Nhật ký Silverstone (Phần 2): Liệu Williams có thể chiến thắng ?
Đến khoảng vòng thứ 25 thì Hamilton gọi về pit hỏi: “Sao giời tối thế hở các bố ?”. Và sau đó thì một loạt kỹ sư đường đua gọi điện cho lái xe để thông báo rằng trời sẽ đổ mưa khá to trong khoảng 5 phút tới. Đây hứa hẹn sẽ là nhân […]
Thể thao tốc độ xuất bản ngày
Đến khoảng vòng thứ 25 thì Hamilton gọi về pit hỏi: “Sao giời tối thế hở các bố ?”. Và sau đó thì một loạt kỹ sư đường đua gọi điện cho lái xe để thông báo rằng trời sẽ đổ mưa khá to trong khoảng 5 phút tới. Đây hứa hẹn sẽ là nhân tố làm thay đổi cục diện cuộc đua rất nhiều…
Tới vòng 34 thì Saiz bỏ cuộc (chiếc STR còn lại của Verstappen đã nghỉ từ đầu chặng do bị văng đuôi ra bãi sỏi. Verstappen đã gặp khó khăn với đuôi xe suốt từ buổi phân hạng), anh đỗ xe lại vùng chạy thoát hiểm tại khúc cua cuối cùng. Đây là nơi khá nhạy cảm, tiềm ẩn nguy hiểm bởi phần đường đua cạnh đó là nơi các xe đua có thể đạp hết ga. Do vậy , BTC quyết định bật đèn xe an toàn ảo VSC lên để cảnh báo cả đoàn đua. Hệ thống này năm nay mới được đưa vào sử dụng và dù đã được triển khai một vài lần trước đó nhưng có khá nhiều tay lái vẫn còn bỡ ngỡ do không biết ở những chỗ nào thì phải nhả ga và chạy ở tốc độ bao nhiêu. Điển hình như Bottas phải được kỹ sư nhắc nhở là mọi thông tin trên đều được hiển thị trên màn hình vô lăng.
Một vòng sau, trời bắt đầu đổ mưa. Thợ máy các đội chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống thay lốp bất ngờ nếu lái xe yêu cầu.
Khi trời đổ mưa thì Mercedes đã hoàn toàn nắm quyền chủ động.
Lúc này, cảm giác với độ bám của từng tay đua và sẽ quyết định thời điểm vào pit cũng như thay loại lốp gì cho phù hợp. Một số bắt đầu loạng choạng. Một số khác thì quyết định mạo hiệm là vào pit luôn. Có tới 5 xe chọn thay lốp trung gian từ rất sớm, gồm cả chiếc SF15-T của Raikkonen.
Câu hỏi được đặt ra hiện tại là liệu trên đường đua có đủ những đoạn khô ráo để làm nóng lốp cho những ai vẫn dùng lốp khô hay không ? Nếu có, họ vẫn có thể tiếp tục, ngược lại thì nên thay lốp trung gian ngay.
Và đến đây, Williams lại mắc sai lầm. Cả hai lái chính liên tục điện về pit phàn nàn rằng ngoài đường đua quá ướt, không thể chạy lốp khô được nữa nhưng các kỹ sư đường đua thì vẫn khăng khăng rằng trong pit vẫn tạnh và giục họ chạy tiếp. Williams cho rằng nếu lắp lốp trung gian lúc này thì ra chỉ được vài vòng là lốp sẽ mòn hết ngay, vì không phải chỗ nào cũng ướt. Họ nhìn thấy ví dụ từ Raikkonen, anh này thay lốp trung gian quá sớm và lúc ấy đang chậm hơn Mercedes tầm 5s một vòng trước khi mất lái, xoay tròn trên đường chạy.
Chính việc đánh giá thấp phản hồi từ các tay lái đã khiến Williams đã đánh mất nốt một bậc trên podium – nơi lẽ ra họ đã có thể chiếm 2/3 bậc. Vì điều kiện mặt đường như thế này chính là lúc Mercedes thể hiện thế mạnh vượt trội so với Williams: Lực nén !
Đây là điểm yếu không thể khắc phục của Williams suốt từ đời xe FW36. Hễ cứ gặp các khúc cua tốc độ thấp hoặc trời mưa là y như rằng Williams trở nên vô hại. Chúng ta hãy cùng xem lực nén của xe W06 lớn hơn chiếc FW37 tới mức nào, qua hai cú vượt của Rosberg với Bottas và Massa.
Ở tình huống thứ nhất. Tại T9, lực nén của Mercedes quá tốt giúp Rosberg vào cua rất mềm mại trong khi Massa loạng choạng ở giữa khúc cua. Sau đó, Rosberg thu hẹp được khoảng cách khá lớn với Massa chỉ trong một khúc cua này trước khi đánh bại chiếc Williams rất dễ dàng.
Chiếc Mercedes có lực nén tốt hơn, nên nó tạo nhiệt cho lốp tốt hơn. Hoặc nói cách khác là cho độ bám đường tốt hơn. Trong pha đối đầu với Bottas. Khi chạy đến khúc cua số 3, lúc này mặt đường đã ướt sũng, do lốp thiếu độ bám, tay lái người Phần Lan đã phải phanh rất sớm. Còn Rosberg, với lợi thế từ độ bám, anh có thể thoải mái chọn một điểm phanh muộn hơn qua đó chiếm vị trí của chiếc Williams.
Dưới điều kiện ẩm ướt, điểm yếu của Williams được phơi bày ra rất rõ ràng, bằng mắt thường chúng ta cũng có thể quan sát thấy.
Sau đó, Rosberg là người nhanh nhất trên đường đua. Anh thu hẹp khoảng cách với Hamilton mỗi vòng từ 1,5-2s. Và nếu như không có gì thay đổi thì chắc chắn sớm muộn gì anh cũng bắt kịp và qua mặt Hamilton với tốc độ khủng khiếp này. Tuy nhiên, trời tiếp tục mưa to hơn và lúc này toàn bộ các xe buộc phải thay lốp trung gian.
Đây là biến cố đang chú ý cuối cùng !
Raikkonen đã có quyết định sai lầm khi vào pit quá sớm.
Những ai đã mắc sai lầm sẽ phải trả giá rất đắt. Cá biệt có Ericsson, anh chàng này nằm trong số 5 xe đầu tiên thay lốp xanh, sau đó thấy trời ngớt mưa lại về pit thay lốp khô. Cuối cùng, mưa to hơn, lại…pit thêm lần nữa.
Nạn nhân tiếp theo là Williams. Họ vào pit muộn một vòng, lúc đó mưa đã nặng hạt hơn nên mất rất nhiều thời gian để quay về thay lốp. Khi trở ra thì mọi thứ đã chính thức chấm dứt. Đánh dấu một buổi chiều đáng nhớ với vô vàn xúc cảm trái ngược ! Đến đây thì chúng ta có thể khẳng định rằng: với quá nhiều sai lầm đã mắc phải Williams không thể thắng được chặng đua này !
Trong khi ấy, Hamilton vào pit ở thời điểm không thể lý tưởng hơn. Đó là vòng 43, khi anh điện về pit và nói “Không còn tí độ bám nào”. Đây là quyết định chuẩn xác đến mức sau đó, Hamilton đã miêu tả là “Để đời” và nó góp phần giúp anh có chiến thắng thứ 3 trong sự nghiệp trên sân nhà. Trong đó hai lần trước anh không xuất phát từ pole. Hamilton đương nhiên rất hạnh phúc với chiến thắng này nên đã “chiêu đãi” khán giả nhà bằng màn làm xiếc với chiếc xe. Tuy nhiên, anh chỉ dám xoay có một vòng do sợ…hộp số và động cơ bị nóng.
Suất thứ 3 trên podium bất ngờ thuộc về Vettel. Chặng này do có quá nhiều diễn biến căng thẳng ở nhóm 4 xe đầu nên người ta không dành nhiều sự chú ý cho Vettel. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm vào pit hợp lý cũng khiến Vettel dễ dàng đánh bại cả đôi Williams để lên podium.
Cũng tương tự như vậy là trường hợp của Alonso. Với việc có khá nhiều xe bỏ cuộc, Alonso đã tận dụng thành công cơ hội để ghi điểm số đầu tiên trong mùa đua với McLaren sau 4 chặng liền phải bỏ cuộc. Hy vọng đây sẽ là sự khích lệ tinh thần lớn lao để Alonso cũng như McLaren tiếp tục nỗ lực cải thiện.