Jorge Lorenzo là ai?
Jorge Lorenzo là cựu tay đua mô tô người Tây Ban Nha. Lorenzo sinh năm 1987, từng 3 lần vô địch giải đua xe MotoGP.
Thể thao tốc độ xuất bản ngày
Jorge Lorenzo trong năm 2022
Thông tin cá nhân Jorge Lorenzo
Jorge Lorenzo Guerrero sinh ngày 04/05/1987 ở Palma, Majorca, Tây Ban Nha.
Lorenzo sử dụng số 99 (được chọn qua 1 cuộc thăm dò qua mạng). Trước đó số xe của anh là 48. Ngoài ra ở 2 mùa giải 2007 và 2011 Lorenzo sử dụng số 1 cho các tay đua đương kim vô địch. Trong những năm đầu ở MotoGP, Lorenzo gây sự chú ý bằng những pha ăn mừng chiến thắng “kỳ quặc”.
Lorenzo được đặt tên cho góc cua số 13 tại trường đua Jerez.
Lorenzo là cổ động viên của đội Barcelona.
Thống kê thành tích MotoGP của Jorge Lorenzo
(tính đến hết năm 2020)
Vô địch: 3 (2010; 2012; 2015)
Số chặng đua: 203
Chiến thắng: 47
Podium: 114
Pole: 43
Fastest lap: 30
Chặng đua đầu tiên, pole đầu tiên, điểm số đầu tiên, podium đầu tiên: GP Qatar 2008
Chiến thắng đầu tiên: GP Bồ Đào Nha 2008
Vô địch đầu tiên: GP Malaysia 2010
Sự nghiệp đua xe của Jorge Lorenzo
Năm 2002-2004: 125cc
Jorge Lorenzo không có nổi bật lắm ở hạng đua này.
Năm 2002, Anh tham gia chặng đua đầu tiên ở GP Tây Ban Nha nhưng chỉ kết thúc vị trí thứ 22. Trong màu giải đầu tiên Lorenzo không thể lên podium và thành tích cao nhất chỉ là vị trí thứ 7 ở Brasil.
Mùa giải 2003, Lorenzo thi đấu trọn vẹn 16 chặng đua và giành được chiến thắng đầu tiên cũng ở GP Brasil. Sau đó anh còn lên bục podium ở Malaysia. Nhưng anh cũng phải bỏ cuộc tới 6 chặng đua.
Kết quả của Lorenzo tốt lên theo từng năm, đến mùa giải thứ 3, anh đã giành được 3 chiến thắng (ở Hà Lan, Séc và Qatar).
Năm 2005-2007: 250cc
Mùa giải đầu tiên ở hạng 250cc của Jorge Lorenzo cũng không quá thành công, anh lái chiếc Honda và không giành được chiến thắng nào dù 4 lần về thứ 2. Ngoài ra anh còn bị cấm tham gia GP Malaysia do có hành vi ngây nguy hiểm cho các tay đua khác ở GP Nhật Bản trước đó.
Sự nghiệp của Lorenzo bắt đầu cất cánh từ mùa giải 2006 khi đội đua Fortuna của anh chuyển sang sử dụng xe Aprilia. Ngay lập tức anh đã chiến thắng 2 chặng đua đầu tiên ở Tây Ban Nha và Qatar, nhưng việc phải bỏ cuộc 2/3 chặng đua ngay sau đó (Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp) khiến cho Lorenzo đánh mất vị trí đầu bảng vào tay Andrea Dovizoso. Phải đến GP nước Đức, Lorenzo mới đòi lại vị trí dẫn đầu và giữ vững nó đến cuối giải. Tổng cộng Lorenzo có 8 chiến thắng trong mùa giải này.
Mùa giải 2007 khởi đầu giống hệt 2006 khi anh cũng chiến thắng 2 chặng đua đầu tiên. Nhưng 3 chặng đua tiếp sau đó là 2 chiến thắng và 1 lần về nhì nên Lorenzo không bị mất vị trí số 1 vào tay ai. Anh sớm đoạt ngôi vô địch trước 1 chặng đua sau khi về 3 ở Malaysia. Mùa giải này Lorenzo có 9 chiến thắng và 1 lần bỏ cuộc.
Năm 2008-2020: MotoGP
2008-2010: Làm đồng đội với Valentino Rossi lần thứ nhất
Ấn tượng trước thành tích của Jorge Lorenzo ở hạng đua 250cc, đội đua hùng mạnh Yamaha đã tuyển anh về thay Colin Edward để đua cặp với Valentino Rossi.
Lorenzo ngay lập tức tạo được dấu ấn bằng cách về nhì ở Qatar và sau đó chiến thắng ở Bồ Đào Nha để cùng chia sẻ vị trí đầu bảng sau 3 chặng đua cùng với Dani Pedrosa. Nhưng anh (cũng như Pedrosa) đều không thể giữ được vị trí đó do sự vùng lên mạnh mẽ của Valentino Rossi và Casey Stoner. Việc phải bỏ cuộc quá nhiều (4 lần bỏ cuộc) cộng với 1 lần không tham gia vì lý do sức khỏe (gặp tai nạn khi đua thử ở Cataluyna) đã khiến Lorenzo không thể cạnh tranh vị trí cao hơn so với người đồng đội.
Cũng giống như ở các hạng đua thấp hơn, thành tích của Lorenzo tăng dần qua các năm. Đến mùa giải MotoGP thứ 2, Lorenzo đã nâng số lần chiến thắng lên con số 4 (Nhật, Pháp, Indianapolis và Bồ Đào Nha) đồng thời vươn lên vị trí thứ 2 trên BXH tổng chỉ sau Rossi. Một nguyên nhân là Lorenzo bỏ cuộc 4 lần so với 1 lần của Rossi.
Đến năm 2010, cuối cùng Jorge Lorenzo cũng lật đổ được triều đại Rossi. Suốt mùa giải Lorenzo không bỏ cuộc chặng đua nào, Anh có 9 chiến thắng, 4 lần về nhì, 2 lần về 3 và 2 lần về 4. Đồng thời các đối thủ chính của anh lại gặp chấn thương và nghỉ thi đấu nhiều chặng. (Pedrosa không thi đấu 3 chặng, Rossi không thi đấu 4 chặng) nên Lorenzo đã dễ dàng lên ngôi ở Malaysia trước 3 chặng đua.
2011-2012: đua cặp với Ben Spies
Sau khi Rossi chuyển sang Ducati, Jorge Lorenzo có đồng đội mới là Ben Spies. Nhưng tay đua người Mỹ không thể gây khó khăn cho Lorenzo như Rossi nên anh dễ dàng hơn trong các cuộc đua của mình.
Năm 2011 chứng kiến sự cạnh tranh giữa Jorge Lorenzo và Casey Stoner, tay đua vừa chuyển từ Ducati sang Honda. Trong giai đoạn đầu mùa giải Lorenzo có được vị trí dẫn đầu, nhưng anh đánh mất vị trí này vào tay Stoner sau khi bị ngã ở GP nước Anh. Lorenzo sau đó tiếp tục bán đuổi Stoner cho đến GP nước Úc, anh gặp chấn thương và không thể tham gia 3 chặng đua cuối cùng (Úc, Malaysia và Valencia) nên đành nhìn Stoner tước đi danh hiệu của mình. Ở mùa giải này Lorenzo có 3 chiến thắng ở Tây Ban Nha, Italia và San Marino.
Trở lại sau chấn thương ở cuối mùa giải trước, Lorenzo khởi đầu mùa giải 2012 bằng 4 chiến thắng và 2 lần về nhì trong 6 chặng đua đầu tiên trước khi phải bỏ cuộc ở Hà Lan. Giai đoạn sau của mùa giải cũng diễn ra tương tự, sau 2 chiến thắng và 8 lần về nhì, Lorenzo lại bỏ cuộc ở Valencia. Như vậy ở mùa giải 2012, Lorenzo chỉ về đích ở vị trí thứ nhất (6 lần) và thứ nhì (10 lần) hoặc bỏ cuộc (2 lần). Ở mùa giải này Lorenzo vấp phải sự chống trả quyết liệt của Dani Pedrosa (chiến thắng nhiều hơn Lorenzo 1 lần) nhưng anh vẫn có thể vô địch sớm 1 chặng đua (ở Úc).
2013-2016: Tái hợp với Valentino Rossi
Năm 2013, Jorge Lorenzo tái hợp với Rossi ở Yamaha, nhưng trong năm này Lorenzo vẫn là tay đua mạnh nhất của Yamaha. Tuy nhiên trong gần suốt mùa giải Lorenzo phải xếp dưới bộ đôi Honda là Marquez và Pedrosa. Việc không thể tham gia GP nước Đức vì chấn thương đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng cơ hội bảo vệ ngôi vô địch của Lorenzo vì cuối cùng anh chỉ kém Marquez có 4 điểm mặc dù cho Lorenzo là tay đua chiến thắng nhiều nhất trong mùa giải này (8 chiến thắng) so với 6 của Marquez.
Vị trí số 1 của Lorenzo ở Yamaha bắt đầu bị lung lay từ mùa giải 2014 khi Rossi đã bắt đầu quen với chiếc xe. Trong mùa giải thống trị của Marc Marquez, Anh và đồng đội mỗi người đều có 2 chiến thắng ở cuối mùa giải nhưng Lorenzo phải xếp sau Rossi do có nhiều kết quả không tốt hơn. Đây là lần đầu tiên kể từ mùa giải 2010, Lorenzo bị xếp dưới người đồng đội.
Đỉnh cao của cuộc đấu với Rossi là ở mùa giải 2015. Dù giành được nhiều chiến thắng hơn (7 so với 4) nhưng Lorenzo luôn ở thể bám đuổi do sự ổn định tuyệt vời của Rossi. Tưởng chừng như anh có thể bứt lên sau khi san bằng điểm số bằng chiến thắng ở GP Séc (cùng 211 điểm) nhưng 2 kết quả bất lợi sau đó (về 4 ở Anh và bỏ cuộc ở San Marino) lại khiến Lorenzo bị Rossi bỏ lại. Khi bước vào vòng đua cuối cùng ở Valencia, Lorenzo vẫn kém Rossi 7 điểm. Tuy nhiên cơ hội lật đổ Rossi trở nên rõ ràng khi tay đua này bị phạt phải xuất phát từ vị trí cuối cùng (do hành vi đạp Marquez ở GP Malaysia trước đó). Lorenzo đã không bỏ lỡ cơ hội, đã giành chiến thắng chặng đua này (cộng với việc Rossi chỉ về thứ 4) và đoạt luôn ngôi vô địch với 5 điểm nhiều hơn. Anh là tay đua đầu tiên cắt được mạch vô địch của Marc Marquez.
Mùa giải 2016 lại diễn ra tương tự, Jorge Lorenzo có nhiều chiến thắng hơn Rossi (4-2) nhưng vẫn phải ở thế bám đuổi. Nhưng lần này anh không thể lật ngược thế cờ dù cho kết quả ở vòng cuối tại Valencia giống y chang năm trước (Lorenzo 1-Rossi 4). Nhưng cả 2 chiếc Yamaha đều phải xếp sau Marquez.
Sau mùa giải 2016 Lorenzo quyết định rời Yamaha để đầu quân cho Ducati
2017-2018: Chuyển sang Ducati
Năm 2017 Jorge Lorenzo quyết định chuyển sang Ducati. Anh không giành được chiến thắng nào trong khi đồng đội Andrea Dovizioso có đến 6 chiến thắng.
Cả mùa giải số 99 chỉ 3 lần lên podium (Jerez, Aragon và Malaysia) và phải bỏ cuộc 3 lần (Argentina, San Marino và Valencia).
Chặng đua hay nhất của Lorenzo là GP Malaysia, nơi anh dẫn đầu gần như suốt cuộc đua và chỉ bị đồng đội Dovizioso vượt ở cuối chặng. Nhiều người tin rằng Lorenzo đã hỗ trợ Dovizoso vì Dovizioso đang cạnh tranh danh hiệu với Marc Marquez.
Sang năm 2018 Jorge Lorenzo khởi đầu mùa giải một cách bình bình, giống như những gì anh thể hiện ở mùa giải năm ngoái: Không có podium trong 5 chặng đua đầu tiên, trong đó có 2 lần ngã xe ở Qatar và Jerez (tai nạn liên hoàn với Dani Pedrosa và Andrea Dovizioso).
Nhưng kể từ thời điểm anh quyết định chuyển sang Honda từ năm 2019 thì bất ngờ anh vụt sáng bằng 2 chiến thắng liên tiếp ở Cataluyna và Mugello.
Sau kỳ nghỉ hè, Lorenzo tiếp tục chuỗi ngày thăng hoa ở Séc (về nhì) và Áo (chiến thắng).
Lorenzo cũng giành pole ở Silverstone song cuộc đua lại bị hủy do thời tiết xấu. Anh thuộc nhóm tay đua đồng ý hủy cuộc đua này.
Kể từ đó thì tai họa bắt đầu ập xuống số 99. Bắt đầu bằng cú ngã ở San Marino (giành pole). Đau đớn hơn là tai nạn dẫn đến chấn thương ở Aragon (cũng giành pole)-nơi mà Lorenzo đã cáo buộc đồng đội tương lai Marc Marquez chơi quá rát.
Lorenzo cố gắng tham gia hai chặng đua tiếp theo ở Thái Lan và Nhật nhưng đều phải rút lui do không đủ sức khỏe (ở Thái Lan, anh bị thêm một cú ngã nữa làm vết thương trở nặng) dẫn đến quyết định không tham gia GP Australia.
Đến Malaysia thì Lorenzo có tham gia FP1 và FP2, song cũng rút lui.
Anh chỉ thực sự trở lại ở chặng đua cuối cùng-GP Valencia và về đích ở vị trí thứ 12 khiêm tốn.
Do chuỗi 6 chặng liên tiếp không ghi điểm đó (từ GP San Marino đến GP Malaysia) khiến cho Lorenzo tụt từ vị trí P2 xuống P9 trên BXH tổng.
2019: Giã từ sự nghiệp ở Repsol Honda
Mùa giải 2019, Jorge Lorenzo chuyển sang Repsol Honda để làm đồng đội với Marc Marquez. Do không thích nghi được với chiếc xe Honda RC213V nên Lorenzo thi đấu rất chật vật trong suốt mùa giải khi không vô nổi top-10 lấy một lần.
Tình huống đáng nhớ nhất của Lorenzo ở mùa giải 2019 có lẽ là pha ngã xe khi xuất phát MotoGP Catalunya. Cú ngã này của Lorenzo kéo theo cả Andrea Dovizioso, Valentino Rossi và Maverick Vinales ngã theo.
Cộng thêm việc bị chấn thương nặng ở TT Assen (phải nghỉ 4 chặng) đã đánh sập ý chí chiến đấu của Lorenzo, dẫn đến quyết định xin Repsol Honda kết thúc hợp đồng trước thời hạn 1 năm.
Sau khi kết thúc mùa giải 2019, Lorenzo trở về Yamaha để làm tay đua thử xe.
(tiếp tục cập nhật)
#Nguồn: Tổng hợp