Turn 4 tại Calatunya và điểm yếu chết người của Raikkonen.

Năm 2014 là một mùa đua thảm họa của Raikkonen. Thành tích của anh vượt xa sự tưởng tượng của tất cả mọi người, nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Raikkonen là một tay lái xuất sắc hàng đầu trong thế hệ của mình, vậy nguyên nhân khiến anh chậm hơn Alonso trung bình tới […]

Thể thao tốc độ xuất bản ngày

Năm 2014 là một mùa đua thảm họa của Raikkonen. Thành tích của anh vượt xa sự tưởng tượng của tất cả mọi người, nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Raikkonen là một tay lái xuất sắc hàng đầu trong thế hệ của mình, vậy nguyên nhân khiến anh chậm hơn Alonso trung bình tới 0.576s trong các cuộc đua phân hạng là gì ?

Gần 0.6s mỗi vòng là một con số khủng khiếp, nhất là khi nó là khoảng cách giữa hai tay đua được đánh giá ở tầm cỡ tốt nhất làng F1.

Thực ra, ngay từ đầu mùa đua năm ngoái, tại chặng đua Tây Ban Nha, các chuyên gia khi đứng tại turn 4-khúc cua vào loại khó nhất của trường đuaCatalunya, đã phát hiện ra vấn đề của Raikkonen. Anh đánh lái rất sớm, nhưng rồi khi chạy đến giữa khúc cua thì Người Tuyết không thể điều khiển được mũi xe nữa. Cả chiếc xe không hề chuyển hướng như ý muốn của front end, mà luôn trễ hơn một chút ( dấu hiệu của Understeer).Và hệ quả là nó luôn khiến Raikkonen bị cua rộng. Tất cả các chi tiết này dẫn đến một kết luận rằng: Xe F14T có một front end rất yếu, cho độ bám đường thấp. Đây chính là vấn đề của Raikkonen trong năm 2014.

Raikkonen gần như không thể kiểm soát được xe F14T theo ý muốn.

Chúng ta sẽ phân tích thêm để thấy điều này ảnh hưởng tới Raikkonen lớn tới mức nào.

Trong quá trình vào cua, tay lái sẽ phải dùng cảm giác từ vô lăng để cảm nhận độ bám đường trên front end. Cụ thể hơn, ở các khúc cua sẽ có một điểm mà tại đó front end bám đường nhất. Điểm này rất quan trọng, bởi ngay khi nhận thấy mũi xe đã đạt tới mức bám cực đại, tay đua sẽ lập tức nới vô lăng để chuẩn bị tăng ga thoát cua. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong giáo trình ôm cua. Trong khi ấy, front end của chiếc xe F14T lại thiếu trầm trọng độ bám, nó khiến Raikkonen gặp vô vàn khó khăn để tìm điểm trả lái. Mà thay vào đó, anh gần như phải tự đoán. Quá trình đoán mò như vậy đương nhiên không đảm bảo tính chính xác, hay nói cách khác, sẽ khiến Raikkonen mất rất nhiều lap time. Ở những khúc cua càng dài (như chính khúc cua số 4 tại Catalunya này), việc mò mẫm càng trở nên vất vả.

Mọi chuyện còn tệ hại hơn nữa khi Raikkonen đặc biệt lại là một tay đua phụ thuộc rất nhiều vào độ bám trên front end để tìm điểm trả lái. Điều này, với Người Tuyết, quan trọng đến nỗi đội đua Lotus ngày trước thậm chí đã phải chỉnh lại độ đầm của vô lăng (theo hướng nhẹ hơn) để Raikkonen có thể cảm nhận front end tốt hơn. Những chiếc xe đua Lotus đời 2012-2013 của Raikkonen có front end cực kỳ tốt (chính Grosjean năm ngoái cũng biết rất rõ lý do tại sao Raikkonen lại vất vả đến thế khi chạy cho Ferrari…), do vậy vô lăng của chúng rất “đầm”. Hay nói cách khác, là nặng hơn đáng kể so với mức bình thường. Mà với vô lăng nặng, cảm giác của front end sẽ được truyền lên phần bắp tay của người lái nhiều hơn, thay vì đôi bàn tay, nơi tiếp xúc với vô lăng. Muốn trực tiếp cảm nhận rõ hơn bằng tay thì phải làm cho vô lăng nhẹ bớt đi. Và đó chính xác là những gì James Allison đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu về cảm giác với front end của Raikkonen.

Những chiếc xe Lotus của Raikkonen khi xưa đều có front end tuyệt vời.

Sau câu chuyện trên là chúng ta có thể hình dung yêu cầu của Raikkonen với front end khắt khe tới mức nào. Trong khi đó, từ bài viết “Cách quan sát độ bám đường của front end trên xe F1”, thethaotocdo đã cùng quý độc giả tìm thấy mức khác biệt rất lớn giữa chất lượng của front end chiếc F14T của Raikkonen tại Ferrari và E23 ở Lotus khi xưa. Do vậy, hoàn toàn không quá khó hiểu khi Raikkonen thua thiệt Alonso rất nhiều. Còn với Alonso, anh vốn là tay đua theo trường phái Understeer, nên rất nhạy cảm với mũi xe, có thể dễ dàng tìm được điểm trả lái. Và đương nhiên một front end nhẹ hoàn toàn không phải vấn đề với Alonso. Tuy nhiên, nếu nó có quá ít độ bám thì Alonso cũng không thực sự ưa chuộng, nhưng quan trọng là tay đua người Tây Ban Nha thích nghi cực kỳ tốt. Khả năng này, thật đáng tiếc, Raikkonen lại gần như không có. Hay chính xác hơn, là anh cũng chẳng muốn có.

Chúng ta cần phải đề cập tới vấn đề này, bởi nó chính là gót chân Achilles của Người Tuyết. Raikkonen có tài năng bẩm sinh vào loại số một trong làng đua. Và anh gần như chỉ tận dụng khả năng trời phú của mình, chứ rất ít khi, nếu như chưa muốn nói là không bao giờ chịu thay đổi, trong khi xe đua mỗi năm một khác. Ngoài ra, anh cũng rất lười biếng, ít khi chịu tới nhà máy để cùng đội phát triển xe đua. Thậm chí, “rước” được Raikkonen vào phòng làm việc với xe đua giả lập gần như là một việc bất khả thi với các đội đua. Năm 2005, khi McLaren giới thiệu hệ thống giả lập để giúp các tay đua chạy tập trên mô hình, từ đó rút ra được các thông số thử nghiệm, nhằm xây dựng chiến thuật cũng như cải thiện sự hiểu biết của tay lái với đường đua. Nhưng trong khi Coulthard làm việc rất chăm chỉ với hệ thống này, thì các sếp ở McLaren không tài nào thuyết phục thành công Raikkonen sử dụng nó.

“Cái món ấy chỉ là trò chơi điện tử. Anh đây không rỗi hơi để nghịch nhé !”. Thậm chí, khi mới quay lại với F1 năm 2012, trước chặng đua Ấn Độ, phải thi đấu trên một địa điểm hoàn toàn mới lại, chưa từng được thử sức trước đó, Raikkonen vẫn cương quyết không “tập trận” trước với hệ thống giả lập để làm quen đường đua. Mà thay vào đó, Người Tuyết lên xe, phóng thẳng ra đường chạy. Và chỉ sau khoảng …10 vòng , anh đã hoàn toàn làm quen được đường đua. Phải là một tay lái cực kỳ giỏi và bản lĩnh mới dám tự tin như vậy.

Chỉ chịu ngồi vào buồng lái giả lập trong…các sự kiện quảng bá của đội đua.

Do trình độ cơ bản vốn đã ở đẳng cấp cao, nên một khi Raikkonen có chiếc xe phù hợp 100% với phong cách lái của mình thì việc đánh bại Người Tuyết là vô cùng khó khăn.
Chúng ta không thiếu ví dụ, những kết quả của Raikkonen trong các năm 2005 (trong đó có chặng đua vô tiền khoáng hậu tại Suzuka. Anh xuất phát thứ 17, và vươn lên số 1 ở đúng vòng chạy cuối cùng, qua đó thắng chặng) hoặc 2012 nói lên tất cả. Và đặc biệt là giai đoạn đầu mùa đua 2013, Raikkonen khi ấy chẳng cần chiếc xe mạnh nhất nhưng với khả năng giữ những bộ lốp rất kém bền của Pirelli vào loại xuất sắc, anh khá thảnh thơi đánh bại các đối thủ mạnh hơn mình trong cuộc đua.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các chiếc xe thì sau mỗi năm lại mỗi khác, đặc biệt là khi chuyển sang đội đua mới. Mà Raikkonen thì không bao giờ chịu thích nghi, thay vào đó, các kỹ sư sẽ phải tìm mọi cách để chỉnh sửa xe đua đến khi hợp với anh thì thôi. Người Tuyết thậm chí vẫn giữ quan điểm này trong năm ngoái, khi trải lòng về giai đoạn khó khăn của mình.

Và từ đây, đã có không ít lần người hâm mộ cảm thấy hụt hẫng vì thành tích của Raikkonen. Trong giai đoạn hai mùa đua 2013, khi Pirelli thay hợp chất lốp mới sau những chỉ trích nhắm vào chất lượng của lốp cũ-loại vốn rất hợp với Raikkonen, thì ngay lập tức anh sa sút. Và nửa sau mùa 2013, Grosjean đã áp đảo người đồng đội của mình khá rõ ràng. Sang năm 2014 thì còn tệ hại gấp bội. Vốn đang quen với những chiếc xe có front end rất khỏe của Lotus , thì nay lại phải lái một sản phẩm có đặc tính hoàn toàn trái ngược. Kết quả, Raikkonen trải qua mùa đua tồi tệ nhất trong sự nghiệp của mình.

Anh vừa có một chặng đua rất tốt tại Bahrain.

Hiện tại, chiếc SF15-T mới của Raikkonen có front end khá tốt, và là tốt hơn rất nhiều so với phiên bản tiền nhiệm F14T của nó, dù thực tế thì vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được đủ độ bám như yêu cầu của Người Tuyết. Nhưng dẫu sao chúng ta cũng đã thấy những kết quả gần đây của anh là khả quan hơn rất nhiều so với năm ngoái. Chiếc xe hiện tại của Ferrari rất mạnh, và Raikkonen cần nhanh chóng tận dụng điều này để đạt thành tích tốt trong mùa đua F1 rất có thể là cuối cùng trong đời mình, bởi có tin đồn cho rằng Ferrari đã tìm ra người thay thế anh…

-GL550-

Tin liên quan: