Chủ đề: GP Monaco     Max Verstappen

Monaco GP: Cú out-brake lỗi của Verstappen…

icon

Như vậy là chặng đua Monaco đã kết thúc đúng với diễn biến đúng như tiên đoán của phần đông người hâm mộ: Buồn tẻ, không thể vượt nhau và tai nạn.

Cuộc đua bắt đầu dưới thời tiết khá thuận lợi, trời hửng nắng nhẹ, nhiệt độ đường đua khoảng 46 độ C. Điều này khiến các tay lái của chúng ta thở phào nhẹ nhõm vì họ sẽ tránh được nguy cơ phải vật lộn với những bộ lốp thiếu độ bám đường do chúng quá nguội. Tuy nhiên, nhân tố này cũng gây ra một chút khó khăn bởi các đội hoàn toàn không có dữ liệu về độ mòn lốp khi chúng đạt đến giải nhiệt lý tưởng, do nhiệt độ bề mặt đường đua quá thấp ở các đợt chạy tập.

Bước vào chặng đua. Nhóm đầu chứng kiến cú xuất phát khá ấn tượng của Kvyat, anh vượt qua Ricciardo trước khi phải khóa bánh khá mạnh để tránh đâm phải Vettel phía trước. Ở tốp sau, chạy đến turn 1, Hulkenberg có va chạm với Massa khiến tay lái của Williams bị hỏng một lốp trước và gẫy cánh gió. Cuộc đua đã sớm khép lại với Massa chỉ sau có hơn hai trăm mét đường, như lời anh thừa nhận với kỹ sư đường đua trên radio ngay sau đó. Còn Hulkenberg cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy, chạy được một đoạn, đến T5, anh bị Alonso chèn vỡ cánh trước. Alonso sau đó bị phạt 5 giây stop/go khi thay lốp lần đầu, trước khi bỏ cuộc ở vòng thứ 43 do hỏng hộp số.

Đoàn đua có va chạm ngay khi vừa xuất phát.

Tay lái tiếp theo không gặp may tại Monaco là Maldonado. Hệ thống phanh Brake-by-Wire của anh bị trục trặc khiến chiếc Lotus gần như không còn phanh sau (hệ thống phanh điện từ Brake-by-Wire điều khiển phanh sau của xe đua) khiến anh chàng phải chia hết lực phanh về phía phanh trước. Rồi sau đó Maldonado cũng phải bỏ cuộc.

Đến vòng thứ 17, Saiz là người đầu tiên vào pit thay lốp vàng. Đây là đầu mối rất quan trọng cho các đội đua khác nhìn vào để tiên đoán được sự hoạt động của lốp vàng khi mặt đường đua đang có nhiệt độ lý tưởng. Bởi ngay sau khi trở ra, tài năng trẻ của STR đã có một cú vượt khá ấn tượng trước một chiếc Manor tại khúc cua số 10. Điều đó cho thấy việc làm nóng lốp vàng là rất đơn giản, và nó sẽ sớm cho độ bám cao ngay khi được lắp lên xe !

Trên đầu đoàn đua, Ferrari một lần nữa lộ rõ ý định dùng chiến thuật để vượt mặt Rosberg khi cho Vettel vào thay lốp sớm hơn. Tuy nhiên, đội đua nước Đức cũng rất cảnh giác khi thấy khoảng cách giữa Vettel và Rosberg luôn được duy trì khá ổn định ở tấm trên dưới 1,5s. Nên ngay khi Vettel vào pit, kỹ sư đường đua đã giục Rosberg khẩn trương tăng tốc trước khi vào pit sau đó để phản ứng lại. Và họ đã thành công khi vẫn giữ được Vettel phía sau.

Nhưng trên chiếc Ferrari còn lại, Raikkonen bị Ricciardo qua mặt với thủ thuật pit sớm hơn một vòng giống như cách đội đua nước Ý dùng để tấn công Mercedes. Ở phần còn lại của cuộc đua, Raikkonen gặp khá nhiều khó khăn vì tắc đường. Và cũng giống như tại chặng TBN, Người Tuyết lại gào lên văng tục trong radio khi một chiếc STR ngoan cố không chịu tránh đường sớm. Đây cũng là sự cố mà nhiều tay đua nhóm dẫn đầu gặp phải khi các xe bị bắt vòng thường cố tình chờ đến khi chạy tới các đoạn đường có ít vụn cao su (từ lốp bắn ra) mới nhường cho vượt vì họ muốn tránh bị mất độ bám do cán lên vụn lốp. Cá biệt có trường hợp tay đua Merhi thậm chí còn lên tiếng…thách thức chiếc xe đang bắt vòng mình.

Người Tuyết đã mất bình tĩnh với Saiz khi không được nhường đường.

Ở vòng 48, Button gọi radio về pit cho đội để nhắc Merhi tuân thủ cờ xanh. Đáp lại, khi được kỹ sư nhắc nhở, tay lái bên phía Manor cao giọng:”Có tiến lại gần được người ta quái đâu mà cứ đòi nhường đường.”

Cuộc đua cứ thế lặng lẽ trôi đi trong buồn tẻ, với thứ tự ba người dẫn đầu là Hamilton-Rosberg-Vettel, cho tới vòng chạy thứ 64…

Sau vài vòng tấn công Grosjean bất thành (trong đó có nỗ lực khá táo bạo tại hairpin nhưng Grosjean đã phòng ngự tốt bằng cách chọn vệt đường rất thông minh để che chắn) Verstappen tận dụng DRS tại đoạn đường thẳng chính và đặc biệt là độc chiêu out-brake (phanh muộn) cực kỳ lợi hại của mình, quyết định chơi một canh bạc chốt hạ.

Khi hai xe gần đi tới Turn 1, Verstappen, với lợi thế từ DRS, lúc này đã tiếp cận khá gần Grosjean, chân trái chờ đợi đến tích tắc cuối cùng để nhấn phanh trễ hết sức có thể với hy vọng cú out-brake này đủ muộn để vượt lên Grosjean. Tuy nhiên, khác với Nasr và Saiz, những nạn nhân của Verstappen tại Trung Quốc và Mã Lai, lần này Grosjean phanh sớm hơn rất nhiều. Trong khi đường vào Turn 1 càng lúc càng thắt hẹp lại khiến chú nhóc của STR phản ứng không kịp… Hậu quả: chiếc Lotus bị đâm một nhát chí mạng từ đằng sau trong khi xe STR gẫy bánh trước, mất kiểm soát và lao như búa bổ vào hàng rào.

Tai nạn của Verstappen.

SC xuất hiện ngay lập tức sau khi tín hiệu xe an toàn ảo được bật sáng. Và đây chính là biến cố làm thay đổi hoàn toàn cục diện của trận đua !

Khi xe an toàn ra đường chạy, Mercedes ra một quyết định mà chính họ sau đó cũng thể không thể lý giải nổi: gọi Hamilton vào pit ! Không lý do và cũng chẳng có mục đích cụ thể gì ! Trong khi Rosberg vẫn chạy tiếp trên đường đua. Đến nỗi, hai bình luận viên còn phải tự đặt câu hỏi cho nhau:”Tại sao lại pit nhỉ ? Có khi lốp của anh ta bị thủng cũng nên ?”

Và ngay khi rời pit, Hamilton đã sớm nhận ra đó là một quyết định làm anh mất oan chiến thắng chặng, khi cả hai chiếc xe của Rosberg và Vettel lần lượt lướt qua. Nhà đương kim vô địch sau đó đã cố gắng cứu vãn tình hình trong tuyệt vọng bằng cách tấn công Vettel quyết liệt từ Turn 1 tới tận Turn 3 (trong khi xe an toàn vẫn đang dẫn dắt đoàn đua).

Ngay khi chặng đua hạ màn, trong lúc chờ trao giải, hoa tiêu của đài truyền hình đã tìm cả Niki Lauda lẫn Toto Wolff để dò hỏi về quyết định kỳ cục ấy. Kết quả chỉ là những câu trả lời rát chung chung. Trong khi Lauda chỉ biết nói xin lỗi Hamilton thì Wolff dẫn ra một lý do rất khó chấp nhận là:”Khoảng cách khi tính toán để gọi Hamilton vào pit hoàn toàn khác với thực tế.” Càng khó hiểu khi chỉ có một mình Hamilton phải vào pit, trong khi Rosberg vẫn chạy tiếp, và ung dung dành ngôi nhất chặng.

Hai trạng thái biểu cảm trái ngược trên Podium.

Quay lại diễn biến chính. Khi vào pit, Hamilton được lắp lốp đỏ, hầu hết các tay lái còn lại (gồm Vettel và Rosberg) đang dùng lốp vàng. Và khi nhận thấy mình đã để vuột mất một chiến thắng, Hamilton đã gọi về pit chất vấn thì được kỹ sư đường đua Bonnington an ủi rằng lốp đỏ sẽ có lợi thế hơn để Hamilton có thể tấn công hai chiếc xe phía trên. Quả thực, Hamilton có thể gây áp lực lên Vettel, nhưng khả năng anh vượt được tay đua của Ferrari (chưa nói tới Rosberg) hoàn toàn chỉ nằm trên lý thuyết. Tại sao ?

Thời điểm ấy, ở Monaco đã tắt nắng, mặt trời đã bị mây che đi, nhiệt độ đường đua đã giảm đi tới 5 độ C so với lúc đầu. Do vậy, các tay lái chạy lốp vàng sẽ khá vất vả để giữ nhiệt cho chúng. Nên khi xe an toàn chưa rời đường đua, chúng ta thấy rất nhiều người cố gắng làm nóng lốp bằng cách khóa bánh, khiến lốp ma sát mạnh với mặt đường đến mức xả ra khói trắng. Hamilton lúc ấy đang có lốp đỏ-loại lốp cho độ bám cao hơn lốp vàng. Nên theo tính toán, sau khi xe an toàn rút lui, anh sẽ chỉ có khoảng hai vòng để tổng tấn công cả Vettel lẫn Rosberg.  Đó chính là khoảng thời gian cần để làm nóng lốp vàng. Sau hai vòng đó, khi đã đủ nhiệt, đồng nghĩa với việc độ bám đường sẽ được cải thiện rất nhiều, cộng với đặc tính quá khó vượt của trường đua, thì lúc này lốp vàng của Vettel và Rosberg (dù vừa cho độ bám kém hơn lốp đỏ của Hamilton lại vừa cũ hơn nhiều) cũng dư sức đối phó với nhà đương kim VĐTG.

Kết quả cuộc đua.

Sau đó, chặng đua an bài, Hamilton lên podium với bộ mặt vô cùng tức tối. Nếu đó là một trường đua có đường thẳng dài gấp 2-3 lần đoạn thẳng chính của Monte Carlo thì chắc chắn Mercedes sẽ không phải lo tìm cách giải thích về quyết định quá khó hiểu của đội với Hamilton trong các cuộc họp tới đây…

Cuối cùng, điểm nhấn đáng chú ý là McLaren đã có 4 điểm đầu tiên trong kỷ nguyên hợp tác cùng Honda do Button mang về. Đây sẽ là cú hích tinh thần quan trọng để đội đua có thêm động lực cố gắng trong thời gian tới !

GL550

--

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "Monaco GP: Cú out-brake lỗi của Verstappen…". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Fanpage Thể thao tốc độ
Tin tức
    Tin tức
      Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

      Arai Rx-7 Pedrosa 26

      Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....
      Góc thông tin