Chủ đề: GP Anh     Mercedes     williams

Nhật ký Silverstone 2015 (Phần 1): Liệu Williams có thể chiến thắng ?

icon

Quả là một chặng đua làm thỏa mãn từng người trong số 14 vạn khán giả trên trường đua Đá Bạc cũng như hàng triệu cổ động viên trên khắp thế giới !

Đây là một chặng đua có rất rất nhiều những biến cố đáng chú ý và hầu như mọi xe đua về đích trong top 10 đều được nếm trải điệp khúc “hy vọng-thất vọng”. Chúng ta sẽ cùng điểm qua những sự kiến nổi bật nhất cũng như tìm lời giải đáp cho câu hỏi của rất nhiều người: Liệu Williams có thể chiến thắng ?

Khi các xe nhận hiệu lệnh xuất phát, bộ đôi của Williams đã lần lượt vượt qua cả Hamilton lẫn Rosberg khá dễ dàng. Chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân cú đề pa lỗi của Hamilton !

Trên công tơ mét chiếu trên tivi của xe Hamilton, phần “Throttle” biểu thị sự hoạt động của chân ga. Tay lái đạp ga đến đâu thì màu xanh lá cây sẽ nhích lên tương ứng. Ngược lại, khi họ nhả ga đến đâu thì nó sẽ tụt xuống theo tỷ lệ thuận. Bây giờ hãy quan sát phần đầu của video sau:

Đèn tắt, Hamilton đạp ga, phần màu xanh lá cây nhích dần lên. Đến phần giữa của chữ “Throttle” chúng ta thấy nó bỗng nhiên khựng lại một chút rồi mới tăng tiếp. Điều này tiếp tục lặp lại khi nó lên đến cuối chữ “Throttle”. Nếu đó là một cú xuất phát hoàn hảo, phần màu xanh lá phải tăng dần đều, rất mềm mại cho đến khi đạt tới giới hạn (đồng nghĩa với việc lái xe đã đạp hết ga).

Hai tình huống trên là đầu mối hết sức quan trọng để đưa ra kết luận rằng: Hamilton đã bị trượt bánh sau khi đề pa ! Do đó, nhà ĐKVĐ buộc phải ngừng nhấn ga trong tích tắc nhằm chờ cho các lốp sau bám đường rồi mới tiếp tục tăng tốc tiếp. Tuy nhiên, độ bám đường quá kém khiến anh tiếp tục bị trượt bánh thêm một lần nữa.

Thậm chí, mọi thứ còn trở nên tệ hại hơn. Khi lên đến tầm 160km/h, xe vẫn trượt bánh. Và lần này, để cứu vãn tình hình, Hamilton thậm chí đã phải nhả nhẹ chân ga một chút trước ghi đạp hết cỡ. Ta có thể thấy rất rõ toàn bộ ba tình huống này qua công tơ mét.

Trở lại đường chạy. Ở nhóm sau, hai chiếc Lotus đâm nhau khiến Alonso bị vạ lây, anh loạng choạng và húc thẳng vào Button qua đó vô tình kết thúc sớm chặng đua của đồng đội mình. Bản thân Alonso sau đó cũng phải vào pit thay cánh trước, nhưng may cho anh là vụ lùm xùm trên đã khiến xe an toàn vào cuộc nên khi trở ra Alonso dễ dàng bắt kịp đoàn đua. Còn Button, ở bảng xếp hạng kết quả chặng đua, nhà VĐTG năm 2009 còn bị xếp sau cả Nasr, người thậm chí còn…không đua do xe bị hỏng hộp số.

Tai nạn ở vòng 1.

Đến vòng 4 thì xe an toàn rời đường chạy và Hamilton (lúc này đang giữ P2) lập tức tấn công Massa ở những khúc cua cuối cùng. Tuy nhiên, do phải chạy chậm sau SC khiến lốp bị nguội đi khá nhiều. Hậu quả, anh bị bó bánh tới hai lần khi phanh ở T16 trước khi bị Bottas qua mặt. Kể từ đây, tay lái người Phần Lan khơi ra cuộc chiến cực khốc liệt cho đồng đội của mình, cũng như cả NHM trên khắp thế giới…

Sau khi đã đánh bại Hamilton, Bottas tiếp cận Massa với áp lực như vũ bão. Đặc biệt là khi DRS được bật khiến Massa phải phòng ngự vô cùng vất vả. Trong khi đó, hai chiếc Mercedes cũng đã ở ngay sau lưng bộ đôi Williams với khoảng cách dưới 1s.

Cho tới vòng 9, sau khi Hamilton và Rosberg thay nhau lập Fastest Lap thì Williams ra lệnh cấm không cho Bottas tấn công Massa và thay vào đó thì cả hai phải tìm cách cắt đuôi Mercedes. Đây là một quyết định không thể hiểu nổi từ phía đội đua tư nhân giàu truyền thống của gia đình Williams ! Rõ ràng chiếc W06 mạnh hơn hẳn, giả dụ như Massa và Bottas chạy sau lưng họ thì chắc chắn hai xe FW37 đã bị bỏ xa lắc. Việc Mercedes bị cầm chầm cân phía sau đơn giản chỉ là bởi tốc độ tối đa của Williams tốt hơn trên đường thẳng. Đằng này, Williams không biết lượng sức mình, lại muốn tạo khoảng cách với Mercedes (?!) Và thực tế cho thấy họ không thể nào bứt lên được quá 1s so với Hamilton.

11140368_1271359186261399_4203541649986939156_n

Kết quả của hai lái chính đã bị ảnh hưởng nhiều từ những sai lầm của đội ngũ chiến thuật Williams !

Chưa hết, lệnh team order của Williams cũng gây ra vô vàn ý kiến trái chiều từ phía các CĐV sau chặng. Hầu hết (gồm cả Bottas) đều tin rằng Massa đáng lẽ ra đã bị vượt nếu như không có team order ấy. Và nói cách khác thì cơ hội thắng chặng sẽ sáng sủa hơn cho Williams bởi nếu qua được Massa thì Bottas, vốn đang nhanh hơn, sẽ có cơ hội bỏ xa Mercedes. Tuy nhiên, liệu điều đó có thể trở thành sự thật ? Hãy cùng phân tích !

Thứ nhất, ở vòng 9, Bottas được yêu cầu “Tha cho tên Massa đi, để hai đứa cùng thoát khỏi sự đeo bám của Mercedes cái đã, lát nữa tính sổ hắn sau”. Anh trả lời: “Nhưng tôi nhanh hơn hắn”. Ngay sau đó, vòng 10, khi đến đoạn đường thẳng Hangar, nơi có DRS, Bottas tấn công Massa vô cùng dữ dội. Điều này cho thấy có vẻ như tay đua người Phần Lan cố ý chống lệnh team order. Williams nhìn thấy tình huống này và một lần nữa đề nghị Bottas “Không manh động !” . Lần này thì Bottas đồng ý, và trả lời với đại ý rằng do đang ở trên đường thẳng có DRS nên tranh thủ “dọa” Massa một chút.

Đến vòng thứ 11, lúc này không hiểu Williams tính toán gì, có lẽ họ nhận ra sự ngớ ngẩn trong team order của mình nên vội chữa cháy bằng cách điện cho Bottas và nói theo kiểu vừa đấm vừa xoa: “Thôi thì chú xử lý hắn luôn đi cũng được, nhưng mà nhớ là đừng có đâm nhau đấy.” Bottas đáp lại: “Quá muộn rồi…”.

11181211_1271359672928017_7270118131126397652_n

Williams thiếu nhất quán khi ra lệnh team order !

Do đó, những chỉ trích nhắm vào Williams về lệnh team order là không hẳn chính xác, bởi dẫu sao thì Bottas có vẻ như đã cố “ăn cơm trước kẻng”.  Dù sau chặng đua thì anh vẫn cho rằng lẽ ra mình đã có thể vượt được Massa nếu không bị lệnh “cấm vận” từ đội đua.

Sau đó, tay lái đang đứng thứ 5 trên BXK vẫn đeo bám Massa rất quyết liệt, hầu như vòng nào cũng buộc Massa phải đổi làn đường để phòng ngự trên đoạn thẳng Hangar nhưng Bottas không một lần thành công. Trước khi bài Team Radio lên sóng tuần này, Thethaotocdo sẽ gửi tới quý độc giả bài viết phân tích kỹ thuật lái mà Massa đã dùng ở Sector 2 để đánh chặn Bottas.

Thứ hai. Khi hết chặng, nhiều người (gồm cả Williams) cho rằng đội đua nước Anh có thể chiến thắng nếu như trời không mưa và dỡ lệnh “cấm vận” với Bottas. Ta tạm thời bỏ qua cơn mưa để nói về triển vọng lên ngôi của một chiếc Williams nếu Bottas qua được Massa nếu thời tiết khô ráo suốt chặng đua.

Bottas thực sự chỉ nhanh hơn Massa ở khoảng 4-5 vòng sau khi SC rời đường chạy. Vì thời điểm này lốp vẫn còn tốt. Sau đó, chính xác là từ khi thốt lên “Quá muộn rồi” thì lúc này tốc độ của Bottas chỉ ở mức tương đương với Massa hoặc nhỉnh hơn một chút xíu (do có DRS trợ giúp). Và việc phải chạy sau Massa quá lâu đã khiến cho lốp của Bottas xuống cấp. Giả dụ anh có vượt được đồng đội mình đi nữa thì khả năng Bottas có thể cắt đuôi được ba xe phía sau (gồm Massa và hai chiếc Mercedes) với một khoảng cách đủ lớn để thắng chặng làkhá thấp.

11667412_964133933667935_3687762911778966098_n

Đúng một năm trước tại Áo GP, Mercedes cũng đánh bại Williams rất đơn giản bằng chiến thuật hợp lý hơn.

Ở các khúc cua, chạy quá gần đối thủ (khoảng 2s đổ về) đồng nghĩ với việc xe bạn đã lọt thỏm vào vùng không khí nhiễu loạn được thoát ra từ chiếc xe phía trước. Cụ thể hơn, vùng khí nhiễu loạn này khiến xe đua mất rất nhiều lực nén và do vậy bánh sau (là bánh dẫn động) sẽ bị trượt nhiều hơn, qua đó nhanh mòn hơn.

Thứ ba. Rất nhiều nhận định cho rằng Williams đã một lần nữa mắc sai lầm chiến thuật khi để Hamilton đánh lén thành công. Nếu họ chủ động điều Massa vào pít sớm cho Bottas ở ngoài đánh chặn thì sau khi bộ đôi Mercedes pit xong, Massa vẫn ở trên và trời không mưa thì Massa sẽ có cơ hội thắng chặng. Đúng là Williams đã để mất thể chủ động khi pit sau Hamilton. Thực ra lần pit Massa cũng lâu hơn nhiều so với con số chỉ 2,4s của Hamilton vì đội thợ máy còn phải vệ sinh cánh gió cho xe. Nhưng nếu họ thực hiện hoàn hảo kế hoạch trên thì tình hình liệu có thay đổi ?

Sau khi vào pit và trở ra với lốp cứng, Hamilton nhanh vượt trội so với hai chiếc Williams. Nhiều người nhận thấy điều này nhưng ít ai biết rằng trong số toàn bộ 19 xe xuất phát, chỉ có duy nhất hai chiếc W06 là còn một bộ lốp cứng mới tinh. Đây là một lợi thế vô cùng đáng kể. Hay nói một cách khác thì họ hoàn toàn có thể chọn chiến thuật hai pit. Dẫu cho Bottas có qua được Massa đi nữa, hoặc Hamilton không đánh lén thành công Williams thì chắc chắn nhà ĐKVĐ cũng như Rosberg sẽ lập tức chuyển sang hai pit. Và nếu như vậy thì đến cuối chặng, với bộ lốp đã mòn rất nhiều do chỉ pit có một lần thì không ai dám chắc Williams có thể cầm cự thành công trước hai chiếc W06 vừa nhanh hơn vừa có lốp mới hơn. Thực tế Rosberg đã manh nha dùng chiến thuật này khi Tony Ross điện cho Rosberg và nói “Triển khai kế hoạch B”.

11041685_10152913244507411_6385368271909591149_n

Trong chặng đua, Rosberg đã sẵn sàng đối phó với cặp đôi Williams trong mọi trường hợp. 

Sau khi phân tích cả ba trường hợp trên, chúng ta có thể kết luận rằng: Dù trời không mưa, dù Williams có pit trước Mercedes, dù Bottas có vượt được Massa thì triển vọng thắng chặng của đội đua chủ nhà là có nhưng không cao !

Ngày mai, Thethaotocdo sẽ tiếp tục đăng tải phần 2 của “Nhật ký Silverstone 2015” với nội dung xoay quanh những biến cố từ cơn mưa đã được dự báo từ đầu chặng. Cũng như tiếp tục đi tìm phần trả lợi còn lại cho câu hỏi “Liệu Williams có thể chiến thắng?”

Mời quý độc giả chú ý đón xem !

GL550

 

--

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "Nhật ký Silverstone 2015 (Phần 1): Liệu Williams có thể chiến thắng ?". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Fanpage Thể thao tốc độ
Tin tức
    Tin tức
      Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

      Arai Rx-7 Pedrosa 26

      Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....
      Góc thông tin