Cách lập fastest lap tại Monte Carlo

Các tay lái của chúng ta hiện đã có mặt tại trường đua Monte Carlo để chuẩn bị cho cuộc đua nhàm chán nhất trong năm nhưng lại giàu tính truyền thống vào loại bậc nhất lịch sử đua xe F1.

Có hai điểm khác biệt so với mọi trường đua khác là Monaco GP tổ chức hai lượt chạy thử đầu tiên vào ngày thứ 5 thay vì thứ 6 như thông thường, để đảm bảo giao thông không bị gián đoạn quá nhiều. Ngoài ra, ba tay lái về đích đầu tiên sẽ nhận Cup trước rồi mới được nghe quốc ca.

Sơ đồ đường chạy tại Monaco.

Từ đường thẳng chính ở số 6, tốc độ 270km/h, về số 3 để vào khúc cua đầu tiên-T1, Saint. Devote, một khúc cua phải 90 độ. Chúng ta cần chạy sát tường rào bên trái trước khi phanh bởi khúc cua này rất hẹp. Nơi đây thường xảy ra tai nạn lúc xuất phát. Ở T1 có một hàng cây, phía bên phải gần hàng rào, chúng bóng tỏa xuống đường, và mặt đường thì lại hơi nghiêng về bên phải . Trong khi đó, đây lại là nơi phải đạp phanh nên điều này có thể khiến mặt đường trở nên hơi ẩm một chút, từ đó ảnh hướng tới độ bám của xe đua. Nên khi phanh tại đây ta phải hết sức cẩn thận. Đoạn đường sau đó hướng lên dốc, dẫn tới T2 khá sóc. Khi qua T2 , phải cố gắng điều khiển xe chạy theo một đường thẳng nhất có thể.

Qua T2, khi lên đến đỉnh dốc Massanet, T3, có cảm giác xe rất nhẹ, đến lúc nhận thấy cả chiếc xe như thể đang “hạ cánh”, đó là lúc cần đạp phanh ngay. Cảm giác “hạ cánh” ấy hoàn toàn không khó để nhận ra. Vì đoạn đường trên đỉnh dốc không bằng phẳng, có một chỗ hơi nhô lên. Và đó là dấu hiệu, ta chỉ cần chờ sắn, đến khi xe cán qua chỗ này là phanh luôn. Vấn đề ở đây là phải vừa đánh lái, vừa đạp phanh. Nhưng không được phanh quá thô bạo nếu không muốn xe mất ổn định, vì đuôi xe sẽ trở nên khá nhẹ, rất dễ va vào tường chắn. Khúc cua T3 này rất khó, nhất là về cuối chặng đua thời điểm lốp bị vón cục bề mặt và có nhiều vụn lốp vương vãi trên mặt đường đua, nó đòi hỏi rất nhiều tự tin để tiếp cận thành công. Chúng ta có thể sẽ lao vào tường trước khi kịp nhận ra là mình vừa mắc lỗi tại đây. Trong khi đó, vẫn buộc phải cố chạy thật sát kerb (lề đường), đặc biệt là ở đoạn giữa khúc cua, để giữ đúng làn đường vào T4.

Tiếp theo là T4, ngay trước cửa Casino, từ khi hệ thống Kiểm soát lực kéo bị loại bỏ khiến cho việc kiểm soát sức mạnh của xe qua T4 trở nên khó hơn. Đoạn này khá đặc biệt, mặt đường phía bên trái hơi vồng lên, đó là lí do tại sao tất cả các tay lái khi qua đây đều phải lượn sang phải, nhằm tránh việc bị chạm gầm xe. Nhưng cách mỗi người vào khúc cua này khác nhau, người thì lượn cả xe sang phải, người chỉ lượn nửa xe, vừa đủ để tránh cho hệ treo bị tổn thương. Nếu lượn hết cả thân cả xe, nghĩa là bạn đã tự tạo ra thêm một chicane (khúc cua hình chữ chi) – thứ vốn đã có quá nhiều tại trường đua này, bởi sau đó xe cần quay lại làn đường bên trái để chuẩn bị cho một khúc cua phải tiếp theo.

Casino tại Monte Carlo, khúc cua số 4 nằm ở đây.

Mở đầu phần 2 – phần chậm nhất trong lịch đua là T5. Khúc cua này hơi dốc, tay lái đạp phanh thật mạnh trước khi vào cua và phải kiên nhẫn chờ bởi lúc đầu front end rất nhẹ, sau đó nó bám đường rồi thì mới có thể bắt đầu nhấn ga.

Khi qua T5, xe sẽ tới một hairpin (khúc cua gắt), đây là khúc cua gắt nhất trong tất cả các trường đua hiện tại. Và vì nó quá gắt nên nhiều đội phải thiết kế lại vô lăng và hệ thống treo của xe để thích ứng. Hairpin này rất gắt nhưng thực tế vẫn có cơ hội vượt, nếu mật độ xe đông đúc ở đây. Các thao tác mà đôi tay phải thực hiện trước và sau khi qua hairpin này cần phải rất nhanh gọn, dứt khoát, và chính xác. Và nhớ rằng đừng lỡ tay bấm nhầm phải nút nào đó trên vô lăng, bởi vào cua này ta sẽ phải đánh hết lái.

Khúc cua có tốc độ thấp nhất lịch đua.

Sau đó là Mirabeau Bas, cực kỳ dễ bị văng đuôi tại đây sau khi leo kerb. Nhưng trớ trêu là chúng ta nên cho xe cán lên kerb nhiều nhất có thể, để giảm bán kính khúc cua.

Sau T7, ta thậm chí sẽ chẳng có đủ thời gian để thở một nhịp bởi ngay kế tiếp là T8, Portier, khúc cua này cực khó vì khoảng cách vô cùng hẹp giữa xe và hàng rào. Tuy vậy, quá trình thoát Portier lại rất quan trọng do sau đó chúng ta sẽ bước vào một đoạn đường hiếm hoi trong cả trường đua có thể đạp ga hết cỡ. Đoạn này nổi tiếng nhất ở Monte Carlo, và là nơi duy nhất mang đến cơ hội vượt nhau, dù chỉ trên lý thuyết là chủ yếu: Đường hầm !

Khi chạy qua hầm, xe sẽ mất tầm 20-30 % lực nén do đăc tính khi động học trong hầm khác trên đường đua. Nếu trời đổ mưa thì sẽ là một vấn đề bởi toàn bộ phần còn lại trên đường đua ướt sũng, riêng đường trong hầm thì lại khô. Năm 1984, trời mưa, thậm chí Bernie Ecclestone còn phải cho đổ nước ra đường hầm để xóa đi sự khác biệt này. Trong đường hầm có T9, với đỉnh khúc cua rất hẹp và nằm sát tường. Điều này hay gây cảm giác “cóng” cho những ai mới đến đua lần đầu ở Monte Carlo. Họ thường mất khoảng 4 đến 5 vòng chạy thử để làm quen với T9 rồi mới có đủ cam đảm để đạp hết chân ga khi chạy qua hầm. Chưa kể là cường độ ánh sáng thay đổi đột ngột trước và sau khi qua hầm cũng có thể gây ra khó khăn cho chúng ta, vì mắt chưa điều tiết kịp.

Nhưng từ năm ngoái, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn một chút vì có một khách sạn lớn mới được xây ở ngay lối ra đường hầm. Nó sẽ tỏa bóng, che bớt ánh nắng, trong khi mắt chưa kịp quen với sự thay đổi độ sáng khi vừa từ trong hầm chui ra.

Đường hầm nổi tiếng nhất trong lịch đua.

Vùng phanh sau đó hơi mấp mô và dốc nên việc khóa một bánh trước khá đơn giản. Ngoài ra, sau khi thoát hầm ra chicane rất dễ bị tai nạn. Trong quá khứ, khi chưa có các tiếng “bíp” hỗ trợ quá trình đạp phanh (thực ra là để tiết kiệm xăng), các tay đua của chúng ta thường gặp khó khăn trong việc tìm điểm phanh bởi nó bị khuất sau hàng rào. Tốc độ tối đa khi ra khỏi hầm chỉ khoảng 280 km/h. Về lý do gọi cơ hội vượt tại đây là khó khả thi dù là điểm ‘’dễ’’ thực hiện nhất ở Monaco, bởi nó thường chỉ đến khi xe phía trước gặp vấn đề về lực kéo do lốp mòn. Còn không, ta sẽ chẳng tận dụng được gì, dù có cố gắng đến mấy và sở hữu chiếc xe khỏe hơn.

Sau đó một đoạn, vượt qua T12, phần tiếp theo mang tên “Swimming Pool”, khá thú vị bởi nó bao gồm một chicane tại tốc độ cao, số 5, 225km/h. Xe sẽ hơi nẩy lên trên kerb và ta sẽ bị understeer một chút khi mới ôm cua. Các tay lái có xe đua tốt có thể vượt qua chicane này mà không cần phải nhả chân ga. Tương truyền tại chicane này 15 năm về trước, Michael Schumacher từng khiến cho nhà VĐTG năm 1996 Damon Hill phải khiếp sợ vì một kỹ thuật “đi trước thời đại”. Kỹ thuật ấy là gì, và nó lợi hại tới mức nào mà Hill phải nể phục đến mức không dám tiết lộ với nhà báo, (Monaco GP 1999, Hill bỏ cuộc và sau đó ra đứng quan sát cuộc đua với phóng viên tại phần đường đua Swimming Pool) thethaotocdo sẽ cùng với quý độc giả khám phá vào một ngày gần nhất.

Những hình ảnh rất quen thuộc tại Swimming pool.

Trở lại với đường chạy, khúc cua số 18 là điểm phải chú ý. Với Rascasse, T18, đôi khi chúng ta chạy qua đây, quệt bánh sau bên trái vào hàng rào mà không hề hay biết. Bởi xe rất dễ bị trượt bánh sau hoặc văng đuôi tại Rascasse.Thử thách cuối cùng, T19 phải cẩn thận, nó là khúc cua cầu kỳ nhất tại Monaco. Không được vào cua quá nhanh bởi cần một cú thoát cua hoàn hảo cho đoạn thẳng chính sau đó. Thêm nữa, cả hai bên đường đều có tường chắn, rất hẹp. Khúc cua cuối này yêu cầu rất nhiều lực kéo.

Nói chung, vì có quá nhiều khúc cua nên ở Monaco, sức mạnh động cơ không có nhiều đóng góp, mà thứ tối quan trọng phải là lực kéo, bởi chúng ta luôn phải đạp ga để tăng tốc trong các quãng đường rất ngắn. Khả năng vượt mặt đối thủ là rất thấp, năm ngoái ta đã từng thấy Hamilton “chấp” Ricciardo một mặt mà tay đua của Red Bull vẫn không vượt được, hoặc như trường hợp của Bianchi khi anh phòng ngự thành công trước chiếc Lotus của Grosjean-điều sẽ không bao giờ xảy ra ở các trường đua khác. Trong khoảng mười năm trở lại đây, chỉ có một người duy nhất dành pole mà không thắng chặng, đó là Massa năm 2008. Do vậy, hãy cố gắng là người nhanh nhất tại Q3, triển vọng thành công sẽ cao hơn đáng kể !

GL550

>>Chủ đề: cách lái, GP Monaco,

>>Cám ơn bạn đã đọc hết bài "Cách lập fastest lap tại Monte Carlo". Mời các bạn xem thêm các bài viết khác trên website Thể thao tốc độ.

Tin tức
    Tin tức
      Sản phẩm mới nhất trên Shop Tốc độ

      Arai Rx-7 Pedrosa 26

      Arai Rx-7 Pedrosa 26, mũ bảo hiểm Arai phong cách Dani Pedrosa có giá khoảng 13 triệu đồng....