GP Mexico 2017-Raikkonen đã may mắn như thế nào?
Thể thao tốc độ xuất bản ngày
GP Mexico là 1 sự kiện lớn, đông đảo khán giả. Nhưng nó luôn là một chặng đua lạ lẫm do độ cao (so với mặt nước biển) độc nhất vô nhị của thành phố này đã ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các đội đua, ảnh hưởng đến các tay đua trong quá […]

GP Mexico là 1 sự kiện lớn, đông đảo khán giả. Nhưng nó luôn là một chặng đua lạ lẫm do độ cao (so với mặt nước biển) độc nhất vô nhị của thành phố này đã ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các đội đua, ảnh hưởng đến các tay đua trong quá trình lái và vượt.
Một trong những yếu tố quyết định khác ở giai đoạn này đó là tâm lý không còn gì để mất ở một số tay đua, và sự tác động của nó đến các đội đua vẫn còn điều có thể mất. Đây là một trong những “khóa cò súng” chi phối những gì đã xảy ra ở Singapore và bây giờ lại xảy ra ở pha xuất phát GP Mexico.
Về cơ bản, các vị trí trên BXH đã gần như được quyết định từ trước cuộc đua. Hầu như tất cả các đội đua bây giờ chỉ còn phải đua với 1 hoặc 2 đối thủ chính, do đó các quyết định chiến thuật có khác biệt đôi chút.
Các đội đua như Redbull với Max Verstappen thuộc đối tượng không còn gì để mất nên tiếp cận chặng đua một cách quyết liệt hơn bình thường, còn Renault cũng chỉ muốn nhích lên phía trên BXH hơn là muốn giữ vị trí của mình. Cho nên cả 2 đã thống nhất hi sinh yếu tố ổn định để tăng công suất động cơ của mình (dẫn đến việc hỏng động cơ Renault hàng loạt ở chặng này).
Chức vô địch cá nhân bây giờ đã được định đoạt, còn Force India cũng đã chắc chắn sẽ về thứ 4 chung cuộc nên có lẽ chúng ta sẽ thấy hầu hết tất cả chiếc xe thuộc top 4 sẽ đua theo kiểu “không còn gì để mất” ở 2 chặngn đua cuối cùng.
Về GP Mexico, đây là một cuộc đua mà xe an toàn ảo đã tạo khác biệt khi nó xuất hiện. Vì nó cho phép các tay đua chưa vào pit có thể vào pit mà không có nhiều mất mát thời gian như bình thường, củng cố được vị trí của mình và hạn chế sự đe dọa từ phía sau. Các tay đua như Lance Stroll và Kevin Magnussen là những người hưởng lợi nhất từ điều này.
Các dự đoán trước chặng đua
Mexico khá giống với Sochi ở điểm là yêu cầu thấp về động cơ, vì thế lốp xe có thể được sử dụng lâu hơn. Ngay cả bộ lốp Cực mềm cũng có thể chạy được non nửa quãng đường. Bên cạnh đó, trường đua lại rất khó vượt bởi vì các xe phía sau rất khó bám đuôi được chiếc xe phía trước nếu mà nhiệt độ lốp không tăng đột biến. Hệ thống hỗ trợ vượt DRS không có nhiều tác dụng ở độ cao này bởi vì mật độ không khí loang hơn làm cho chiếc xe chạy nhanh hơn trên đường thẳng.
Hầu hết các đội đua đều xác định chiến thuật 1 pit ngay từ đầu. Lốp cực mềm sẽ được sử dụng đến vòng 30, sau đó sẽ thay bằng lốp Siêu mềm. Tuy nhiên, họ phải chọn đúng thời điểm vào pit để tránh bị kẹt đường, vì có thể sẽ chậm đi 0.3s một vòng do hệ thống làm mát của xe hoạt động không tốt ở nơi này. Bên cạnh đó, cũng có vài chiến thuật khác hơn một chút. Các tay đua có thể vào pit sớm hơn khoảng 10 vòng để thay lốp Mềm nhằm được chạy ở đường sạch, hơn là thay lốp Siêu mềm mà phải chạy đoạn đường kẹt.
Nhưng ở Mexico, chỉ có vài chiếc xe có thể tối đa hóa chiến thuật của mình.
Raikkonen may mắn tách được nhóm giữa
Ferrari là chiếc xe nhanh nhất ở Mexico. Giống như ở Singapore, Sebastian Vettel hoàn toàn có thể thắng cuộc đua này.
Vettel đã giành pole, nhưng quãng đường 900m từ vạch xuất phát đến Turn 1 ở các pha xuất phát luôn chứa đựng những rủi ro. Giống như ở Sochi, ở quãng đường dài như vậy, các tay đua chạy đầu rất dễ bị núp gió. Đó là điều mà Verstappen đã làm. Vettel đã bị đẩy khỏi Turn 2 sau đó va chạm với Hamilton ở Turn 3 khiến cho cả hai đều bị rớt lại.
Tay lái Ferrari còn lại cũng không xuất phát tốt, nhưng vẫn còn may mắn hơn vì Kimi Raikkonen chỉ có tụt 3 hạng (sau Ocon, Hulkenberg và Perez).
Ferrari cần Raikkonen tách ra khỏi nhóm này vì hai lý do: Để anh có thể nhảy cóc và giành cho Vettel khoảng trống để vượt lên.
Do đó Raikkonen đã được lệnh vào pit ở vòng 18, một quyết định rất sớm và táo bạo của Ferrari. Anh được thông báo phải sử dụng chiến thuật khác với Perez. Còn Force India lúc này muốn phòng thủ nên đã cho Perez pit ở vòng 18 để đánh chặn. Raikkonen lúc này đang chạy sau Perez nên đã… đổi ý. Cú pit vội vã này đã làm hại Perez vì anh không chỉ để sổng Raikkonen mà còn bị kẹt lại phía sau Magnussen. Phải đến khi tay đua Đan Mạch vào pit ở vòng 30 thì Perez mới lấy lại được vị trí.
Đáng Force India phải đợi Raikkonen pit trước và phản ứng sau 1 vòng. Vì nếu Raikkonen thay lốp mềm thì họ vẫn có thể bảo vệ vị trí bằng lốp Siêu mềm. Nhưng rõ ràng đội đua Ấn Độ không chắc chắn về bộ lốp Siêu mềm, liệu nó có thể chạy đến hết cuộc đua hay không. Đó là lý do họ đã cho Perez vào pit thay lốp Mềm để có thêm thời gian làm nóng lốp.
Chạy phía trên Perez và Raikkonen ở giai đoạn này là Nico Hulkenberg. Tay lái Renault cũng có 2 mục tiêu là nhảy cóc Ocon và bảo vệ vị trí trước Perez. Do đó anh vào pit ở vòng 19. Mục đích bảo vệ vị trí của Hulkenberg thành công vì anh ra pit trước Perez, nhưng anh không thể tấn công Ocon vì tay đua này cũng mau chóng phản ứng ở vòng 20. (đến vòng 25 Hulkenberg phải bỏ cuộc do lỗi động cơ).
Một lần nữa, Force India phạm sai lầm trong phán đoán tình huống. Họ đã dè chừng Hulkenberg- vồn không có cạnh tranh với họ trên BXH cá nhân- mà bỏ qua Raikkonen-đang chạy chiếc xe nhanh hơn. Một phần khác làm cho toan tính của Force India phá sản là xe an toàn ảo ở vòng 32 như đã nói ở trên.
Cho nên, sau chuỗi các hành động như vậy, vô tình đã giúp Raikkonen được giải phóng. Với ưu thế của chiếc Ferrari và tận dụng khoảng thời gian xe an toàn ảo, Raikkonen sau khi ra pit ở vòng 32 đã tạo khoảng cách 10s với Ocon.
Nhưng mọi thứ không phải là hoàn hảo đối với Raikkonen, như đã nói ở trên, nếu anh vào pit thay lốp Mềm ở vòng 18 là một quyết định hợp lý nhưng đến vòng 32 anh vẫn quyết định sử dụng lốp mềm lại là một quyết định sai lầm. Cả 2 tay đua chạy trước là Max Verstappen và Valtteri Bottas đều chuyển sang lốp Siêu mềm ở vòng này. Vì thế cho nên Raikkonen đã không thể nào có đủ tốc độ để tấn công các tay đua phía trên.
Nhưng đây là là một sự đánh đỏi, vì tay đua người Phần Lan không còn bộ lốp Siêu mềm mới nào. Ferrari đã sử dụng bộ lốp Siêu mềm cuối cùng ở Q1 để tiết kiệm 1 bộ lốp Cực mềm. Đội đua này có lẽ muốn phòng trường hợp có thể tấn công ở cuối chặng (nếu có xe an toàn thật) nên đã không thay lốp Cực mềm cho Raikkonen. Một phần khác họ cũng không dám chắc Lốp Cực mềm có thể chạy 39 vòng hay không.
Riêng với Vettel, do đã lỡ phải vào pit sớm ở ngay vòng 2 nên lốp Cực mềm khi xuất phát vẫn chưa được sử dụng hết. Nên họ có thể thay bộ lốp Cực mềm mới cho tay đua này ở vòng 32. Trong trường hợp lốp này có bất trắc họ có thể sử dụng lại bộ lốp cũ. Vì Vettel cũng ở trong tình thế không còn gì để mất.
Xe an toàn ảo không đem lại may mắn cho tất cả
Sauber mùa này bị các đối thủ bỏ quá xa. Họ chỉ ghi được có 2 điểm và không còn vào được top 10 từ tháng sáu đến giờ.
Năm ngoái Marcus Ericsson suýt ghi điểm với chiến thuật 1 pit ngay từ vòng 1. Chiến thuật này hiệu quả do việc khó vượt nhau và việc các xe nhóm giữa sẽ bị chậm lại khi chạy chùm. Nên năm nay, Sauber cố tạo khác biệt bằng 2 chiến thuật khác nhau. Pit sớm cho Wehrlein (vòng 4) và pit trễ cho Ericsson (vòng 28). Dù rõ ràng Sauber không thể có điểm trong chặng này nhưng cả 2 chiến thuật này đều bị trung hòa kết quả do xe an toàn ảo khiến cho các tay đua của họ không có được vị trí cao hơn 1 chút.
#cungtuy