Nhật ký Mexico 15: “…chẳng có gió máy gì hết chơn.”

Hơn 11 vạn khán giả đã có mặt tại trường đua để đón chào sự trở lại của Mexico GP sau rất nhiều năm biến mất khỏi lịch trình hàng năm của F1. Nhưng có thể nói, chất lượng cuộc đua chưa thực sự tương xứng với sự kỳ vọng của người xem. Ngay trước […]

Thể thao tốc độ xuất bản ngày

Hơn 11 vạn khán giả đã có mặt tại trường đua để đón chào sự trở lại của Mexico GP sau rất nhiều năm biến mất khỏi lịch trình hàng năm của F1. Nhưng có thể nói, chất lượng cuộc đua chưa thực sự tương xứng với sự kỳ vọng của người xem.

Ngay trước giờ khai màn, Raikkonen bất ngờ thay động cơ, chấp nhận bị trừ tổng cộng 30 vạch xuất phát nhưng anh xuất phát ở vị trí thứ 19, bởi chiếc xe đội sổ cả đoàn là Button bị trừ tới bảy chục vạch. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề quá lớn bởi Raikkonen dùng lốp trắng và cuộc đua trước mắt là rất hứa hẹn cho anh…

Khi Charlie Whiting ấn nút tắt đèn, 20 tài xế lao đi trong nháy mắt. Và khác với mọi khi, Rosberg – người trước đó chỉ có thể dành hai chiến thắng trong mười lần gần nhất dành pole, đã không bị Hamilton cho về nhì ngay sau khúc cua đầu tiên bởi nhà ĐKVĐ bị trượt bánh nhẹ do xuất phát trên làn bẩn, nơi có ít độ bám hơn. Biến cố nổ ra khi Ricciardo và Vettel sớm gây hấn với nhau, hậu quả là chiếc SF-15 nổ lốp, sự cố đầu tiên trong một buổi chiều thất bại toàn tập cho Ferrari.

10612904_1161076900588599_7253731933428309037_n

Chặng đua nghèo nàn nhất của Ferrari trong 10 năm qua.

Tầm này tám năm về trước, McLaren bùng nổ trong chiến thắng trước Ferrari ở cuộc chiến dành danh hiệu cá nhân được nhìn nhận là có kết thúc kịch tính nhất lịch sử F1. Nhưng bây giờ thời thế đã đổi thay nhiều quá… Alonso, dù vừa thay vài phụ kiện động cơ hôm trước, thì đêm thứ 7 lại phát hiện ra MGU-H trục trặc, đến sáng chủ nhật thì khẳng định là nó đã hỏng hẳn và do vậy không đủ thời gian để thay. Anh đã biết mình khó có thể chạy quá…1 vòng, nhưng vì người hâm mộ, vẫn cố đánh xe ra tham dự chặng đua và theo lời anh là ít nhất thì cũng “Trải nghiệm được ba khúc cua đầu”, thời điểm các xe còn cạnh tranh nhau quyết liệt cho từng vị trí.

Hermanos là một sân đua có thiết kế tương đối lạ thường. Họ bố trí chỗ ngồi cho cả mấy vạn người, tức là bằng cả một sân bóng đá, quanh một tổ hợp khúc cua tốc độ khá thấp và do đó rất ít khi được chứng kiến các pha vượt mặt (thực tế thì người hùng bản địa Perez có vượt được hai lần tại đây, nhưng đều là do các đối thủ mắc lỗi). Bên cạnh đó, mang tiếng là đoạn đường thẳng chính dài những 1.2km nhưng quả là không dễ để các tài xế của chúng ta vượt nhau.

Ngay từ vòng 4, khi xe vẫn còn rất nặng do đầy xăng, với DRS và slip-stream, Massa đã phóng tới 365 km/h mà không thể vượt được Verstappen dẫu tài xế U18 của Toro Rosso chỉ có động cơ Renault.

12189596_1079036952121263_4130290793116012286_n

Đây là một chặng không thực sự thành công cho họ, dành P9 và P13.

Ở nhóm trên, Hamilton và Rosberg hơn kém nhau không nhiều, chỉ khoảng 1-3 giây. Suốt cả chặng đua họ giằng co nhau trong khoảng cách giao động ở tầm ấy. Trong khi đó, mọi chuyện tiến triển rất tốt với Raikkonen ở cuối đoàn khi anh sớm bắt đầu công cuộc lội ngược dòng của mình. Thậm chí, dù chỉ xuất phát từ P19, ở thời điểm giữa chặng đua, Ferrari đã có những tính toán cho Raikkonen để tấn công Kvyat, người chiếm…P3. Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi ở nửa đầu chặng đua, rất nhiều tay lái gặp khó khăn với độ bám trên lốp sau, ngoại trừ Raikkonen, vì anh dùng lốp trắng, loại lốp có thể dễ dàng hoạt động trên bề mặt đường đua có nhiệt độ thấp hơn mức lý tưởng.

Theo tính toán, nếu pit một lần thì các xe sẽ vào lần đầu ở tầm vòng thứ 30 còn chiến thuật hai pit sẽ hoạt động với các stint lần lượt là ở vòng 23 và 46. Thực tế thì phần lớn chỉ định dùng 1 pit, do sân đua có mặt dường rất mịn, độ bám kém nên không làm mòn lốp nhiều.

Tuy nhiên, Williams lại tạo đột biến sớm khi điều hai xe vào ngay từ vòng 9 và 10. Có lẽ họ đánh lén bộ đôi Red Bull phía trên, hoặc chủ động đối phó với Raikkonen ở cuối chặng. Đây có vẻ như là một quyết định không thực sự chuẩn xác của Williams, bởi Red Bull giữ lốp cực tốt, đến khoảng vòng 15 vẫn lập được thành tích cá nhân tốt nhất qua từng vòng chạy. Nghĩa là dù sau này Williams có đánh lén được Red Bull đi chăng nữa, họ vẫn phải pit thêm lần nữa và về cuối chặng vẫn chưa chắc vượt lại được, bởi vượt nhau ở đây không hề dễ.

Ricciardo đang tính nước sang thể thức Nascar “tị nạn” trong trường hợp Red Bull bỏ giải mùa tới.

Vòng 18, Vettel tiếp nối một chiều đua ác mộng bằng cú văng đuôi như trời giáng, đẩy anh từ P11 xuống tận P16. Anh trượt khá nhiều trong cú văng đuôi này, để lại hậu quả là các vết mòn trên lốp khiến Vettel cảm thấy khá khó chịu khi lái xe về sau, bởi các vết mòn trên lốp làm xe rất rung khi vào cua.

Sau đó vài vòng là vụ xô xát của hai người Phần Lan với nhau, khi Bottas táo bạo tranh chấp trong không gian hẹp tại T5 đến tận những khoảnh khắc cuối cùng, khi nhận thấy Raikkonen không mở đường cho mình anh mới khóa bánh trên lề đường, chứ nhất định không chịu chạy lên lề  (sẽ tránh được tai nạn). Còn Raikkonen cũng không phải dạng vừa khi kiên quyết thoát cua thật gắt để ép đàn em đồng hương buộc phải bỏ của chạy lấy người.

Như câu chuyện hai con dê đi qua một cái cầu vậy, không con nào chịu nhường nhau. Nhưng kết cục thì có hơi khác, lần này đến lượt Raikkonen lãnh hậu quả khi anh gẫy treo sau và buộc phải dừng cuộc chơi với rất nhiều cơ hội phía trước có thể tận dụng được. Ở Liên Xô, Bottas mất podium vì cú đâm của Raikkonen, bây giờ, đến lượt Raikkonen mất podium vì ẩu đả với Bottas. Có lẽ họ sẽ khó có một mối quan hệ thật tốt về lâu về dài…

kimi-bottas-contact

Họ đã đâm nhau hai lần trong ba chặng gần nhất.

Càng về nửa sau chặng đua, dấu hỏi lớn nhất được đặt ra hướng về phía Williams, liệu hai xe của họ có chịu được đến hết chặng trên một bộ lốp thay từ rất sớm ? Câu trả lời có lẽ là không!

Bởi sau khi vào pit, Kvyat vẫn giữ được vị trí, còn Ricciardo đã bị cả Massa và Bottas đánh lén, nhưng tay lái của Úc càng ngày càng thu hẹp được khoảng cách đáng kể so với Massa. Còn ở trên, Bottas không thể tiến lại gần Kvyat.

Phía trên, Mercedes trước đó có nói với Rosberg là anh không cần thay lốp thêm nhưng tới vòng 47 họ lại bất ngờ gọi ra để điều Rosberg vào. Đây là một pit stop miễn phí của Mercedes, bởi khoảng cách họ tạo ra đã đủ lớn để triệt tiêu bất cứ mối đe dọa nào tới từ phía sau.

Rosberg tuân lệnh luôn, nhưng Hamilton thì lưỡng lự. Đội thợ máy của Mercedes lũ lượt kéo nhau ra dàn trận hết sức chỉnh tề để nghênh đón Hamilton nhưng bị một phen “việt vị” tẽn tò, khi nhà ĐKVĐ phóng một lèo qua đường thẳng luôn mà không thèm để ý đến yêu cầu của đội đua để pit.

12195097_1071564312924896_7703052943560403502_o

Suýt nổi loạn…

Sau đó, anh liên tục chất vấn đội đua rằng tại sao lại phải pit, rồi thì lốp của anh vẫn còn bền cơ mà. Có lẽ lúc này, do thấy Rosberg đã vào, mình lại một mình một đường và từ giờ đến cuối mùa vẫn còn mục tiêu san phẳng kỷ lục 13 lần thắng chặng nên Hamilton bỗng… nổi lòng tham.

Tuy nhiên, dẫu sao thì anh cũng đã VĐTG từ tuần trước, và vừa trải qua cuộc “mũ chiến” với Rosberg trong cánh gà podium chặng Liên Xô nên Hamilton cũng chẳng muốn làm mối quan hệ thêm căng thẳng và đành pit. Anh đã cân nhắc đến những mét đường cuối cùng rồi mới đánh lái để rẽ vào pit.

Biến cố cuối cùng của chặng đua diễn ra tại vòng 52, khi Vettel phanh lỗi và lao vào hàng rào tại chính nơi anh mất lái lần trước. Đây chắc chắn là chặng tệ hại nhất trong mùa đua này của Vettel, khi mắc tới ba lỗi lớn (trước đó có một lần cố out-brake để vượt Maldonado nhưng phanh quá muộn và lao khỏi đường chạy, rất may là chỗ đó trải nhựa và không có hàng rào…).

Sau đó SC phải vào để dẫn đoàn đua. Đây là một may mắn lớn cho Williams, khi họ có thể chớp thời cơ để thay lốp lần thứ hai, nếu không chắc chắn sớm muộn gì Ricciardo cũng bắt được Bottas trên bộ lốp mới hơn tới 16 vòng. Williams điều Massa vào trước, để Bottas chạy thêm một vòng rồi mới gọi. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn, bởi nó giúp Bottas giữ được vị trí trên đường chạy.

Kết quả chung cuộc.

Trái ngược với Williams, Red Bull thay lốp vàng cho các xe đua của mình. Như ở trên đã nói, khi nhiệt độ đường đua thấp hơn mức lý tưởng thì lốp trắng mới là chọn lựa tối ưu. Khi SC sắp rút lui, lơ xe của Bottas nhận thấy điều này và dự đoán rằng Kvyat ở phía trên sẽ gặp khó khăn trong quá trình làm nóng lốp, nên Bottas cần phải giữ nhiệt để tranh thủ tấn công lập tức, ngay khi SC rời đường đua.

Thực tế đã diễn ra đúng như kế hoạch của Williams. Khúc cua cuối cùng là một hiểm địa thực sự với những chiếc xe dùng lốp vàng không đủ nhiệt, khi nó rất trơn và yêu cầu lực kéo tốt. Kvyat đã bị trượt tại đây và bị Bottas phát hiện, và, anh chỉ cần có thể để lên podium lần thứ ba năm nay!

Rosberg cuối cùng cũng ghi được mộ bàn danh dự, anh mừng đến nỗi chạy một mạch đi cân mà quên không đem theo đủ đồ nghề. Sau cú mất lái khiến anh chứng kiến cảnh Hamilton đăng quang sớm tại Liên Xô, Rosberg đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả cho thấy, lúc đó có một cơn gió mạnh bất ngờ thổi tạt qua xe khiến Rosberg bị trượt bánh sau.

Khi vào phòng họp báo để trả lời phỏng vấn sau chặng, khi được hỏi về Rosberg, Hamilton tấm tắc khen: “Công nhận là gã Nico hôm nay chạy rất tốt, nào là không mắc lỗi này, rồi thì là cũng chẳng có gió máy gì hết chơn…”

GL550

Tin liên quan: