Những hạn chế trong điều luật của team radio hiện tại lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ khi mà ở chặng European GP vừa qua cả hai tay đua Lewis Hamilton và Kimi Raikkonen đều gặp các vấn đề về kĩ thuật nhưng họ đều không nhận được sự hỗ trợ của […]

Ảnh Thể thao tốc độ.
Ảnh: Ảnh Thể thao tốc độ.

Những hạn chế trong điều luật của team radio hiện tại lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ khi mà ở chặng European GP vừa qua cả hai tay đua Lewis Hamilton và Kimi Raikkonen đều gặp các vấn đề về kĩ thuật nhưng họ đều không nhận được sự hỗ trợ của đội vì luật không cho phép.

Mercedes-team-radio-436x291

Những thay đổi về các thông tin được trao đổi qua radio nhằm hạn chế những người ngồi ở hậu trường có thể tác động đến xe và cách điều khiển xe của các tay đua. Động thái này nhằm củng cố hiệu lực của điều khoản 27.1  trong luật hiện hành của môn F1, rằng: “Các tay đua phải tự đua một mình mà không được sự trợ giúp nào bên ngoài.” Những thông tin được phép trao đổi giữa các thành viên chỉ được giới hạn ở vấn đề an toàn, hướng dẫn vào pit hoặc là dừng xe nếu gặp trục trặc nào đó, và tất nhiên những điều này đều phải nằm trong tầm kiểm soát của ban tổ chức. Việc cấm đoán bất kì hội ý nào liên quan đến chiến thuật đã được nới lỏng đôi chút vào đầu mùa giải năm nay ở chặng AustralianGP khi mà các đội đua vẫn có thể cho các tay đua biết khi nào vào pit, tình trạng lốp như thế nào cũng như “động tĩnh” của các đối thủ. Tuy nhiên, những trao đổi chi tiết về động cơ hay các thiết lập trên xe là trái luật, điều này đã khiến Hamilton và (ít nhiều là) Raikkonen rơi vào tình cảnh lúng túng như gà mắc tóc trong chặng đua ở Baku vừa qua. Trong trường hợp của Lewis Hamilton, ở vòng thứ 27 anh đã thông báo với team Mercedes về việc xe của mình quá yếu để tăng tốc và phải qua đến vòng tiếp theo anh mới có được câu trả lời chung chung từ kỹ sư  Pete Bonington: vấn đề hình như nằm ở chế độ hiện tại mà xe được thiết lập. Hamilton giải thích lại rằng anh không hiểu và cần được hướng dẫn làm sao để sửa lỗi. (Có người nói anh bớt chơi bời showbiz lại đi, dành thời gian để tham gia lớp học về máy móc với các kĩ sư. @@). Anh có gọi bao nhiêu cuộc nữa để xin cố vấn thì các kĩ sư lực bất tòng tâm, không thể nói gì nhiều hơn. Cuối cùng phải đến vòng 43 khi mà tay đua người Anh đang ở sau Sergio Perez đến 13.9s thì vấn đề của anh (như một phép màu) mới được… tự sửa chữa. Với Raikkonen thì còn “ức chế” hơn khi anh nêu ra giải pháp cho vấn đề về động cơ của mình và chỉ cần xác nhận “Có” hoặc “Không” nhưng kĩ sư cũng đành lắc đầu bó tay, không thể đáp ứng “thỉnh cầu” này của Kimi.

Sau chặng đua Baku, Hamilton đã đặt câu hỏi về tính cần thiết của những điều hạn chế trao đổi qua radio khi mà cho đến hiện tại, theo như anh nghĩ thì những hạn chế đó là để các tay đua độc lập hơn, bớt phụ thuộc vào người ngoài. Nhưng khi gặp các vấn đề kĩ thuật thì họ thật sự cần được hỗ trợ, điều đó không làm người này có ưu thế hơn người khác. Có quá nhiều nút điều khiển trên xe, và người biết cần phải làm gì với những cái nút đó lại là những gã ngồi trong garage. Ông chủ của đội Mercedes Toto Wolff cũng rất bối rối trước luật radio hiện tại và cho rằng muốn hạn chế rủi ro thì: một là cắt giảm bớt đi những kĩ thuật, công nghệ hiện đại để chiếc xe bớt phức tạp ( đồng nghĩa với lạc hậu, kém cạnh tranh hơn) và đây hẳn không phải là ý kiến hay rồi; hai là luật cần được nới lỏng để cho phép các đội được giúp đỡ các tay đua của họ giải quyết các trục trặc phát sinh trong chặng đua. Không riêng gì Mercedes, Ferrari hay McLaren, điều này là cần thiết với tất cả các đội đua.

Trong khi đó tay đua của đội Renault Jolyon Palmer lại cho rằng những luật mới hiện nay là tốt cho môn F1, việc am hiểu tường tận chiếc xe của mình đó sẽ mang lại lợi thế cho tay đua. Còn nếu phải để các kĩ sư mỗi lúc mỗi nhắc và các tay đua răm rắp làm theo thì họ cũng chỉ giống như những con…robot.

Phía FIA biết rõ hơn ai hết, những chiếc xe ở giải F1 từ thiết kế tới vận hành là việc rất phức tạp, vậy liệu rằng chỉ vì những cấm đoán (nhiều khi vô lý) như trên trong một vài tình huống quan trọng sẽ khiến các tay đua top trên vuột mất chiến thắng? Hay liệu rằng nó (luật cấm) sẽ khiến các chặng đua thêm đa dạng, hấp dẫn khi mà các tay đua đều phải tự lực cánh sinh? (hay đúng hơn là nén “đau thương”, giận dữ mà bước tiếp?)

Sẽ tiếp tục có những tranh luận xung quanh việc phản đối hay ủng hộ những hạn chế trao đổi qua radio, nhưng rõ ràng những luật mới trong năm 2016 đã làm giải F1 kém đi yếu tố giải trí khi mà lượng fan hâm mộ trực tiếp theo dõi ở đường đua và qua truyền hình đều có nhu cầu được biết những gì đã diễn ra, đã được trao đổi, cũng như những thông tin thú vị bên lề có khi chỉ được tiết lộ qua những đoạn team radio.

-cacom-

Tin tức Tin tức trước đó:

Tin tức Tin tức trước đó: