Nhật ký Canadian GP: Maldonado hồi sinh !
Các tay lái của chúng ta hoàn thành 70 vòng chạy tại GV với không nhiều bất ngờ, mọi diễn biến chính đều đã nằm trong tiên đoán từ khi xe còn chưa lăn bánh. Chặng đua bắt đầu với một chút băn khoăn về chiến thuật cho các đội, vì lượt chạy tập quan […]
Thể thao tốc độ xuất bản ngày
Các tay lái của chúng ta hoàn thành 70 vòng chạy tại GV với không nhiều bất ngờ, mọi diễn biến chính đều đã nằm trong tiên đoán từ khi xe còn chưa lăn bánh.
Chặng đua bắt đầu với một chút băn khoăn về chiến thuật cho các đội, vì lượt chạy tập quan trọng nhất là FP2 có mưa và trước khi các xe F1 đua thì cũng không có thể thức khác diễn ra (như GP2) nên thông số tham khảo về lốp thu thập được là khá hạn chế. Trước khi đề pa, phần lớn sự chú ý đều dồn vào nhóm cuối đoàn đua, nơi có mặt hai chiếc xe rất mạnh là SF15-T và FW37.
Cú xuất phát của các xe diễn ra khá êm ả với không nhiều biến cố. Nguyên nhân có lẽ là bởi độ dài quãng đường từ vạch xuất phát cho tới T1 ở GV vào loại ngắn nhất lịch đua. Tốp đầu hầu như không có sự xáo trộn nào đáng kể, ngoại trừ Maldonado. Trước cuộc đua, anh chàng này lớn tiếng hù họa người đồng đội Grosjean (xuất phát ngay phía trước) rằng tay lái người Pháp sẽ bị mình “xử lý” trước T1. Nhưng thực tế thì sau khi qua khúc cua đầu tiên, ở nhóm đầu, Maldonado chính là xe duy nhất…bị vượt.
Kết thúc vòng 1, Button khẩn trương chạy qua phố box để thực hiện hình phạt drive-through do anh đã dùng đến một số bộ phận của bộ động cơ thứ 5 và không chạy Q nên BTC không thể trừ vạch xuất phát.
Đúng như dự đoán, ngay sau khi chặng đua mở màn, Massa và Vettel sớm tấn công dữ dội những chiếc xe hạng trung phía trước như Sauber, McLaren,… Nhưng họ bị kẹt sau Ericsson khá lâu, do dùng máy Ferrari tương đối khỏe nên tay lái người Đan Mạch cầm cự rất tốt trước Massa trên các đoạn đường thẳng. Các sếp của Ferrari trong pit cũng nhận ra điều này, phía trước vẫn còn rất nhiều xe, trong khi tốc độ tối đa của chiếc FW37 là tương đương, hoặc nhỉnh hơn một chút. Do vậy, Vettel sẽ bị động hơn trong quá trình tiếp cận tốp có điểm, phụ thuộc rất nhiều vào Massa phía trước. Nếu Massa vượt được xe phía trên vì Vettel mới có cơ hội.
Vettel có chặng đua hết sức thành công dù gặp bất lợi lớn với vị trí xuất phát quá thấp.
Và Ferrari đã có một quyết định khá táo bạo là cho Vettel vào pit ngay ở vòng thứ 8. Mục đích là để tránh phải đối đầu trực tiếp hoặc bị cầm chân sau Massa vì khi ra pit, phía trước chỉ còn các các xe yếu hơn, chiếc SF15-T thừa sức hạ bất cứ đối thủ nào. Kết quả của Vettel sau chặng đua đã cho thấy chiến thuật này là vô cùng hợp lý, khi anh về sau Raikkonen có vài giây trong khi xuất phát thấp hơn tới hơn 15 vạch.
Cục diện trên top 3 không có gì đáng chú ý. Hamilton nởi rộng khoảng cách với Rosberg vài phầm trăm giây mỗi vòng. Trong khi Raikkonen cũng không gặp phải áp lực nào tới từ chiếc FW37 của Bottas sau lưng.
Biến cố lớn nhất đến vào vòng thứ 28. Đây là thời điểm Raikkonen vừa vào pit xong. Và khi ra tới hairpin T10, chiếc xe của anh đột ngột văng đuôi rất mạnh. Nguyên nhân được cho là bởi nhầm lẫn trong thiết lập momen xoắn. Việc thay đổi các thiết lập của momen xoắn là rất phổ biến, tùy thuộc vào đặc điểm của các khúc cua, độ bám của lốp, hoặc hoạt động của hộp số mà lái xe có thể chọn lựa các mức khác nhau. Khi vào pit, bao giờ họ cũng phải chỉnh lại thiết lập momen xoắn vì chạy trong pit bị giới hạn tốc độ.
Raikkonen mất lái tại hairpin.
Quay lại với Raikkonen. Khi thoát Q10, Người Tuyết mới chi chạm nhẹ lên bàn đạp ga để chuẩn bị tăng tốc thì xe bất ngờ bị văng đuôi do bánh sau đột ngột được cung cấp quá nhiều momen. Ở tình thế này thì không có gì cứu vãn được. Cú Oversteer ấy vô cùng tai hại, nó làm Raikkonen mất rất nhiều thời gian, khoảng tầm hơn 10s. Và quan trọng hơn là Williams đã kịp thời nhận ra cơ hội trời cho này. Họ lập tức gọi Bottas vào pit ngay sau đó để tranh thủ sự cố của Raikkonen. Kết quả, Williams có podium đầu tiên trong mùa đua 2015 !
Bên Mercedes, Hamilton vào pit vòng 30 và thay một bộ lốp mềm cũ, còn Rosberg sau đó pit với một bộ lốp mềm mới tinh. Với độ bám tốt hơn hẳn của lốp mới, lái người Đức rút ngắn được khoảng cách khá nhiều với Hamilton, từ hơn 3s xuống còn 1s. Nhưng sau đó vài vòng, khi lốp của Hamilton nóng lên và cho độ bám tối ưu thì mọi chuyện đâu lại vào đó, Rosberg lại bất lực và lẽo đẽo theo sau chiếc W06 còn lại đến hết chặng.
Kể từ khi chuyển sang dùng máy V6, đây chính là chặng đảm bảo đủ số xe trên đường chạy lâu nhất. Kỷ lục này dừng lại ở vòng thứ 47, khi Alonso bỏ cuộc. Một chặng đua khó khăn nữa cho McLaren khi sau đó không lâu đến lượt Button cũng phải dừng cuộc chơi. Vì là hai xe đầu tiên bỏ cuộc nên bộ đôi của McLaren đứng cuối cùng trên bảng xếp hạng chặng đua. Sau đó, Alonso lên Twitter dí dỏm hỏi Button: “Khá khẩm hơn đấy nhửa ? Hừm, tùy vào việc ta nhìn kết quả từ đầu đằng nào…”, kèm theo là bức ảnh gồm anh và Button đang đứng đầu bảng xếp hạng.
Alonso lộn ngược lại màn hình khi nói về kết quả của McLaren.
Chi tiết đáng chú ý cuối cùng là sự cố của Grosjean. Sau khi vượt chiếc xe bị bắt vòng, Grosjean đã rất chủ quan khi hăm hở vào cua ngay mà không để ý rằng mình chưa hoàn toàn vượt lên chiếc Marussia và vô tình tạt đầu Stevens. Cú va chạm này khiến lốp sau của Grosjean bị thủng, phải vào pit và qua đó văng khỏi top 10 từ vị trí thứ 5-thứ hạng cao nhất của Lotus đạt được năm nay. Sau đó, Grosjean còn cho rằng mình…bị đâm.
Trái lại, người đồng đội của anh là Maldonado đã có một chặng đua xuất sắc. Xuất sắc ở đây là chuyện “hung thần” này không những không gây tai nạn mà còn ghi được tới 6 điểm. Từ đầu mùa đua, có sáu chặng thì anh chàng bỏ cuộc có năm lần. Ngoài ra anh cũng rất hay gây hấn với các đồng nghiệp khác, và trong số các tay lái từng ghi điểm hiện tại, anh chính là người có quãng thời gian “tịt ngòi” lâu nhất (lần cuối cùng có điểm của Maldonado cách đây đã gần 2 năm). Hy vọng đây sẽ là động lực để tay lái người Venezuela phấn đấu nhằm giữ chỗ cho mùa 2016.
Kết quả chung cuộc.
Kết thúc Canadian GP, các tay lái của chúng ta sẽ có hai tuần nghỉ ngơi trước khi trở lại châu Âu với chặng đua tại Áo.
GL550