Chủ đề: motogp nhật bản     Twin Ring Motegi

10 điều thú vị về MotoGP Nhật Bản

icon

MotoGP Nhật Bản 2018 có thể sẽ chứng kiến nhà vô địch mới (mà cũ) đăng quang. Bên cạnh đó thì các chặng đua ở đây có những gì thú vị?

1/ Motegi thuộc sở hữu của Honda

Nói đến MotoGP Nhật Bản chắc ai cũng nghĩ rằng đây là sân nhà của Yamaha, Suzuki và Honda. Thực tế thì cả Yamaha và Suzuki đều là ‘khách’ ở đây vì trường đua Motegi được Honda đầu tư xây dựng từ năm 1997.

Trong lịch sử MotoGP Nhật Bản, chỉ có 2 lần GP Nhật Bản không được tổ chức trên ‘sân nhà’ của Honda, đó là năm 1966 và 1967 (tổ chức ở Fuji Speedway).

Trường đua còn lại từng tổ chức MotoGP Nhật Bản là Suzuka, cũng là một bất động sản khác của Honda.

Tay đua xấu số Daijiro Kato

Tay đua xấu số Daijiro Kato

2/ Lý do Motegi tổ chức MotoGP Nhật Bản

Nguyên nhân mà GP Nhật Bản chuyển từ Suzuka sang Motegi hồi năm 2004 là do tai nạn tử vong của tay đua nước chủ nhà Daijiro Kato ở Suzuka năm 2003. Đây cũng là tai nạn chết người duy nhất trong lịch sử GP Nhật Bản.

Càng sốc hơn nữa khi đó mới là chặng đua đầu tiên của mùa giải 2003 và Kato chạy xe Honda.

Tuy nhiên, Motegi đã có kinh nghiệm tổ chức MotoGP một lần trước đó. Sau khi khánh thành xong (hồi năm 1997) thì Honda cho Motegi ‘thử’ thay Suzuka một lần vào năm 1999.

3/ Vì sự kiện này mà MotoGP Pacific cũng bị khai tử.

Từ năm 2000 đến 2003, Nhật Bản được tổ chức 2 chặng đua là MotoGP Nhật Bản (ở Suzuka) và MotoGP Pacific (ở Motegi).

Do Suzuka bị ‘tẩy chay’ sau sự cố trên, nên chỉ còn Motegi đủ điều kiện tiếp tục đăng cai chặng đua. Tất nhiên ban tổ chức chọn cách giữ lại cái tên truyền thống là MotoGP Nhật Bản. Do đó MotoGP Pacific mới có tuổi đời 4 năm phải trở thành vật ‘hi sinh’.

4/ Motegi được quy định phải dùng thắng đĩa 340mm

Không biết vì lý do gì mà Motegi là trường đua duy nhất được nêu tên trong luật kỹ thuật MotoGP ở hạng mục bắt buộc sử dụng thắng đĩa 340mm nếu trời khô.

Ở các trường đua khác, các đội đua được quyền chọn sử dụng thắng đĩa 320mm hoặc 340mm.

5/ Motegi có trường đua lòng chảo giống Monza

Các bạn sẽ để ý ở MotoGP các tay đua sẽ 2 lần phải chạy dưới những cái cầu. Lần đầu là khi qua góc cua số 5 và lần còn lại là ở góc cua số 11.

Thực ra ‘những cái cầu’ này thuộc một trường đua lòng chảo đặc biệt của Motegi. Motegi cũng là trường đua duy nhất ở Nhật Bản có một đường chạy riêng biệt như vậy.

Vì lẽ đó mà nó được gọi là Twin Ring. Twin-có nghĩa là ‘đôi’. Ring-là ‘đường đua’ (gốc tiếng Đức).

Có một sự kiện bên lề liên quan đến đường đua Oval này. Trước đây nó từng tổ chức một chặng đua thuộc giải IndyCar Series. Năm 2008 Danica Patrick trở thành tay đua nữa đầu tiên chiến thắng một chặng đua IndyCar chính tại ở nơi đây.

6/ Năm 2011 trận động đất ở Nhật Bản đã gây thiệt hại cho trường đua Motegi.

Hồi năm 2011, Nhật Bản hứng chịu một cơn động đất lớn đến nỗi các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima bị hư hại. Motegi nằm gần khu vực đó nên cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Một số các tay đua MotoGP (như Casey Stoner) đã quyết định không đến Nhật Bản do lo ngại nhiễm phóng xạ. Rất may là cuộc đua MotoGP được diễn ra bình thường.

Nhưng các giải đua khác thì không may mắn như vậy, do đường đua lòng chảo bị hỏng nên giải Indycar nói trên phải ‘tạm thời’ chuyển sang đường đua mặt đất. Đó cũng là năm cuối cùng Motegi đăng cai Indycar.

7/ Mới chỉ có 1 tay đua Nhật Bản, lái xe Honda chiến thắng trên trường đua của Honda

Việc tay đua nước chủ nhà chiến thắng luôn là một sự kiện trọng đại ở bất cứ đâu. Ở thể thức ‘ngoại hạng’ chỉ mới có 2 tay đua Nhật Bản làm được việc đó. Là Norifumi Abe (2 lần ở Suzuka) và Makoto Tamada (1 lần ở Motegi).

Với Honda thì họ trân quý chiến thắng của Tamada hơn, đơn giản là vì anh lái chiếc xe chiếc xe RC211V của họ.

Còn 2 chiến thắng của Abe thuộc về đối thủ không đội trời chung Yamaha.

8/ Anh em nhà Marquez từng chiến thắng tất cả các thể thức mà họ tham gia ở Motegi

Cụ thể Marc Marquez đã chiến thắng 3 thể thức 125cc (2010), Moto2 (2012) và MotoGP (2016). Anh là tay đua duy nhất chiến thắng 3 thể thức khác nhau ở MotoGP Nhật Bản.

Trong số các tay đua hiện tại chỉ có Andrea Iannone có khả năng làm được như Marquez.

Trong khi đó thì, người em Alex chưa được đua MotoGP nên chưa thể có chiến thắng ở đây. Nhưng trong những năm thi đấu Moto3, Alex có 2 chiến thắng và Moto2 có 1 chiến thắng.

9/ MotoGP Nhật Bản từng có giai đoạn ‘làm lơ’ với thể thức 500cc

GP Nhật Bản được tổ chức từ năm 1963. Và cho đến năm 1967 thì các chặng đua ở đây không có thể thức 500cc. Lý do đơn giản là vì lúc đó không có tay đua Nhật Bản nào đủ trình độ thi đấu ở thể thức này. Tất nhiên là sau này quan niệm chỉ tổ chức khi có tay đua nước chủ nhà tham gia đó đã thay đổi.

Ngoài ra, các cuộc đua thể thức 350cc năm 1963 và 50cc năm 1964 không được tính vào BXH năm đó (có tổ chức cuộc đua chính) vì có quá ít tay đua tham gia.

10/ Motegi chứng kiến nhiều tay đua đón chức vô địch

Từ khi chuyển sang định cư ở Motegi (từ năm 2004) thì thời điểm tổ chức chặng đua được chuyển từ đầu mùa  sang cuối mùa. (Nói vậy thôi chứ MotoGP Pacific toàn được tổ chức ở cuối mùa giải).

Do đó MotoGP Nhật Bản thường được chứng kiến các tay đua chính thức vô địch sớm. Casey Stoner (2007), Valentino Rosssi (2008) và Marc Marquez (2014, 2016) đã làm được việc đó.

Với Marquez, nếu giữ được nhịp ‘2014-2016’ thì rất có thể 2018 Kiến nguyên tử sẽ đăng quang vào cuối tuần này.

#khampha

--

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "10 điều thú vị về MotoGP Nhật Bản". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Fanpage Thể thao tốc độ
Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

Arai Rx-7 Pedrosa 26

Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....
Góc thông tin