng vẫn kịp lên podium.

Một lần lên poidum đáng nhớ khác là ở Mỹ khi trọng tài bắt lỗi vượt của Verstappen nên tước podium của tay đua này để trao lại cho anh.

Do Daniel Ricciardo phải bỏ cuộc tới 3/4 chặng đua cuối cùng nên Raikkonen leo lên vị trí thứ 4 chung cuộc.

Mùa giải 2018: Chiến thắng cuối cùng trong sự nghiệp

Đầu mùa giải, Kimi Raikkonen lên podium khá đều đặn nhưng về cơ bản thì anh vẫn kém tốc độ so với đồng đội Sebastian Vettel và trong những lần tranh chấp vị trí thì anh đều phải nhường theo lệnh Team Order.

Chặng đua đáng nhớ nhất trong giai đoạn này là GP Azerbaijan, Raikkonen phải vào pit sớm do va chạm với Esteban Ocon khi xuất phát. Nhưng cuối cùng vẫn có thể về nhì.

Ở GP nước Anh, Raikkonen bị phạt 10 giây vì gây tai nạn cho Lewis Hamilton. Trong cơn giận dữ, Hamilton đã cáo buộc Ferrari âm mưu phá Mercedes. Phản ứng với lời cáo buộc đó, Raikkonen chỉ giữ thái độ phớt lờ như mọi khi.

Khi Vettel gặp khủng hoảng phong độ thì Raikkonen trở thành điểm tựa cho Ferrari ở giai đoạn 2 của mùa giải.

Pole duy nhất trong giai đoạn lượt về của Ferrari là do Raikkonen mang về ở sân nhà Itallia, tiếc là anh để Lewis Hamilton vượt qua.

Chiến thắng duy nhất trong giai đoạn lượt về của Ferrari cũng do Raikkonen mang về ở Mỹ.

Đến Brasil, Ferrari còn lệnh cho Vettel phải nhường đường để Raikkonen có cơ hội tranh chấp vị trí cao hơn.

Còn về các chặng đua mà Raikkonen phải bỏ cuộc: Ở Bahrain là do lỗi pitstop (Ferrari bị phạt 50.000 đô la do pit không an toàn), ở Tây Ban Nha, anh bị hư turbo, ở Bỉ là do hậu quả vụ tai nạn với Daniel Ricciardo khi xuất phát, còn ở Abu Dhabi là do hư động cơ.

Kết thúc mùa giải, Raikkonen xếp thứ 3 chung cuộc. Vị trí cao nhất của anh kể từ mùa giải 2012.

Đây cũng là mùa giải cuối cùng của Raikkonen ở Ferrari. Mùa giải sau anh sẽ trở về Sauber nhường chỗ cho tài năng trẻ Charles Leclerc.

Mùa giải 2019: Áp đảo đồng đội Antonio Giovinazzi

Đội đua Sauber đổi tên thành Alfa Romeo vốn không phải là một đội mạnh nên mục tiêu chính của Raikkonen ở mỗi chặng đua chỉ là ghi điểm và anh hoàn thành xuất sắc mục tiêu này, đặc biệt là ở nửa đầu mùa giải.

Cho đến trước kỳ nghỉ hè thì Raikkonen không bỏ cuộc một lần nào, ghi điểm ở 8/12 chặng đua. Thành tích cao nhất là P7 ở Bahrain, Pháp và Hungary.

Sang giai đoạn 2 thì mọi việc trở nên khó khăn hơn cho tay đua lớn tuổi nhất trên đường đua. Raikkonen chỉ còn có thể ghi điểm ở 1 chặng đua nữa (GP Brasil) song đó lại là chặng đua mà anh có được kết quả tốt nhất mùa (P4).

Ở những chặng đua còn lại thì Raikkonen phải bỏ cuộc 2 lần. Ở Singapore (va chạm với Daniil Kvyat) và ở Mexico (hư xe).

Tổng kết lại thì đây là mùa giải mà Raikkonen vượt trội hoàn toàn so với người đồng đội mới Antonio Giovinazzi (43 so với 14 điểm).

Mùa giải 2020: Bắt đầu bị Giovinazzi cạnh tranh

Raikkonen không còn giữ được ưu thế so với đồng đội Giovinazzi như ở mùa giải trước. Điểm số của 2 người trở nên rất cân bằng (4-4).

Raikkonen cũng chỉ phải bỏ cuộc 1 lần so với 3 lần của Giovinazzi . Chính ở chặng đua mở màn (Áo) do bị hỏng bánh xe.

Mùa giải 2021: Mùa giải F1 cuối cùng

Raikkonen có phong độ không đến nỗi nào ở mùa giải F1 cuối cùng của mình. Anh đã ghi điểm ở 4 chặng đua và xếp trên đồng đội Giovinazzi trên bảng xếp hạng tổng.

Có 2 chặng đua mà Raikkonen không tham gia là GP Hà Lan và GP Italia do anh bị mắc Covid-19. Và có 2 chặng đua mà Raikkonen phải bỏ cuộc là GP Bồ Đào Nha (do sơ ý để tông vào Giovinazzi) và GP Abu Dhabi (hư xe). Còn ở GP Emilia Romagna, Raikkonen cán đích ở vị trí thứ 9 nhưng bị phạt 30 giây do lỗi vi phạm quy định khi thực hiện pha xuất phát lại nên bị giáng xuống P13.

(Tiếp tục cập nhật)

Nguồn: Tổng hợp, wikipedia

--

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "Kimi Raikkonen là ai?". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Fanpage Thể thao tốc độ
Cựu tay đua
    Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

    Arai Rx-7 Pedrosa 26

    Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....
    Góc thông tin