Chủ đề: f1 champion     f1 winner     Fernando Alonso     tay đua f1

Fernando Alonso là ai?

icon

Fernando Alonso đua cho đội Aston Martin
Fernando Alonso đua cho đội Aston Martin

Thông tin cá nhân Fernando Alonso

Tên đầy đủ: Fernando Alonso Diaz

Sinh ngày: 29/07/1981

Nơi sinh: Oviedo, xứ Asturias, Tây Ban Nha

Gia đinh: Bố-Jose Luis Alonso, Mẹ-Ana Maria Diaz Martinez; Chị gái-Lorena Alonso Diaz

Fernando Alonso 1 lần lập gia đình với Raquel de Rosario tháng 11/2006 nhưng đã chia tay năm 2014. Họ chưa có con.

Alonso là fan của đội bóng Real Madrid và đội bóng quê hương Real Oviedo. Ngoài ra anh còn thích môn đua xe đạp và có ý định thành lập 1 đội đua xe đạp chuyên nghiệp

Alonso rất ngưỡng mộ Ayrton Senna.

Alonso có một bảo tàng tư nhân ở Oviedo, ở đây có một trường đua kart.

Alonso có thể nói thạo 3 ngoại ngữ là tiếng Anh, Ý, Pháp (bên cạnh tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha)

Trong giai đoạn hoàng kim, Alonso thường được gọi là El Nano

Từ năm 2014, Alonso chọn số xe 14 để thi đấu vì số xe này là số xe thời anh còn đua kart.

Năm 2021, Alonso có thú vui trao đổi nón bảo hiểm với các tay đua khác

Nón bảo hiểm: Nón bảo hiểm Bell

Thống kê thành tích F1 của Fernando Alonso

Thống kê thành tích F1 của Fernando Alonso tính đến chặng đua GP Úc 2023

Số chặng đua 361 (đua chính 358)
Vô địch 2 (2005, 2006)
Chiến thắng 32
Podium 101
Huy chương Sprint race 0
Pole 22
Fastest lap 23

Ở GP Úc 2023, Fernando Alonso giành được

  • Podium thứ 101

Các cột mốc trong sự nghiệp của Fernando Alonso:

  • Chặng đua đầu tiên: GP Úc 2001
  • Điểm số đầu tiên: GP Úc 2003
  • Pole đầu tiên, podium: GP Malaysia 2003
  • Fastest lap đầu tiên: GP Canada 2003
  • Chiến thắng đầu tiên: GP Hungary 2003
  • Vô địch đầu tiên: GP Brasil 2005
  • Vô địch lần thứ hai: GP Brasil 2006
  • Chặng đua thứ 100: GP Thổ Nhĩ Kỳ 2007
  • Chặng đua thứ 200: GP Malaysia 2013
  • Chặng đua thứ 300: GP Canada 2018
  • Podium thứ 100: GP Ả Rập Saudi 2023

#Nguồn: Thể thao tốc độ Tổng hợp

Sự nghiệp của Fernando Alonso

Thời trẻ

Fernando Alonso bắt đầu làm quen với xe kart từ năm 3 tuổi. Anh đã “nghịch” chiếc xe mà bố mua cho chị hai mình. Sau đó Alonso tham gia các giải kart và giành được nhiều danh hiệu nên kiếm được tiền tài trợ để phát triển sự nghiẹp đua xe vì gia đinh anh không đủ điều kiện tài chính.

Các năm sau đó, Alonso thường xuyên chiến thắng các giải đua trẻ ở Tây Ban Nha và Italia.

Cựu tay đua F1, Adrian Campos phát hiện tài năng của Alonso nên mời anh về đua cho đội đua của ông Campos Motorsport để thi đấu giải Euro Open by Nissan. Alonso đã vô địch giải này năm 1999 (6 chiến thắng trong 15 chặng đua).

Tháng 12/1999, Alonso lần đầu được lái thử chiếc xe F1 của đội Minardi.

Năm 2000, Alonso tiếp tục đua thử ở Minardi. Bên cạnh đó anh còn tham gia giải International Formula 3000  vàxếp thứ 4 chung cuộc với 1 chiến thắng (giải đua này còn có Mark Webber tham gia).

Năm 2001-2019: Đua F1 lần thứ nhất

Năm 2001-2002: Những năm đầu F1

Sang năm 2001, đội đua Minardi chính thức đôn Fernando Alonso thành tay đua chính, đua cặp với Tarso Marques, sau đó là Alex Yoong.

Alonso đua chặng đua F1 chính thức đầu tiên ở  GP nước Úc 2001.  Khi phân hạng, dù chỉ xếp thứ 19 nhưng anh nhanh hơn đồng đội tới hơn 2,5 giây. Kết thúc chặng đua đầu tiên, Alonso về thứ 12.

Do chiếc xe Minardi không đủ mạnh nên Fernando Alonso không thể ghi được điểm số và thường xuyên phải bỏ cuộc. Anh cũng xếp sau đồng đội trên BXH tổng do thu chỉ số phụ. Nhưng Alonso áp đảo đồng đội khi chạy phân hạng. Anh cũng là người về đích trước ở trong các cuộc đua mà cả 2 cùng về đích.

Ấn tượng trước tốc độ của Alonso, ông chủ đội đua Renault Flavio Briatore đã thuyết phục anh rời Minardi để sang đội đua Renault trong vai trò tay đua thử ở năm 2002. Hai tay lái chính của Renault trong năm này là Jarno Trulli và Jenson Button.

Năm 2003: Trở lại F1 và bắt đầu tỏa sáng

Năm 2003, Fernando Alonso đã lấy lại ghế đua chính ở đội Renault. Anh thay thế Button để đua cặp với Trulli. Anh tạo ấn tượng ngay ở chặng đua thứ 2 ở Malaysia. Anh phá kỷ lục tay đua trẻ nhất giành pole ở thời điểm đó. Trong chặng đua, tuy không chiến thắng nhưng Alonso cũng đã lần đầu tiên lên bục podium (P3).

Ở GP Brasil sau đó, dù chỉ xuất phát thứ 10 nhưng Alonso đã vươn lên vị trí thứ 3 ở cuối cuộc đua. Nhưng anh vướng vào tai nạn nghiêm trọng với Mark Webber. Tai nạn này khiến cho cuộc đua phải kết thúc sớm. Alonso vẫn giữ được vị trí thứ 3 nhưng không thể lên podium nhận giải do phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe (Sự cố này cũng khiến GP Brasil thay đổi kết quả-Fisichella được công nhận là người chiến thắng chứ không phải là Kimi Raikkonen).

Alonso tiến gần hơn 1 bước tới chiến thắng ở sân nhà Tây Ban Nha. Anh phân hạng thứ 3 và về thứ 2 sau Michael Schumacher.

Đến GP nước Áo, Alonso phải xuất phát từ pitlane do đổi xe. Anh cũng phải lần đầu tiên trong mùa giải phải bỏ cuộc do lỗi động cơ.

Kết quả ở các chặng đua sau đó không cao như các chặng đầu (trừ GP Hungary). Alonso bỏ cuộc thêm 4 lần, tất cả đều do lỗi hư xe. Mặc dù vậy, ở Fernando Alonso lại được nếm trải mùi vị chiến thắng ở GP Hungary. Anh bất ngờ giành pole và không bỏ lỡ cơ hội như ở chặng đua trước.

Năm 2004: không giành được chiến thắng

Trong mùa giải mà Schumacher và Ferrari thống trị hoàn toàn, Fernando Alonso thất bại trong việc tận dụng những cơ hội hiếm hoi trong những chặng mà Ferrari không chiến thắng (Monaco, Bỉ, Brasil)

Ở GP Monaco, Alonso gặp tai nạn khi đang bắt vòng Ralf Schumacher. Ở GP nước Bỉ, Alonso bị hỏng xe khi đang dẫn đầu.  Còn ở Brasil, Alonso cũng chỉ về thứ 4.

Alonso cũng để mất ưu thế pole ở Pháp và chỉ về nhì sau Schumacher. Đó cũng là kết quả cao nhất của anh trong mùa giải 2004. Anh còn 3 lần về 3 ở Úc, Đức và Hungary.

Mùa giải này là mùa giải duy nhất Alonso có ít chiến thắng hơn đồng đội (Jarno Trulli có chiến thắng ở Monaco) nhưng anh vẫn xếp trên ở trên BXH.

Mùa giải 2005: Đánh bại Raikkonen để lần đầu tiên vô địch

Fernando Alonso lại có đồng đội mới Giancarlo Fisichella ở mùa giải 2005. Anh bị đồng đội áp đảo ở chặng đầu tiên ở Úc (Fisichella giành pole và chiến thắng còn Alonso chỉ về 3).

Nhưng việc Alonso chiến thắng 3 chặng đua sau đó (Malaysia, Bahrain và San Marino) cùng với việc Fisichella phải bỏ cuộc ở cả 3 chặng đua này đã giúp cho Alonso trở thành tay đua số 1 của Renault để cạnh tranh với Kimi Raikkonen. Ở GP San Marino nói trên, Alonso đã tận dụng việc Raikkonen bị hỏng xe khi đang dẫn đầu. Đến GP Châu Âu, một lần nữa Raikkonen gặp sự cố ngay ở vòng đua cuối cùng nên đánh rơi chiến thắng vào tay Alonso.

Đến GP Canada, Alonso phạm lỗi xử lý khi dẫn đầu khiến anh phải lần đầu tiên bỏ cuộc trong mùa giải. Chiến thắng rơi vào tay Raikkonen.

Sang Mỹ, cả Alonso và Raikkonen (cùng các tay đua sử dụng lốp Michelin) đồng loạt bỏ cuộc khi cuộc đua sắp bắt đầu dâng chiến thắng cho Michael Schumacher.

Ở 2 chặng đua tiếp theo, Alonso đều giành pole nhưng chỉ thắng được 1 (ở Pháp) và về nhì chặng đua còn lại (Anh).

Tiếp đến ở Đức, Raikkonen lại phải bỏ cuộc do hư xe, Alonso đã tận dụng tối đa cơ hội để gia tăng khoảng cách lên tới 36 điểm.

Khoảng cách lại thu hẹp xuống còn 26 điểm ở chặng đua sau đó ở Hungary khi Raikkonen chiến thắng, còn Alonso chỉ về thứ 11. Anh chỉ phân hạng thứ 6, trong cuộc đua, Alonso bị vỡ cánh trước do va chạm với Ralf Schmacher.

Dù Raikkonen có 2 chiến thắng (Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ) ở 3 chặng đua tiếp theo trong khi Alonso không có chiến thắng nào. Nhưng sự ổn định của tay đua người Tây Ban Nha (3 lần về nhì) giúp cho khoảng cách không thay đổi nhiều. Đến GP Brasil, Alonso vẫn hơn Raikkonen tới 25 điểm.

Kết thúc GP Brasil, Alonso giành được vị trí xuất phát đầu tiên nhưng chỉ về vị trí thứ 3. Kết quả này giúp anh lần đầu tiên lên ngôi vô địch thế giới.

Ở 2 chặng đua cuối cùng, Alonso về 3 ở Nhật Bản và chiến thắng ở Trung Quốc.

Mùa giải 2006: Bảo vệ thành công danh hiệu trước sự hồi sinh của Michael Schumacher

Giống như mùa giải 2005, Fernando Alonso có nửa đầu mùa giải thành công hơn nửa cuối mùa giải. Anh chiến thắng tới 6 và về nhì 3 trong 9 cuộc đua đầu tiên. Còn trong 9 cuộc đua cuối cùng, Alonso chỉ chiến thắng 1, về nhì 4 lần và bỏ cuộc 2 lần đều do lỗi hư xe (Hungary và Italia).

Phải nói thêm ở GP Hungary, Alonso bị phạt cộng 2 giây vào kết quả phân hạng do lỗi lái xe nguy hiểm ở ngày đua thử. Án phạt này khiến cho Alonso chỉ phân hạng thứ 15.

Nhưng như vậy là đủ để dập tắt sự trỗi dậy của cựu vương Micheal Schumacher. Chiến thắng quan trọng ở GP Nhật Bản (Schumacher phải bỏ cuộc) giúp anh có lợi thế 10 điểm ở chặng đua cuối cùng ở Brasil.

Tất nhiên Alonso không bỏ lỡ cơ hội. Một lần nữa anh đoạt chức vô địch F1 ở Brasil dù không chiến thắng (về thứ 2).

Mùa giải 2007: Chuyển sang Mclaren và mâu thuẫn với Lewis Hamilton.

Sau những năm tháng thành công với Renault, Fernando Alonso quyết định chuyển sang Mclaren để tìm kiếm thách thức mới. Ở đây anh đua cặp với tay đua rookie Lewis Hamilton.

Tuy anh có chiến thắng ngay ở chặng đua thứ 2 của mình ở đội đua mới (Malaysia) nhưng việc chỉ có vị trí thứ 5 và thứ 3 ở Bahrain và Tây Ban Nha khiến anh phải xếp sau Hamilton trên BXH tổng, dù cho đến thời điểm đó Hamilton chưa có chiến thắng.

Đến GP Monaco, mâu thuẫn của Alonso và Hamilton bắt đầu nảy sinh. Sau chặng đua, FIA đã điều tra hành vi ngăn cản Hamilton vượt Alonso của đội Mclaren vì lúc đó team order là không được phép. Nguyên nhân là Hamilton trả lời họp báo sau chặng đua đã nói rằng anh bị đội đua ra lệnh không được tấn công đồng đội. Nhưng FIA không ra án phạt nào vì không có đủ bằng chứng. Lúc này Alonso và Hamilton cùng dẫn đầu (38 điểm).

Các cuộc đua sau đó diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho Alonso. Ở GP Canada, Alonso bị Hamilton đè ở pha xuất phát dẫn đến hư xe nên chỉ về thứ 7.  Đến GP nước Pháp, anh không thể đua Q3 do hư hộp số nên chỉ xuất phát thứ 10 và về thứ 7 chung cuộc.  Xen kẽ 2 chặng đua này là 2 lần về nhì ở Mỹ và Anh. Nhưng khoảng cách với người dẫn đầu Hamilton đã bị giãn ra thành 12 điểm.

Hi vọng vô địch của Alonso được nhen nhóm sau chiến thắng ở GP Châu Âu (Hamilton chỉ về 9 nên khoảng cách được rút còn 2 điểm).

Tới Hungary, mối quan hệ Alonso -Hamilton căng thẳng cực độ. Alonso bị phạt vì hành vi cố tình ngăn Hamilton đua vòng phân hạng cuối cùng. Cho nên dù có kết quả phân hạng nhanh nhất nhưng Alonso phải xuất phát thứ 6 (trừ 5 bậc xuất phát) còn Hamilton được đôn lên xuất phát đầu tiên. Hamilton không bỏ lỡ cơ hội chiến thắng cuộc đua đó (Alonso chỉ về 4). Khoảng cách lại được gia tăng lên thành 7 điểm.

Sau chặng đua này, vì quá tức giận việc Mclaren không bảo vệ mình mà đứng về phía Hamilton. Alonso đã đe dọa công bố email trao đổi giữa anh và tay đua dự bị Pedro de la Rosa về hành vi gián điệp công nghệ mà Mclaren thực hiện với Ferrari, nếu anh không được ưu tiên trong các chặng đua tiếp theo. Trước đó Ferrari đã kiện lên FIA hành vi “ăn cắp” của Mclaren. Sau những cuộc điều tra, FIA đã phạt Mclaren 100 triệu USD và hủy kết quả của đội đua này (kết quả của tay đua vẫn được giữ nguyên).

Không biết có phải do lời đe doạ trên hay không mà Alonso lại có kết quả tốt hơn ở 3 chặng đua tiếp theo ở Thổ Nhĩ Kỳ (Hamilton bị nổ lốp nhưng vẫn về 5), Italia (Alonso chiến thắng, Hamilton về 2) và Bỉ, nên khoảng cách một lần nữa được thu hẹp chỉ còn 2 điểm.

Đến GP Nhật Bản, mạch lên điểm của Alonso bị chặn lại vì gặp tai nạn trong điều kiện thời tiết xấu. Hamilton đã chiến thắng chặng đó, nhưng Alonso (và nhiều tay đua) tỏ ý không hài lòng việc Hamilton không bị phạt vì hành vi lái xe gây nguy hiểm dẫn đến tai nạn của Webber và Vettel. Vì không bị phạt nên Hamilton vẫn được tính là người chiến thắng chặng đua. Khoảng cách được nâng lên 12 điểm.

Con số này chỉ còn 4 sau GP Trung Quốc (đến phiên Hamilton bỏ cuộc, còn Alonso về 2).

Cạnh tranh với nhau trong suốt mùa giải nhưng ở chặng đua cuối cùng của mùa giải, cả Hamilton và Alonso đều bị Kimi Raikkonen vượt qua để chiếm ngôi vô địch. Hamilton chỉ về thứ 7 còn Alonso về 3 ở chặng đua này nên cả 2 đều được 109 điểm. Nhưng Alonso phải xếp sau do ít lần về nhì hơn (4 so với 5). Ở tiêu chí chiến thắng, mỗi người cùng 4 lần chiến thắng.

Với những mâu thuẫn nặng nề với đồng đội và đội đua, không khó hiểu khi Alonso phải chấm dứt sớm hợp đồng, rời Mclaren để quay lại Renault.

Năm 2008: Về lại Renault, hưởng lợi trong scandal Crashgate

Renault thời kỳ này không còn giữ được sức mạnh như 2 năm trước. Vị trí xuất phát tốt nhất của Fernando Alonso trong mùa giải này là vị trí thứ 2 ở GP Tây Ban Nha, nhưng anh lại phải bỏ cuộc vì hư động cơ.

Trong suốt 14 chặng đầu tiên, Alonso thất bại trong nỗ lực lên podium, anh còn phải bỏ cuộc thêm 2 lần ở Canada  (tông rào) và GP Châu Âu (tai nạn). Trước đó, ở GP Bahrain, Alonso bị chỉ trích vì gây tai nạn cho đồng đội cũ Hamilton, nhưng anh không bị điều tra vì hành vi này.

Dẫu vậy anh đã tỏa sáng ở 4 chặng cuối của mùa giải bằng 2 chiến thắng ở Singapore và Nhật Bản cộng thêm  1 lần về nhì ở Brasil. Nhưng chiến thắng ở Singapore bị vấy bẩn bới scandal Crashgate. Sau khi kết thúc mùa giải, tức giận với việc đội đua không giữ lời hứa giữ mình ở lại, Nelson Pique Jr (đồng đội lúc bấy giờ của Alonso) đã tiết lộ anh đã cố tình gây tai nạn theo ý của đội Renault để tạo cơ hội của Alonso chiến thắng. FIA sau đó đã phạt cấm tham gia các hoạt động F1 đối với Flavio Briatore-lãnh đạo đội Renault lúc đó. Nhưng họ vẫn giữ nguyên chiến thắng cho Alonso vì không tìm thấy bằng chứng việc Alonso có tham gia hành vi này.

Năm 2009: chờ hợp đồng mới

Năm 2009, Renault tiếp tục tuột dốc, chung cuộc họ chỉ xếp thứ 8/10 đội đua (so với vị trí thứ 4 ở mùa giải 2008). Fernando Alonso thường đua với những tin đồn về đội đua mới ở năm sau.

Tuy nhiên ở GP Hungary, Alonso bất ngờ giành pole, anh xuất phát tốt và giữ được vị trí dẫn đầu cho đến khi chiếc xe bắt đầu gặp sự cố với hệ thống bơm nhiên liệu. Cuối cùng, Alonso phải bỏ cuộc ngay ở vòng 15.

Alonso tiếp tục phải bỏ cuộc ở GP nước Bỉ, anh bị hư xe do va chạm với Adrian Sutil lúc xuất phát nhưng vẫn cố lái xe đến vòng 27 mới bỏ cuộc.

Thành tích cao nhất trong mùa giải của Alonso là về 3 ở Singapore.  Đó cũng là chặng đua cuối cùng của mùa giải 2009 mà anh ghi điểm. Trong các chặng đua cuối cùng, Alonso bị trừ 5 bậc xuất phát do lỗi phớt lờ cờ vàng ở GP Nhật Bản, gặp tai nạn ở pha xuất phát tại Brazil.

Năm 2010: Chuyển sang Ferrari và mất ngôi vô địch ở vòng cuối

Sau 2 năm ngụp lặn ở Renault, Fernando Alonso tìm được lối thoát cho sự nghiệp của mình. Ferrari đã thanh lý sớm hợp đồng với Kimi Raikkonen để mời anh đến Maranello.

Chiếc xe Ferrari không phải là nhanh nhất ở mùa giải này nhưng đủ mạnh và ổn định cho phép Alonso cạnh tranh ngôi vô địch đến chặng đua cuối cùng. Cả mùa giải, Alonso chỉ bỏ cuộc 1 lần ở Gp nước Bỉ do tông rào trong khi các đối thủ chính của anh đều có số lần bỏ cuộc nhiều hơn (Vettel 3, Webber 2 và Hamilton 3).

Còn ở GP Malaysia, tuy được tính hoàn thành cuộc đua nhưng thực tế Alonso cũng bỏ cuộc ở vòng áp chót do hỏng động cơ. Đây là chặng đua Alonso có phong độ tồi nhất mùa giải, anh bị loại ngay ở Q1 (một phần do trời mưa). Trước khi bỏ cuộc Alonso cũng chỉ có vị trí thứ 9.

Đến GP Trung Quốc, Alonso lại bị phạt chạy qua pitlane do lỗi xuất phát sớm. Nhưng anh vẫn về thứ 4 chung cuộc.

Monaco GP là chặng đua đáng nhớ khác của Alonso, anh không thể đua phân hạng do bị hư xe ở FP3 nên phải xuất phát cuối cùng. Tuy nhiên Alonso chạy khá tốt trong ngày đua chính và có được vị trí thứ 6.

Ngược lại, ở GP nước Anh, Alonso có vị trí xuất phát tốt (thứ 3) nhưng anh lại bị phạt chạy qua pitlane do lỗi vượt trái phép Robert Kubica. Cuối chặng đua, Alonso còn bị bể bánh nên chỉ về thứ 14.

Trong cả mùa giải, Ferrari và Alonso chỉ có 2 lần giành pole (ở Italia và Singapore). Alonso chiến thắng cả 2 chặng đua đó. Anh còn chiến thắng ngay ở chặng đầu tiên đua cho Ferrari (Bahrain) cũng như GP nước Đức và GP Hàn Quốc.

Ở GP nước Đức, Alonso chiến thắng nhờ lệnh chỉ đạo của đội Ferrari buộc Felipe Massa phải nhường đường. Còn ở GP Hàn Quốc, Alonso hưởng lợi do tai nạn của Webber và pha hỏng xe của Vettel.

Trước Gp cuối cùng ở Abu Dhabi, Alonso là tay đua dẫn đầu BXH, anh hơn Mark Webber 8 điểm và hơn Vettel 15 điểm. Tuy nhiên trong chặng đua, Alonso chạy theo chiến thuật phòng Webber, anh còn bị Vitali Petrov cản địa nhiều vòng nên chỉ về vị trí thứ 7. Tuy đạt được dụng ý ‘phá’ Webber nhưng Alonso lại để sổng Vettel. Sebastian Vettel đã chiến thắng và đoạt luôn ngôi vô địch. Alonso chỉ xếp thứ 2 chung cuộc.

Mùa giải 2011: Không thể bắt kịp Vettel

Tuy mất chức vô địch ở chặng đua cuối cùng ở mùa giải trước, nhưng người hâm mộ kỳ vọng với sự ổn định có được, Ferrari có thể nâng cấp mạnh mẽ ở mùa giải 2011. Nhưng họ không nâng cấp được tốc độ cho chiếc xe mà chỉ làm cho chiếc xe thêm ổn định.

Cả mùa giải, chỉ một lần Fernando Alonso không ghi điểm (găp tai nạn trong chặng đua mưa ở Canada).

Ferrari cũng không có đoạt được pole lần nào, Alonso cũng chỉ một lần chiến thắng ở GP nước Anh nhờ hưởng lợi từ pha pit lỗi của Vettel.

Mùa giải 2012: Mất chức vô địch do 2 tai nạn

Tình thế sự ổn định của Fernando Alonso đấu với độ nhanh của Vettel tiếp tục diễn ra trong mùa giải thứ 3 của Alonso ở Ferrari.

Tuy nhiên 2 tai nạn ở trên trời rơi xuống khi xuất phát ở GP nước Bỉ (lỗi do Romain Grosjean, sau đó gây tai nạn liên hoàn cho Hamilton, Alonso và Kamui Kobayashi) và ở GP Nhật Bản (bị Raikkonen tông từ phía sau) là nguyên nhân trực tiếp khiến cho Alonso mất chức vô địch ở mùa giải này.

Ở GP cuối cùng ở Brasil, do Vettel gặp sự cố ở pha xuất phát (và chỉ về 6) nên Alonso có thể đoạt chức vô địch nếu chiến thắng chặng. Nhưng anh chỉ về thứ 2 nên chung cuộc đành phải kém Vettel 3 điểm.

Tuy không vô địch nhưng đây có thể xem là mùa giải mạnh mẽ nhất trong sự nghiệp của Alonso. Anh chiến thắng GP Malaysia và GP Châu Âu dù chỉ xuất phát từ vị trí thứ 9 và thứ 11.

Anh còn có 1 chiến thắng nữa ở Đức. Đây là 1 trong 2 chặng đua trong mùa giải này, Alonso có vị trí xuất phát đầu tiên. Ở chặng đua còn lại (GP nước Anh), Alonso về nhì.

Năm 2013: Tiếp tục đóng vai kể xuất sắc nhất trong phần còn lại

Sang mùa giải 2013, ngoài Redbull, Fernando Alonso còn phải chống lại sự trỗi dậy của Mercedes. Tuy nhiên Mercedes lúc này chưa có được sự ổn định, cộng với sự sa sút của Mclaren nên Alonso vẫn giữ được vị trí thứ 2 trên BXH tổng, sau cái tên quen thuộc Sebastian Vettel.

Mùa giải này, Alonso lại không có được cú pole nào. Nhưng anh lại có 2 chiến thắng ở giai đoạn đầu mùa giải ở Trung Quốc và Tây Ban Nha. Đó cũng là giai đoạn đẹp nhất trong mùa giải của anh vì sau đó Vettel hoàn toàn thống trị với 11 chiến thắng (cộng thêm 2 chién thắng ở đầu mùa giải, Vettel có 13 chiến thắng trong mùa giải này).

Ngược lại, 2 chặng đua đáng quên của Alonso là ở Malaysia (hư cánh trước nên phải bỏ cuộc) và ở Ấn Độ (cũng hư cánh trước do va chạm với Webber ở pha xuất phát nhưng vẫn về thứ 11).

Chiến thắng ở Tây Ban Nha nói trên cũng là chiến thắng cuối cùng (tính đến hết năm 2018) của Alonso.

Năm 2014: Năm cuối ở Ferrari

Sang năm 2014, Ferrari không những không theo kịp Mercedes và Redbull, họ còn bị Williams tấn công.

Tuy nhiên Fernando Alonso vẫn thi đấu tương đối ổn định. Tuy không giành được chiến thắng nhưng Alonso cũng chỉ không ghi điểm ở  Italia và Nhật Bản (đều do hư xe).

Thành tích cao nhất của anh là 2 lần lên podium ở Trung Quốc và Hungary.

Năm 2015-2017: Thất vọng với liên minh Mclaren-Honda

Sau 4 năm không giành được danh hiệu ở Ferrari, Fernando Alonso quyết định mạo hiểm trở lại Mclaren trong giai đoạn chuyển tiếp của đội đua này (đội đua Mclaren chuyển từ động cơ Mercedes sang Honda).

Khó khăn của Alonso bắt đầu ngay ở kỳ đua thử của mùa giải 2015. Anh gặp chấn thương (mất trí nhớ tạm thời) nên không thể tham gia chặng đua đầu tiên ở Úc. Tiếp đó là những chặng đua liên tiếp phải bỏ cuộc vì lỗi hư động cơ và bị phạt trừ vạch xuất phát.

Mùa giải 2015, Alonso chỉ kiêm được 11 điểm ở GP nước Anh và GP Hungary và chỉ xếp thứ 17 chung cuộc. Trừ mùa giải đầu tiên (2001) thì đây là vị trí thấp nhất trên BXH của Alonso.

Ở GP Nhật Bản 2015, vì quá thất vọng với động cơ Honda, Alonso đã lên tiếng chê bai động cơ của hãng này ngay trên sân nhà của họ bằng câu radia ‘GP2 engine, GP2 engine’.

Sang mùa giải 2016, tình hình tiếp tục không thuận lợi, nhưng anh ghi điểm thường xuyên hơn (9/11 chặng đua). Bên cạnh đó, Alonso cũng không tham gia GP Bahrain do chấn thương sau một tai nạn rất lớn ở GP nước Úc.

Sau 2 năm đua cặp với Jenson Button, Alonso có đồng đội mới là Stoffel Vandoorne ở mùa giải 2017. Tất nhiên là anh dễ dàng áp đảo tay đua trẻ này. Dấu ấn đáng nhớ nhất trong mùa giải là việc anh bỏ chặng đua Monaco để sang Mỹ đua giải Indy500.

Ở GP nước Nga, do hư hộp số trước khi cuộc đua bắt đầu nên Alonso không tham gia cuộc đua chính.

Nói chung mùa giải của Alonso cũng không khác gì 2 mùa trước. Anh nằm trong số các tay đua phải bỏ cuộc nhiều nhất. Kết quả cao nhất là P6 ở Hungary.

Năm 2018: Chán nản đến mức quyết định nghỉ đua F1

Fernando Alonso khởi đầu mạnh mẽ (ghi điểm trong cả 5 chặng đua đầu tiên) và kết thúc thảm hại (không thể ghi điểm trong 6 chặng đua cuối cùng).

Cùng với Daniel Ricciardo, Alonso là tay đua phải bỏ cuộc nhiều nhất (8 chặng).

Điểm sáng duy nhất là anh là tay đua duy nhất luôn đánh bại đồng đội (Stoffel Vandoorne) ở các phiên chạy phiên hạng.

Alonso cũng liên đới trong tai nạn nghiêm trọng nhất mùa giải. Khi xuất phát GP nước Bỉ, anh bị Nico Hulkenberg tông từ phía sau nên mất lái rồi chồm lên nóc xe của Charles Leclerc. Rất may là Leclerc không bị sao sau tình huống hày.

Chặng đua sau đó ở Italia, Alonso có xung đột với Kevin Magnussen trong quá trình đua phân hạng.

Ở chặng đua cuối cùng ở GP Abu Dhabi, Alonso bị phạt 10 giây do lỗi chạy cắt góc.

Ngày 14/08/2018, Alonso thông báo nghỉ thi đấu F1 2019, bỏ ngỏ khả năng trở lại ở các năm sau.

Để tri ân Alonso, Mclaren đã sơn màu đặc biệt cho chiếc xe của anh ở chặng đua cuối cùng GP Abu Dhabi. Đây là lần đầu tiên kể từ GP Bồ Đào Nha 1986, đội Mclaren dành đặc ân này cho một tay đua (lần đó tay đua hưởng đặc ân là Keke Rosberg).

Ngoài F1, Alonso còn tham gia các giải đua như Daytona 24h ở Mỹ và giải World Endurance Championship. Anh cùng với Sebastian Buemi và Kanzuki Nakajima đã chiến thắng Le Mans 24h của serie này.

Năm 2019-2020: Thất bại trong việc sưu tập Tripple Crown

Fernando Alonso có thêm một chiến thắng Le Mans 24h nữa trong năm 2019. Anh cũng đoạt chức vô địch World Endurance Championship 2018-2019.

Tuy nhiên trong cả hai lần thử lửa ở giải Indy500 thì Alonso đều thất bại. Năm 2020 Alonso chỉ đứng thứ 21. Năm 2019 còn tệ hơn khi anh không vượt qua được vòng loại để vào vòng đua chính thức.

Năm 2021-nay: Trở lại F1

2021: Trở lại F1 trong màu áo Alpine Renault

Alonso gặp đôi chút khó khăn ở giải đoạn đầu mùa giải. Trước mùa giải thì anh bị tai nạn khi đang tập xe đạp, phải phẫu thuật quay hàm.

Ở 5 chặng đua đầu tiên, kết quả thi đấu của Alonso cũng có phần kém hơn đồng đội Esteban Ocon. Phải đến chặng đua thứ sáu GP Azerbaijan thì Alonso mới lấy lại được tốc độ của mình. Cuối mùa giải, Alonso giành được podium ở chặng đua GP Qatar. Chung cuộc anh ghi được 81 điểm, nhiều hơn Ocon 7 điểm.

Alonso cũng góp công lớn giúp cho Ocon giành chiến thắng chặng đua GP Hungary khi đã cố gắng cản địa Lewis Hamilton rất nhiều vòng.

(Tiếp tục cập nhật)

Nguồn: Tổng hợp, wikipedia

--

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "Fernando Alonso là ai?". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Fanpage Thể thao tốc độ
Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

Arai Rx-7 Pedrosa 26

Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....
Góc thông tin