DRS là gì?
DRS là một thiết bị khí động học được gắn trên cánh sau của chiếc xe F1, được tay đua kích hoạt bằng tay để giảm lực cản không khí cho chiếc xe mà anh ta đang lái.
Tổng quan về DRS
Trên chiếc xe F1, hệ thống giảm lực cản DRS (viết tắt của từ tiếng Anh: Drag Reduction System) là một thiết bị khí động học được gắn trên cánh sau của chiếc xe (ảnh), được tay đua kích hoạt (mở) bằng tay (bấm nút) để giảm lực cản không khí cho chiếc xe mà anh ta đang lái. Khi lực cản không khí giảm thì chiếc xe sẽ chạy nhanh hơn trên đoạn thẳng.
DRS sẽ tự động tắt (đóng) khi tay đua đạp phanh. Trong trường hợp đạp phanh rồi mà DRS chưa đóng (bị kẹt) thì các tay đua phải vào pit để các thợ máy đóng giúp (bằng cách thủ công).
Ở giải đua xe F1, DRS được sử dụng từ mùa giải 2011.
Trong cuộc đua chính, chỉ có tay đua chạy sau với khoảng cách ít hơn 1 giây (so với tay đua chạy trước) mới được phép kích hoạt DRS ở các đoạn thẳng nhất định (sẽ được trọng tài thông báo trước khi chặng đua diễn ra). Còn ở các phiên chạy Practice hoặc phiên phân hạng thì các tay đua được phép sử dụng DRS một cách tự do.
Cũng ở trong cuộc đua chính, các trọng tài sẽ thông báo từ thời điểm nào các tay đua được phép sử dụng DRS. Thường là khi thứ tự của cuộc đua đã trở nên ổn định. Đoạn thẳng xuất phát/đích thường được chọn làm đoạn thẳng DRS tuy nhiên DRS không được phép kích hoạt ở pha xuất phát.
Những khái niệm liên quan đến DRS
- DRS detection: điểm đo chênh lệch thời gian. Nếu đến điểm này mà tay đua phía sau có khoảng cách nhỏ hơn 1 giây so với tay đua phía trước thì anh ta được phép sử dụng DRS ở DRS zone
- DRS activation: điểm kích hoạt DRS, nói cách khác là điểm đầu của DRS zone
- DRS zone: đoạn đường được phép kích hoạt DRS (màu hồng ở trên hình)
- Lưu ý: Không có khái niệm điểm cuối DRS zone. DRS tự động đóng khi các tay đua đạp phanh.
Tranh cãi về DRS
Như đã nêu ở trên, do chỉ cho phép tay đua chạy sau sử dụng DRS để vượt tay đua chạy trước nên các pha vượt DRS bị coi là những pha vượt không công bằng.
Mặc dù vậy, DRS lại là giải pháp hiệu quả để làm tăng số pha vượt mặt bởi trong thời kỳ F1 hiện đại những chiếc xe có kích thước ngày càng lớn khiến cho khoảng trống vượt nhau trở nên nhỏ lại. Cộng thêm việc những chiếc xe F1 ngày nay được tối ưu khí động học, khiến cho những chiếc xe chạy sau dễ bị hư lốp nếu chạy quá lâu ở phía sau (ở khoảng cách gần) trước khi thực sự có cơ hội vượt (nếu không có DRS).
Những yếu tố đó khiến cho những cú vượt cổ điển (không DRS) ngày càng khó khăn, đặc biệt là với những chiếc xe có tốc độ tương đương nhau.
Ngoài ra, theo luật F1 thì các thiết bị khí động học không được phép chuyển động, chỉ có DRS là ngoại lệ.
Nguồn: Tổng hợp