Chủ đề: motogp champion     motogp winner     tay đua motogp     Valentino Rossi

Valentino Rossi là ai?

icon

Valentino Rossi nhận huy chương Huyền thoại MotoGP

Valentino Rossi nhận huy chương Huyền thoại MotoGP

Thông tin cá nhân Valentino Rossi

Tên đầy đủ: Valentino Rossi (tên thân mật là Vale)

Ngày sinh 16/02/1979

Nơi sinh: Urbino, xứ Marches, Italia (Sau đó gia đình anh chuyển đến Tavullia)

Số xe: 46

Ngay sau khi giải nghệ MotoGP Valentino Rossi được ban tổ chức MotoGP trao tặng danh hiệu huyền thoại MotoGP

Valentino Rossi chính là tay đua khởi đầu xu hướng giữ số xe làm thương hiệu của mình nên không bao giờ đổi số xe dù được quyền đổi thành số 1 sau mỗi khi vô địch.

Rossi có nhiều nickname, nổi tiếng nhất là THE DOCTOR. Khi còn trẻ anh còn lấy biệt danh Rossifumi lấy cảm hứng từ tay đua Nhật Bản Norick Norifumi Abe.

Rossi có sở thích thể hiện các suy nghĩ cảm xúc của mình bằng cách vẽ lên mũ bảo hiểm.

Nón bảo hiểm: nón bảo hiểm AGV

Màu sắc biểu tượng của Rossi là màu vàng chanh.

Cha mẹ của Rossi là Graziano Rossi và Stefania Rossi.

Anh chị em gồm có Clara Rossi và Luca Marini (cùng mẹ khác cha). Luca Marini cũng là một vận động viên đua xe chuyên nghiệp. Mùa giải MotoGP 2021, Luca Marini sẽ đua MotoGP cùng Rossi.

Từ năm 2014, Rossi (cùng các đối tác) thành lập đội đua Sky Racing Team by VR46 để tham gia các thể thức Moto3 và Moto2 (từ năm 2017).

Rossi cũng thành lập học viện VR46 Rider Academy để đào tạo các tay đua trẻ.

Rossi có một trường đua phủi để tập luyện cùng với các ‘đệ tử’ của mình.

Ngoài đua xe, Rossi là một fan hâm mộ đội bóng Inter Milan.

Rossi đang cặp kè với Francesca Sofia Novello, hai người sắp đón con gái đầu lòng (2022)

Thống kê thành tích MotoGP của Valentino Rossi

(Tính đến hết năm 2021)

Vô địch: 7 (2001-2005; 2008-2009)

Số chặng đua tham gia: 372

Chiến thắng: 89

Podium: 199

Pole: 55

Fastest lap: 76

Chặng đua đầu tiên: MotoGP Nam Phi 2000

Điểm số đầu tiên: MotoGP Nhật Bản 2000

Podium đầu tiên: MotoGP Tây Ban Nha 2000

Chiến thắng đầu tiên: MotoGP Anh 2000

Pole đầu tiên: MotoGP Nam Phi 2001

Vô địch đầu tiên: MotoGP Úc 2001

Sự nghiệp của Valentino Rossi

Năm 1996-1997: Thi đấu hạng 125cc

Trong 4 mùa giải đầu tiên, Valentino Rossi đều thi đấu ở đội Aprilia.

Valentino Rossi tạo được ấn tượng lớn ngay ở mùa giải đầu tiên của mình. Anh về đích thứ 6 ngay ở chặng đua đầu tiên ở Malaysia, Podium đầu tiên ở Áo và chiến thắng đầu tiên ngay ở chặng đua CH Sec ngay sau đó. Kết thúc mùa giải đầu tiên anh xếp thứ 9 chung cuộc.

Sau 1 năm làm quen, Rossi hoàn toàn thống trị mùa giải thứ 2 với 11 chiến thắng trong số 15 chặng đua. Rossi chính thức đoạt ngôi vô địch sau khi về 3 ở GP CH Séc.

Năm 1998-1999: thi đấu hạng 250cc

Valentino Rossi khởi đầu mùa giải 1998 không được tốt. Anh phải bỏ cuộc ở 2 chặng đua đầu tiên ở Nhật Bản và Malaysia. Kế đó là 3 lần về nhì liên tiếp ở Tây Ban Nha, Italia và Pháp. Chặng đua tiếp theo ở Madrid Rossi 1 lần nữa phải bỏ cuộc trước khi có chiến thắng đầu tiên ở hạngn 250cc ở Hà Lan.

Ở nửa sau mùa giải Rossi bùng nổ với 4 chiến thắng liên tiếp ở cuối giải. Nhưng điều đó là không đủ để anh bù lại 2 cú ngã khác ở Anh Và Sesc. Do đó Rossi chỉ xếp thứ 2 chung cuộc sau một “Rossi khác” là Loris Capirossi.

Ở mùa giải này Capirossi chỉ có 2 chiến thắng so với 5 chiến thắng của Rossi và Tetsuya Harada. Đây là mùa giải mà Harada đã dẫn đầu BXH cho đến chặng đua thứ 12/14 chặng đua. Nhưng tay đua người Nhật đánh mất chức vô địch vào tay Capirossi do bị ngã xe ở 2 chặng đua cuối cùng.

Mùa giải 1999, Rossi tiếp tục khởi đầu chậm chạp (về thứ 5 ở Malaysia và thứ 7 ở Nhật Bản). Anh chỉ bắt đầu chiến thắng ở chặng thứ 3 ở Tây Ban Nha. Nhưng từ đó đến cuối giải, Rossi chỉ phải bỏ cuộc 1 lần nhưng đã chiến thắng thêm 8 lần khác. Lần này chức vô địch được Rossi mang về sau chiến thắng ở GP Rio de Janeiro.

Năm 2000-2021: Đua 500cc/MotoGP

Năm 2000-2003: Đua cho Honda

Năm 2000-2001: tỏa sáng ở hạng đua 500cc trong màu áo Nastro Azzurro

Sang thiên niên kỷ mới, Valentino Rossi chuyển sang đội Nastro Azzurro (một đội đua tư nhân sử dụng xe của Honda) để thi đấu hạng đua cao nhất 500cc.

Nhưng ở năm 2000, thói quen khởi đầu chậm chạp 1 lần nữa làm hại Rossi. Trong 3 chặng đua đầu tiên anh 2 lần bỏ cuộc và 1 lần về thứ 11. Mùa giải xoay chuyển từ GP Tây Ban Nha với vị trí thứ 3. Rossi chiến thắng hạng 500cc đầu tiên ở GP nước Anh. Sau đó anh chiến thắng tiếp ở GP Rio. Nhưng chiến thắng này không có nhiều ý nghĩa vì Kenny Robert chính thức lên ngôi vô địch dù chỉ về thứ 6.

Rossi bắt đầu kỷ nguyên thống trị MotoGP của mình từ mùa giải 2001, cũng là mùa giải cuối cùng mang tên 500cc. Cho tới giờ mùa giải 2001 vẫn là mùa giải mà Rossi có khởi đầu mạnh mẽ nhất với 3 chiến thắng liên tiếp. Trong phần còn lại của mùa giải, Rossi giành thêm 8 chiến thắng nữa và chỉ bỏ cuộc 1 lần (ở Italia). Chức vô địch ở hạng đua cao nhất đầu tiên của Rossi được xác định ở GP nước Úc (chiến thắng).

2002-2003: Thống trị các năm đầu kỷ nguyên MotoGP

Năm 2002-Năm đầu tiên của kỷ nguyên MotoGP chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của Rossi. Lúc này Valentino Rossi chuyển về Repsol Honda. Anh đã đoạt được chức vô địch (ở GP Brasil) khi mùa giải còn tới 4 chặng đua chưa thi đấu. Lý do là cho đến thời điểm đó Rossi đã có 10 chiến thắng và về nhì 1 chặng sau 12 chặng đua. Ở 4 chăng đua cuối cùng, Rossi kiếm thêm 1 chiến thắng và 3 lần về nhì. Mùa giải này anh chỉ bỏ cuộc 1 lần ở CH Séc.

Mùa giải 2003 là một mùa giải mạnh mẽ nữa của Valentino Rossi, đây là mùa giải đầu tiên kể từ khi bắt đầu sự nghiệp, Rossi không bỏ cuộc lần nào. Đặc biệt là anh luôn về trong top 3. Trong 16 chặng đua, Rossi chiến thắng 9 lần, 5 lần về nhì và 2 lần về 3. Rossi dễ dàng bảo vệ danh hiệu vô địch sau khi về nhất ở Malaysia.

Năm 2004-2010: Yamaha lần thứ nhất

2004-2005: Chuyển sang Yamaha

Sau 4 mùa giải thành công với Honda, Valentino Rossi bất ngờ chuyến sang đội đua kình địch Yamaha để hạ bệ đội đua cũ. Sau nửa đầu mùa giải tạm xếp dưới Sete Gibernau, Rossi đã san bằng điểm số với đổi thủ sau chiến thắng ở Hà Lan (cả 2 cùng được 126 điểm sau chặng đua này). Cả 2 cùng bỏ cuộc ở chặng đua Brasil ngay sau đó. Từ GP nước Đức, Rossi bắt đầu vượt lên và giành được ngôi vô địch trước 1 chặng đua ở GP nước Úc. Tổng cộng anh có 9 chiến thắng so với 4 của Gibernau.

Mùa giải 2005, trừ GP Nhật Bản là Rossi bị ngã xe còn lại anh đã lên podium trong tất cả các chặng đua còn lại (11 chiến thắng). Rossi đón chức vô địch ở chặng đua sau đó ở Sepang-Malaysia.

Đây cũng là chức vô địch cuối cùng trong chuỗi 5 lần vô địch hạng đua 500cc/MotoGP liên tiếp của Rossi.

2006-2007: Tạm thời bị hạ bệ

Năm 2006 là mùa giải thất thường nhất của Valentino Rossi. Hậu quả của nó là việc anh đánh mất chức vô địch ở chặng đua cuối cùng ở Valencia vào tay Nicky Hayden. Anh vẫn là tay đua có số lần chiến thắng nhiều nhất (5 lần). Nhưng trong số 7 tay đua xếp đầu thì Rossi cũng có số lần bỏ cuộc nhiều nhất (3 lần). Bên cạnh đó 2 chặng đua đầu và cuối mùa giải anh chỉ về thứ 14 (ở Tây Ban Nha) và 13 (ở Valencia).

Mùa giải 2007 chứng kiến sự nổi lên của 2 ngôi sao mới là Casey Stoner và Dani Pedrosa. Đặc biệt là Stoner. Anh bất ngờ thống trị giải đấu trên chiếc xe Ducati GP7. Rossi chỉ có 4 chiến thắng (so với 10 của Stoner) nên chỉ xếp thứ 3 chung cuộc. Anh có thể xếp thứ 2 nếu không bị ngã xe ở Valencia (bị Pedrosa vượt qua trên BXH tổng bằng 1 chiến thắng).

2008-2010: Đua cặp với Jorge Lorenzo và rời khỏi Yamaha

Nhưng Valentino Rossi không phải chờ đợi quá lâu để trở lại ngôi vương. Ngay ở mùa giải tiếp theo, anh đã phục thù thành công Casey Stoner. Tay đua người Úc không còn duy trì được sự ổn định như ở mùa giải 2007. Anh phải “trả lại” ngôi vô địch cho Rossi ở GP Nhật Bản. Đây là mùa giải thứ 2 trong sự nghiệp Rossi không bỏ cuộc 1 chặng đua nào. Tuy nhiên nó không ấn tượng như mùa giải 2003 vì anh 2 lần không lên podium (thứ 5 ở Qatar và thứ 11 ở Hà Lan). Ở các chặng đua còn lại anh có 9 chiến thắng.

Trong giai đoạn này, Rossi đua cặp với 1 người đồng đội mới là Jorge Lorenzo. Sau mùa giải 2008 “bỡ ngỡ”, từ năm 2009 Lorenzo đã chính thực trở thành kình địch lớn nhất của Rossi trong giai đoạn này. Nhưng Rossi vẫn thể hiện sự ổn định tốt hơn đồng đội (6 chiến thắng, 1 lần bỏ cuộc so với 4 chiến thắng và 4 lần bỏ cuộc của Lorenzo) nên vẫn bảo vệ được danh hiệu vô địch. Lần này chức vô địch được quyết định ở Malaysia, Rossi về 3 còn Lorenzo về 4.

Mùa giải 2010 khởi đầu hứa hẹn với Rossi khi anh chiến thắng ngay chặng đua mở màn ở Qatar và lên podium ở 2 chặng đua kế tiếp. Nhưng hi vọng bảo vệ ngôi vô địch sớm không còn vì anh phải nghỉ thi đấu tới 4 chặng đua do gặp tai nạn ở GP Italia.  Rossi trở lại từ GP nước Đức (về thứ 4) và sau đó có được 1 chiến thắng ở Malaysia. Nhưng đây cũng là chặng đua cuối cùng Rossi được gọi là tay đua đang bảo vệ danh hiệu vì đồng đội Lorenzo đã chính thức soán ngôi của Rossi sau khi về thứ 3 ở đây.

Đây cũng là chiến thắng cuối cùng của Rossi trong màu áo Yamaha trước khi anh chuyển sang Ducati ở mùa giải 2011.

2011-2012: Vất vả ở Ducati

Valentino Rossi không đạt được thành công như mong đợi khi chuyển về Ducati. Anh chỉ 1 lần lên podium ở (ở Pháp). Bên cạnh đó GP Malaysia là 1 kỷ niệm buồn vì anh và Colin Edwards đã không kịp tránh tình huống ngã xe bất ngờ của Marco Simoncelli nên đã gây tử vong cho tay đua này. Rossi kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 7, vị trí thấp nhất kể từ mùa giải 125cc đầu tiên năm 1996 (mùa giải đó Rossi xếp thứ 9).

Mùa giải 2012 đã diễn ra tốt hơn cho Rossi, anh 2 lần về nhì ở Pháp và San Marino và chỉ 1 lần bỏ cuộc ở Mỹ nhưng kết thúc mùa giải này anh lại quay về Yamaha đấu cặp với Jorge Lorenzo.

2013-2021: Trở về Yamaha

2013-2016: Tái hợp Yamaha và Lorenzo

Ở mùa giải này, Valentino Rossi làm mới mình bằng chiếc nón bảo hiểm AGV Soleluna.

Yamaha có khởi đầu mùa giải 2013 ấn tượng (Lorenzo 1, Rossi 2 ở GP Qatar) nhưng họ dần bị Marquez bỏ xa. Sau 2 năm, Rossi lại trải qua cảm giác chiến thắng ở GP Hà Lan. Trong mùa giải này Rossi chỉ bỏ cuộc 1 lần ở Italia. Anh xếp thứ 4 chung cuộc. Nhưng vẫn phải xếp sau Lorenzo.

Đến mùa giải 2014 kế tiếp, Rossi đã vượt qua Lorenzo trên BXH chung cuộc. Anh về thứ 2 sau Marquez và có được 2 chiến thắng ở San Marino và Úc.  Giữa 2 chặng đó là một lần bỏ cuộc ở Aragon.

2015 là mùa giải gần nhất mà Rossi có khả năng vô địch. Sau chiến thắng ở chặng đua đầu tiên ở Qatar, anh đã dẫn đầu cho đến GP CH Séc thì bị Lorenzo san bằng điểm số (cùng 211 điểm) nhưng Rossi lại gia tăng khoảng cách ở các chặng đua sau đó. Khi bước vào chặng đua cuối cùng anh hơn Lorenzo 7 điểm. Tuy nhiên việc Rossi phải xuất phát cuối cùng ở chặng đua này (bị phạt vì đã đạp Marquez ở GP Malaysia trước đó) khiến cho anh mất chức vô địch vào tay Lorenzo dù đã nỗ lực để về thứ 4. Nhưng đây cũng là mùa giải thứ 3 trong sự nghiệp Rossi không bỏ cuộc 1 chặng đua nào. Anh có được thêm 4 chiến thắng.

Tuy mất chức vô địch vào tay Lorenzo, nhưng ấn tượng lớn nhất của Rossi trong mùa giải này là các cuộc đấu quyết liệt với Marc Marquez, ngoài scandal ở Malaysia, cả 2 còn tranh đấu quyết liệt ở Argentina và Hà Lan và ở một vài chặng đua khác.

Rossi tiếp tục thể hiện phong độ cao ở mùa giải 2016, nhưng cũng giống như mùa giải 2006 của mười năm trước, Rossi không giữ được sự ổn định của năm trước. Tính đến GP Nhật Bản, Rossi phải bỏ cuộc tới 4 lần (Mỹ, Italia, Hà Lan và Nhật Bản) trong khi đối thủ chính Marquez lại không có ngã xe lần nào nên đã đoạt luôn chức vô địch ở Motegi. Sau đó Marquez mới phải bỏ cuộc ở Úc, nhưng với Rossi như vậy là quá trễ. Trong mùa giải này, anh có 2 chiến thắng trên đất Tây Ban Nha ở Jerez (GP Tây Ban Nha) và Cataluynha.

2017: Đua cặp với Maverick Vinales

Giống như đồng đội mới Maverick Vinales, Rossi cũng có kết quả ấn tượng ở đầu mùa giải. Tuy không giành chiến thắng nhưng số 46 lên podium 3 chặng đua đầu mùa (Qatar, Argentina, Mỹ).

Valentino Rossi tiến gần đến chiến thắng ở Pháp nhưng anh bị ngã xe khi đang tranh chấp ngôi đầu với đồng đội Vinales.

Cuối cùng thì Rossi cũng có chiến thắng ở Assen TT, trong điều kiện thời tiết khó lường. Đó là chiến thắng cuối cùng của Yamaha trong mùa giải này.

Sau khi lên podium ở Silverstone, Rossi bị gãy chân khi đua tập và phải lên bàn mổ, buộc phải bỏ lỡ chặng đua San Marino.

Rossi chỉ nghỉ thi đấu một chặng rồi ngay lập tức trở lại ở GP Aragon với chiếc nạng trong tay và giành được kết quả P5 khích lệ.

Ở Nhật Bản, Rossi lại bị ngã xe. Song anh thi đầu rất mạnh mẽ ở Úc (P2).

2018-Bỏ lỡ cơ hội chiến thắng ở Sepang

Về tổng quan, mùa giải 2018, Yamaha suy yếu nên Valentino Rossi không thể cạnh tranh được với các đối thủ chính như Marquez, Dovizoso hay Lorenzo.

Mặc dù vậy ở cuối mùa giải, anh cũng có cơ hội có được chiến thắng nhưng lại bỏ lỡ đáng tiếc. Rõ ràng nhất là ở Malaysia (bị ngã khi đang dẫn đầu) và ở Valencia (bị ngã khi đang chạy thứ 2).

Chặng đua còn lại mà Rossi bị ngã xe là ở Argentina, lý do là bị Marquez chèn (Marquez bị phạt).

Trừ ba chặng đó ra thì số 46 thi đấu rất ổn định, đặc biệt là ở nửa đầu mùa giải. Trong đó có 5 lần lên podium. Pole duy nhất trong mùa giải của Rossi cũng xuất hiện trong thời gian này (Mugello).

Kết quả đó giúp cho Rossi thường xuyên xếp thứ 2 trên BXH tổng, chỉ bị Dovizioso tước mất ở cuối mùa.

Ngoài ra, khi GP nước Anh bị hủy, Rossi không tham gia bỏ phiếu mà chỉ nói rằng anh sẽ làm theo ý kiến của số đông.

2019-Chật vật trong cả mùa giải

Mùa giải 2019, Valentino Rossi chỉ có 2 lần lên podium ở các chặng đua ở Châu Mỹ là Argentina và America. Trong đó GP America là chặng đua anh có cơ hội chiến thắng nhiều nhất sau khi có được vị trí dẫn đầu (do Marquez ngã xe). Nhưng cuối cùng lại để Alex Rins vượt mặt .

Ở các chặng đua còn lại Rossi đều không có được tốc độ tốt bằng đồng đội Maverick Vinales và đàn em Fabio Quartararo. Chuỗi ngày thất vọng nhất của anh là 3 lần bỏ cuộc liên tiếp ở Italia, Catalunya và Assen. Ở Catalunya thì Rossi dính tai nạn liên hoàn khi xuất phát (có cả Jorge Lorenzo, Andrea Dovizioso và Maverick Vinales). Còn ở Assen, cú ngã của Rossi khiến Takaaki Nakagami ngã theo (và gặp chấn thương khá nặng).

Ngoải ra thì anh còn phải bỏ cuộc 1 lần nữa ở GP Nhật Bản.

2020: Hư xe, ngã xe, covid-19 và suýt gặp họa ở Red Bull Ring

MotoGP 2020 là mùa giải vô cùng đáng thất vọng đối với Valentino Rossi. Anh là tay đua sử dụng xe Yamaha duy nhất (những người còn lại là Maverick Vinales, Fabio Quartararo và Franco Morbidelli) không biết mùi chiến thắng ở mùa giải này. Thành tích cao nhất trong mùa của Rossi cũng chỉ là 1 podium ở chặng đua thứ hai-GP Andalucia.

Trước đó ở chặng đua mở màn (GP Tây Ban Nha) thì Rossi bị hư động cơ phải bỏ cuộc.

Và cũng giống như mùa giải 2019, Rossi có chuỗi 3 chặng đua ngã xe phải bỏ cuộc liên tiếp ở giai đoạn giữa mùa giải (GP Emilia Romagna, GP Catalunya và GP nước Pháp).

Chưa hết, anh còn để bị nhiễm covid-19 nên không được tham gia hai chặng đua Aragon và Teruel.

Khi quay trở lại thi đấu, Rossi một lần nữa bị hư động cơ ở GP Châu Âu.

Tất cả tạo thành chuỗi 6 chặng đua liên tiếp không ghi được điểm số nào.

Ở 2 chặng đua cuối mùa giải thì Rossi còn chậm hơn so với các chặng đua đầu mùa. Anh không thể cạnh tranh top-10 ở Valencia và Bồ Đào Nha (các chặng đua đầu mùa giải Rossi luôn chạy ổn định trong top 10).

Một tình huống đáng nhớ khác của Rossi là GP nước Áo. Anh và đồng đội Maverick Vinales suýt bị hai chiếc xe của Johann Zarco và Franco Morbidell văng trúng.

Đây cũng là mùa giải MotoGP cuối cùng của Rossi ở đội đua Yamaha Factory vì từ năm 2021 anh sẽ chuyển sang thi đấu cho đội đua vệ tinh Petronas Yamaha.

Năm 2021: Mùa giải MotoGP cuối cùng

Valentino Rossi đã thi đấu vô cùng vất vả ở mùa giải 2021, anh rất hiếm khi vào được Q2, và chỉ một lần cán đích cao hơn vị trí thứ 10 (P8 ở GP Áo). Điều này dẫn đến quyết định giải nghệ sau khi mùa giải 2021 kết thúc.

Các giải đua khác

Bên cạnh MotoGP, Valentino Rossi còn tham gia các giải đua khác. Anh từng cùng với Colin Edwards vô địch giải Suzuka 8h năm 2001.

(Tiếp tục cập nhật)

#Nguồn: Tổng hợp, wikipedia

--

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "Valentino Rossi là ai?". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Fanpage Thể thao tốc độ
Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

Arai Rx-7 Pedrosa 26

Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....
Góc thông tin