Tại sao các cuộc đua đường phố ngày càng nhiều?

Nhiều giải pháp làm F1 hấp dẫn hơn nhưng không ai đề xuất giảm các cuộc đua đường phố.
Cuộc đua F1 ở Monaco 2017

Cuộc đua F1 ở Monaco 2017

Tại sao các cuộc đua đường phố ở F1 ngày càng nhiều, có phải do nó hấp dẫn hơn các đường đua chuyên dụng? Không hề có chuyện đó. Bất cứ cuộc khảo sát nào cho câu hỏi đâu là chặng đua F1 chán nhất năm thì phần đông khán giả sẽ chọn Sochi, Baku hay Monaco. Tất cả đều là các cuộc đua được tổ chức trên những con phố sầm uất.

Riêng Baku năm nay thoát nạn nhờ vào việc Daniel Ricciardo “lỡ” bị xuất phát từ vị trí thứ 10 (rồi sau đó vươn lên giành chiến thắng), rồi thì những tình huống bất ngờ liên quan đến Lewis Hamilton và Sebastian Vettel. Nhưng chắc không phải năm nào cũng được như vậy.

Những đoạn đường ngắn và những bức tường chắn làm cho bất cứ cao thủ nào cũng rụt rè khi tính thực hiện một cú vượt. Có thể với quan điểm của tay đua, đó vẫn là một chặng đua hấp dẫn vì họ trực tiếp được lái xe tốc độ cao trên những đoạn đường chật hẹp. Tuy nhiên như thế là không đủ cho khán giả, những người tính toán sự hấp dẫn của chặng đua bằng những pha vượt mặt ngoạn mục. Ngoài ra, tầm nhìn giới hạn cũng khiến khán giả chọn xem qua TV hơn là đến các trường đua tạm bợ này xem trực tiếp.

Đôi khi những pha tai nạn cũng góp phần đẩy sự kịch tính dâng cao, nhưng như vừa nêu, chỉ có ai may mắn ngồi ở khu vực đó mới có thể quan sát tai nạn diễn ra thế nào. Chứ bình thường thì họ chỉ thấy xe an toàn dẫn cả đoàn xe diễu hành hơn chục phút sau đó.

tai nạn ở pha xuất phát GP Singapore 2017

tai nạn ở pha xuất phát GP Singapore 2017

Nhưng số lượng các cuộc đua phố ngày càng tăng. Ngoài 2 đường đua truyền thống là Melbourne và Monaco, trong mùa giải 2018 có Singapore, Baku và Sochi. Rất có thể các con phố cổ Hà Nội và Miami cũng sẽ sớm góp mặt trong thời gian ngắn sắp tới.

Ở phía trên chúng ta đã liệt kê những bất lợi của một cuộc đua trên phố, còn mặt lợi thì thế nào. Phải có lợi thì mới có ngày càng nhiều thành phố rào những con đường của mình để tổ chức các cuộc đua chứ.

Không phải chi tiền xây trường đua chuyên dụng là lợi thế đầu tiên. Đặc biệt là ở những quốc gia không có phong trào đua xe. Hãy thử nghĩ xem, cố bỏ hàng trăm triệu đô để xây dựng một trường đua siêu cấp mà mỗi năm chỉ tổ chức được 1 hay 2 cuộc đua tầm cỡ có bằng việc tận dụng những con đường có sẵn. Phí tổ chức sẽ tăng chút đỉnh (tiết kiệm từ tiền xây trường đua sang) nhưng tổng cộng vẫn rẻ chán so với việc xây dựng một trường đua để rồi phải thường xuyên chi tiền duy tu bảo dưỡng cho nó.

Thêm nữa, đơn vị tổ chức một chặng đua phố thường là chính quyền. Họ mới có quyền cấm xe thường và cho phép xe đua chạy trên một con đường nào đó. Mục đích tổ chức của họ cũng khác với các trường đua tư nhân ở Châu Âu-những đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu.

Các quốc gia này không quá quan tâm đến lời lỗ cũng như sự phát triển của môn đua xe nước nhà (vì đâu có tay đua địa phương nào tham gia); cái mà họ quan tâm nhất là quảng bá hình ảnh quốc gia để phát triển du lịch. Thay vì chi một đống tiền cho các kênh truyền hình thì hãy thử tổ chức 1 chặng đua để có cơ sở đánh giá cách nào có lợi hơn.

Có lẽ nếu Monaco không tổ chức F1 hay các giải thể thao quan trọng khác (như golf hay quần vợt) có lẽ thế giới sẽ không biết quốc gia này ở đâu.

Bên cạnh đó còn có những người quyết định tổ chức F1 chỉ vì ý thích của mình (như ở Nga hay các quộc gia trung đông). Những con cá mập đói ăn F1 đặc biệt thích những con mồi như thế.

Hà Nội sắp đăng cai F1?

Chắc chắn sau khi tổ chức, khán giả các mùa giải đầu tiên sẽ rất đông do hiệu ứng thích cái mới, cái hiện đại của đa số người dân địa phương nhưng sau đó họ sẽ cả thèm chóng chán nếu không thường xuyên có các chặng đua sôi động (mà thường là như vậy ở các cuộc đua đường phố). Ở Singapore, năm đầu tiên tổ chức toàn bộ 300.000 vé xem 3 ngày đua được bán hết sạch. Những năm tiếp theo không bao giờ đạt được con số đó nữa. Đáy của danh sách này là năm 2016- chỉ có 218.000 người xem mặc dù Ban tổ chức đã mời tới đây hàng tá các siêu sao ca nhạc đẳng cấp thế giới để thu hút khán giả. Đã có những thông tin không hay về tương lai của chặng đua này. Rất may sau đó Bộ Du Lịch Singapore đã quyết định gia hạn đăng cai đến năm 2021. (có lẽ do khán giả năm 2017 tăng lên thành 260 ngàn người).

Nhưng không có nhiều trường đua kiên trì như vậy: Valencia, Hàn Quốc, tính rộng ra còn có Ấn Độ, Malaysia đã quyết định đường ai nấy đi với F1.

Tuy nhiên các nhà nhà tư bản quản lý môn thể thao này không quan tâm đến những việc này, việc của họ là cố gắng hớt sạch váng trong những năm đầu tiên. Còn có trường đua nào không chịu nổi thì ok… luôn có hơn một tá quốc gia chực chờ được đăng cai những cuộc đua tốc độ nhất hành tinh.

#cungtuy

>>Chủ đề: ,

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "Tại sao các cuộc đua đường phố ngày càng nhiều?". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

Arai Rx-7 Pedrosa 26

Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....