Nhật ký Áo GP 2015: Ricciardo xuất sắc lội ngược dòng
Trái ngược với không khí hết sức sôi động vào buổi chiều thứ 7, chặng đua hôm qua trên đường chạy Red Bull Ring để lại không nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ với rất ít biến cố cũng như sự kịch tích tương đối hạn chế. Các xe đua của chúng ta […]
Thể thao tốc độ xuất bản ngày
Trái ngược với không khí hết sức sôi động vào buổi chiều thứ 7, chặng đua hôm qua trên đường chạy Red Bull Ring để lại không nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ với rất ít biến cố cũng như sự kịch tích tương đối hạn chế.
Các xe đua của chúng ta xuất phát dưới điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiệt độ bề mặt đường đua là 27 độ C, cao hơn rất nhiều so với lượt chạy phân hạng nên vấn đề lốp thiếu nhiệt không còn đáng bận tâm.
Ngay sau khi Charlie Whiting ấn nút tắt cả 5 đèn, Hamilton lập tức mất vị trí vào tay Rosberg từ những mét đường đầu tiên. Đây là bước ngoặt lớn, ảnh hưởng nhiều tới cục diện sau này cũng như kết quả chung cuộc. Nguyên nhân tới từ sự trục trặc của ly hợp khi độ hẫng của vòng tua động cơ gặp vấn đề. Dù Hamilton đã nhả chân ga nhưng vòng tua lại không giảm theo. Trái lại, nó vẫn quay đều như khi đang giữ ga. Và khi Hamilton nhả lẫy ly hợp thứ hai thì bánh sau bị trượt và do vậy Rosberg dễ dàng vươn lên từ rất sớm. Giai đoạn xuất phát này rất phức tạp và quan trọng tới diễn biến chiến thuật, tốc độ về sau của tay lái nên Thethaotocdo sẽ sớm đem tới bài viết phân tích kỹ thuật đề pa tới quý độc giả trong thời gian tới !
Tường thuật diễn biến chính chặng đua
Khi đoàn đua chạy qua khúc cua số 3 thì một vụ tai nạn khá nghiêm trọng xảy ra giữa Raikkonen và Alonso. Khi đã thoát T3, vì một lý do bí ẩn nào đó, Raikkonen đột nhiên bị trượt bánh sau rất nhiều, nó khiến anh loạng choạng trước khi hoàn toàn mất kiểm soát chiếc SF15-T. Điều này khá khó lý giải bởi lúc ấy Người Tuyết đã đi qua vùng tăng ga nên khả năng anh mắc sai lầm trong tình huống đó là không cao. Có lẽ nó tới từ trục trặc của xe đua như chế độ Race Start (!?) Sau đó Raikkonen chỉ còn giải pháp cuối cùng là đạp phanh hết cỡ nhưng lúc này Alonso đang ở phía sau khá gần nên đã không kịp phản ứng. Kết quả, cả hai chiếc xe lao vào hàng rào trong tình trạng chồng lên nhau. Thân xe của Alonso chỉ còn cách đầu Raikkonen có vài chục cm và Người Tuyết cũng phản xạ kịp thời bằng việc nhanh chóng rụt tay lại. Rất may mắn là không có ai (bao gồm cả nhóm thợ ảnh, quay phim đừng rất gần đường chạy) bị thương !
Pha va chạm của Raikkonen và Alonso.
Vụ tai nạn này đã khiến xe an toàn phải vào can thiệp trong 6 vòng. Lúc này chặng đua mới bắt đầu, xe đua rất nặng do còn nguyên 100kg xăng và do vậy đây là giai đoạn lốp mòn nhanh nhất. Sự có mặt của xe an toàn là điểm mấu chốt dẫn đến chiến thuật một pit cho phần lớn đoàn đua vì họ chỉ chạy rất chậm nên tuổi thọ lốp không bị ảnh hưởng. Điều này khiến cho các tay lái chỉ cần thay lốp một lần cũng như xóa bỏ đi mọi lo toan về chuyện phải tiết kiệm xăng.
Đây đã là chặng thứ tư liên tiếp Alonso không thể về đích. Và Button cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy khi anh cũng phải dừng cuộc chơi sau vỏn vẹn chục vòng chạy. Dẫu sao thì McLaren cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần vì họ vừa nâng cấp động cơ và coi chặng Áo này chỉ như một cữ tập dượt. Sau khi bỏ cuộc, trả lời phỏng vấn , Button cay đắng cho biết là các bộ phận mới được nâng cấp này đã hỏng…gần hết. Đợt chạy thử sắp tới đây (cũng tại Red Bull Ring) chắc chắn sẽ có rất nhiều ý nghĩa với đội đua nước Anh.
Tất cả những gì đáng chú ý nhất của ngày chủ nhật chỉ còn là đợt pit của các xe ở nhóm đầu. Rosberg vào trước, cán một lốp lên cỏ và phải khóa bánh hết cỡ trước khi xe vào đến vùng giới hạn tốc độ. Rất may mắn là chiếc xe vẫn không vượt quá ngưỡng 80km/h nếu không Rosberg sẽ bị bắn tốc độ và chắc chắn phải nhận phạt. Tình huống này sau đó được MC là cựu tay lái Gerhard Berger tâm sự với Rosberg trên podum là: “Vãi ***, anh tưởng chú ngỏm luôn pha ấy rồi đó.”
Rosberg xuýt nữa mắc lỗi chạy quá tốc độ khi vào pit.
Trong khi đó, Hamilton cố nán lại thêm một chút để thực hiện chiến thuật “đánh lén” nhưng đáng tiếc là nó không có hiệu quả gì. Bản thân lần thay lốp của Hamilton cũng tốn tới 4,1s và khi ra pit anh vô tình chạy đè qua vạch trắng phân cách đường chạy và lối thoát pit. Lỗi này gần giống với tình huống của Massa năm 2013 tại Brazil, nhà đương kim VĐTG chỉ cán lên vạch khoảng nửa mét. Và các trọng tài thường xử rất mạnh tay trong những trường hợp vô thưởng vô phạt như thế này. Kết quả, Hamilton bị cộng 5s vào thành tích chung cuộc. Sau tình huống này, triển vọng thắng chặng của anh chỉ còn nằm trên lý thuyết…
Lúc này thì không còn gì có thể ngăn cản Rosberg nữa ! Đã lâu lắm rồi người ta mới lại thấy Rosberg trực tiếp đánh bại được Hamilton trên đường chạy. Anh cần cố gắng hơn nữa vì hiện tại Hamilton vẫn rất mạnh mẽ và tương đối lấn lướt mình từ đầu mùa. Đến nỗi, trên podium, MC Berger đã lỡ lời khi chúc mừng Rosberg nhưng lại hồn nhiên gọi anh là…Lewis khiến tay đua người Đức vội thanh minh: “Tui đây là Nico nhé…”.
Hy vọng là trong thới gian tới, cả hai sẽ tiếp tục trình diễn phong độ cao để cống hiến cho người xem những pha đấu tay đôi hấp dẫn !
Trở lại với diễn biến trên đường chạy sau lần thay lốp đầu tiên. Sau lưng Hamilton là Vettel, khi vào pit, đội thợ máy đã gặp rắc rối lớn với chiếc lốp sau bên phải và nó khiến Vettel mất tới 13 giây. Lần pit ấy vô cùng tai hại, và cũng giống như pha mất lái của Raikkonen tại Canada, nó trực tiếp dâng cơ hội kiểm soát thế trận cho chiếc Williams đằng sau. Hay nói cách khác, là suất còn lại trên podium !
Lần thay lốp quá chậm trễ đã khiến Vettel mất podium.
Từ lúc này cuộc đua chỉ còn tập trung vào Vettel và Massa. Giống như Bottas đã hai lần cầm cự thành công trước Raikkonen và chính Vettel ở các chặng đua trước, chiếc Ferrari không mất quá nhiều thời gian để thu hẹp khoảng cách, vì nó vẫn nhanh hơn Williams một chút nhưng khá khó khăn để vượt. Williams lần này rất tự tin khi tuyên bố thẳng trên TV lúc ấy rằng “Massa xương đấy, Vettel nhằn khéo kẻo hóc !”. Bởi dẫu sao thì tốc độ tối đa của Williams không kém nhiều, nên hai đoạn DRS tại sector 1 và 3 cũng chẳng thực sự đơn giản cho Vettel tận dụng, trong khi tại sector 2 thì gần như không có chỗ vượt.
Khoảng 10 vòng cuối, Vettel đã tiếp cận được khoảng cách đủ gần để bật DRS và tấn công chiếc FW37 dữ dội. Từ lúc này cho tới hết chặng, Massa đã liều lĩnh chọn các vệt đường tốc độ cao khi vào cua để chủ động phòng ngự và không mắc lỗi nào. Nhân tố này, cộng với sự cố đáng tiếc trong pit của Vettel và một chiếc xe đủ nhanh trên đường thẳng đã đem đến podium đầu tiên năm nay cho Massa.
Như mọi khi, mỗi lúc có tình huống nào đó đáng chú ý liên quan tới Massa là các máy quay lại bắt hình Rob Smedley trong paddock của Williams. Khi hết chặng, Smedley hóm hỉnh chúc mừng Massa qua radio: “Không tệ lắm với một thằng cha đã hết vị !”
Đây là podium thứ 40 của Massa.
Ở các vị trí phía sau, Bottas cũng chạy khá hay khi hai lần đánh bại Hulkenberg để dành P5. Còn với tay lái người Đức của Force India, P6 chắc chắn vẫn là thành tích cao nhất anh có thể dành được với một chiếc xe chưa thực sự nhanh. Nó kết thúc một tuần rất thành công của Hulkenberg trên cả đấu trường F1 lẫn “nghề tay trái” Le Mans 24h.
Tiếp theo, Maldonado vẫn tiếp tục thể hiện phong độ cao khi ghi điểm chặng thứ hai liên tiếp với vị trí thứ 7. Trong đó có một cú vượt rất ấn tượng trước ngôi sao đang sáng dần lên qua từng chặng đua-Verstappen. Số là khi đánh lái gấp để qua mặt chiếc STR, lúc ấy cánh gió sau đang mở, xe thiếu lực nén ở đuôi xe và bất ngờ lại có một cơn gió ngược thổi tạt qua khiến anh chàng của Lotus loạng choạng xuýt mất lái. May là sau đó DRS kịp thời đóng và chiếc xe ngay lập tức có được sự bổ xung lực nén rất quý giá để cân bằng lại. Nếu không thì có lẽ người ta lại có cơ hội chứng kiến một vụ tai nạn độc quyền khác của Maldonado…
Siêu phẩm của Maldonado.
Cuối cùng, chúng ta không thể bỏ qua sự ghi nhận với nỗ lực hết sức tuyệt vời của Ricciardo. Xuất phát tận vạch thứ 18 nhưng anh đã giữ được bộ lốp vàng tới 50 vòng và trước khi kết thúc chặng đã kịp thời qua mặt Nasr để ghi điểm danh dự cho đội chủ nhà với P10.
Kết quả chung cuộc.
GL550