Huyền thoại F1 Chris Amon đã qua đời

icon

chris amon 2016

Đất nước New Zealand vừa mất đi một trong những tay đua giỏi nhất đó là Chris Amon. Ông đã qua đời vào sáng nay (03.08) tại bệnh viện Rotorua sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư, hưởng thọ 73 tuổi. Sự nghiệp đua xe của huyền thoại này kéo dài từ đầu những năm 60 đến giữa những năm 70, thi đấu tổng cộng 96 chặng đua F1, 5 lần giành pole, 11 lần có podium và ghi được 83 điểm ở giải đua oto danh giá này.

Christopher Arthur Amon sinh ngày 20 tháng 7, 1943 là con trai của một gia đình làm nông nghiệp. Từ năm 6 tuổi ông đã được một người chăn cừu ở nông trại dạy lái xe. Chàng thanh niên những năm tháng đó đã miệt mài tìm đọc những bài báo về các giải đua ở châu Âu xa xôi. Năm 19 tuổi giấc mơ thành hiện thực khi tay đua này chuyển tới Anh, bắt đầu sự nghiệp đua xe chuyên nghiệp của mình. Sau 5 năm gắn bó với các đội như Parnell’s team và McLaren, Amon chính thức gia nhập Ferrari vào năm 1967. Tên tuổi của ông được nhớ đến nhiều nhất trong khoảng thời gian 3 năm đua cho đội đua màu đỏ này với  vô số những lần giành được pole và podium, thậm chí đã được coi là “hoàng tử” của các fan cuồng đội đua Ferrari.

Amon cùng với Bruce McLaren và Denny Hulme đã tạo thành bộ 3 tay lái người New Zealand thách thức các trường đua ở châu Âu và châu Mỹ, đồng thời chứng tỏ với mọi người rằng những chú chim kiwi thật sự có thể “cất cánh bay”. Về mặt thành tích trên giấy tờ thì Amon chưa thành công bằng hai người còn lại (McLaren là vừa là một tay đua cừ vừa là một kĩ sư, tên ông cũng được đặt cho đội đua McLaren, còn Hulme đã có trong tay một danh hiệu vô địch thế giới ở giải F1) và huyền thoại này luôn được gắn liền với danh xưng là “một trong những tay đua xuất sắc nhất nhưng kém may mắn nhất”.  Những người đồng đội cùng thời và các ông chủ của các đội đua mà Chris đã tham gia đều công nhận rằng so với McLaren hay Hulme thì ông này sở hữu một tố chất đua thiên bẩm hơn ở khả năng làm chủ tốc độ cũng như dựa vào cảm giác để tìm được thiết lập tốt nhất cho xe chạy nhanh nhất, một người thử xe nhạy cảm với những thay đổi nhỏ nhất của khung xe và lốp. Nhưng tiếc thay, vận rủi cùng những vấn đề của xe về mặt kĩ thuật khiến Amon chưa bao giờ bộc lộ được hết tiềm năng của mình và vì thế chưa bao giờ có được danh hiệu cao quý nhất mà lẽ ra ông rất xứng đáng có được.  Amon từng nói rằng Ferrari chưa từng đáp ứng yêu cầu về một chiếc xe tốt bởi vì họ ôm đồm quá nhiều thứ từ Formula 1, Formula 2, đua xe thể thao , thậm chí là những giải đua nhỏ lẻ khác.  Thất vọng về mặt thành tích khi ở Ferrari đó là lý do chính khiến ông rời đội đua Ý này và gia nhập đội March Racing trong năm 1970.

Khi được hỏi nghĩ thế nào khi mà người ta cứ thường khái quát hóa sự nghiệp F1 của Amon  trong đúng một cụm từ “giỏi nhưng chưa đủ may” thì ông chỉ cười: “Tôi luôn có một câu trả lời “tiêu chuẩn” như sau: có thể mọi người hay ví tôi là anh chàng xui nhất ở thời đại đó, nhưng chính ra tôi lại là người may mắn hơn tất cả những người bạn, đồng đội đua với tôi vào mỗi cuối tuần. Tôi có vài tai nạn nghiêm trọng có thể dẫn đến cái chết luôn đó chứ, nhưng cuối cùng đều tai qua nạn khỏi. Còn những người kia thì kém may hơn, có người chỉ cần một tai nạn thôi đã ra đi mãi.”

Tuy kém may mắn ở F1 nhưng bù lại Chris Amon đã đoạt được vô số cúp ở các giải đua ô tô khác như Silverstone International Trophy, the 1000km Monza, the Daytona 24 Hours, the Tasman Series.  Và điểm sáng lớn nhất trong giai đoạn đua xe thể thao của huyền thoại này đó là giành chiến thắng tại giải Le Mans 24 hours cùng với McLaren vào năm 1966. Trùng hợp là năm nay cũng đúng vào dịp kỉ niệm tròn 5o năm của chiến thắng này.

Sau khi thi đấu ở các đội lớn nhỏ khác nhau thì , sau chặng đua F1 cuối cùng ở Canada năm 1976 , Amon giải nghệ và trở về New Zealand tiếp quản công việc gia đình.  Ông được ghi tên vào bảo tàng danh dự về thể thao của New Zealand vào năm 1995.

Với sự ra đi của Chris Amon, người cuối cùng trong bộ 3 tay đua lừng danh ở F1 của New Zealand thì đây có lẽ là tin tức đau buồn nhất trong ngày của làng F1. Rất nhiều lời chia buồn được gửi tới gia đình tay đua này, đặc biệt nhất là từ Ron Dennis, chủ tịch hiện thời của đội McLaren: ” Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất của tất cả 3300 nhân viên tại McLaren đến một người New Zealand vĩ đại, một quý ông , một trong những tay đua nhanh nhất. Mãi mãi chỉ có một và duy nhất: Christopher Arthur Amon.”

-cacom-

--

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "Huyền thoại F1 Chris Amon đã qua đời". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Fanpage Thể thao tốc độ
Tin tức
    Tin tức
      Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

      Arai Rx-7 Pedrosa 26

      Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....
      Góc thông tin