Nhật ký Singapore 2015: Verstappen bị phụ huynh dọa “thiến”
Vâng, như vậy là các tay lái của chúng ta đã kết thúc 61 vòng chạy dưới ánh đèn lung linh của vịnh Marina với khá nhiều diễn biến kịch tính nổi cộm với sự tự tin về khả năng thắng chặng của Hamilton cũng như màn lội ngược dòng xuất sắc của Verstappen. Tuy […]
Thể thao tốc độ xuất bản ngày
Vâng, như vậy là các tay lái của chúng ta đã kết thúc 61 vòng chạy dưới ánh đèn lung linh của vịnh Marina với khá nhiều diễn biến kịch tính nổi cộm với sự tự tin về khả năng thắng chặng của Hamilton cũng như màn lội ngược dòng xuất sắc của Verstappen. Tuy nhiên, cục diện cuộc đua, cũng như nhiều năm qua, đã được xe SC đạo diễn hoàn toàn.
Xe an toàn luôn chứng tỏ được vai trò rất lớn trong việc quyết định kết quả chung cuộc.
Bắt đầu với cú đề pa, Vettel dù xuất phát ở làn đường có nhiều độ bám hơn, đã tỏ rõ sự thận trọng bằng cách đỗ xe hơi chéo sang bên trái (nơi có chiếc Red Bull) để chuẩn bị sẵn cho kịch bản phải đánh chặn Ricciardo. Tuy nhiên, đây là màn xuất phát khá êm ả, cả đoàn đua không có vụ lộn xộn nào, nhóm đầu hầu như giữ được vị trí trong khi ở phía sau, Hulkenberg đã có cú xuất phát tốt khi vượt được hai xe. Mọi diễn biến xấu chỉ có Verstappen phải gánh chịu khi chiếc xe chết máy và cậu buộc phải chờ các thợ máy đẩy vào pit đề khăc phục sự cố. Thao tác này khiến Verstappen mất tới vài phút, và khi trở ra chiếc xe số 33 đã bị cả đoạn đua bỏ cách tới hai vòng. Quả là một khởi đầu mang nhiều điềm xấu tới chặng đua của Verstappen !
Từ các kết quả chạy tập, Ferrari biết rằng Ricciardo thậm chí còn nhanh hơn cả mình. Đây là là trường đua rất khó vượt mặt trực tiếp, do vậy chắc chắn đội đua nước Ý hiểu rằng mọi canh bạc của Ricciardo đều dồn vào SC và nhất là các kế hoạch đánh lén trong pit. Để tự đảm bảo an toàn cho mình, Vettel phải thiết lập được khoảng cách tối thiểu là khoảng 4s để dập tắt mọi ý đồ đánh lén của Red Bull. Do đó, Vettel đã sớm tăng tốc và đến khoảng vòng 5 là anh đã hoàn thành chỉ tiêu 5s nhằm chủ động phòng ngự từ xa. Ở phía sau, với một chút lợi thế từ động cơ, Raikkonen bám sát Ricciardo chờ cơ hội trong khi thứ tự giữa Kvyat, Hamilton, Rosberg không có gì xáo trộn.
Vettel đã có chiến thắng thứ 4 rất hoàn hảo tại Singapore.
Trong giai đoạn từ lúc này cho tới khi thời điểm pit lần đầu sắp diễn ra, khoảng cách giữa Vettel và Ricciardo luôn dao động trong tầm 5s. Nhưng càng về sau Vettel càng chậm tại sector 1 trong khi lẽ ra (và thực tế trước đó) anh luôn nhanh hơn đáng kể bởi ở đây có đoạn đường thẳng và máy Ferrari thì đường nhiên khỏe hơn. Điều này cho thấy Vettel gặp vấn đề với lực kéo bởi sector 1 có các khúc cua số 3 và 5 là xe cần phải tăng tốc sau khi thoát cua.
Đến vòng 12, khoảng cách đã được Ricciardo rút ngắn xuống chỉ còn 3.6s còn Kvyat cũng kém Raikkonen có 2.5s. Red Bull lúc này đã sẵn sàng cho hai kế hoạch đánh lén của mình khi điều Kvyat vào trước, ở vòng 13. Nhưng mọi chuyện lại không đi đúng kế hoạch của đội đua Áo bởi Massa cũng vào pit vòng này, và khi trở ra anh va chạm với Hulkenberg ở cuối lối ra pit khiến xe Force India mất lái và lao vào tường. Sau khi hội ý, các trọng tài quyết định dành hình phạt trừ 3 vạch xuất phát cho Hulkenberg tại chặng đua Nhật cuối tuần này. Đây là quyết định khá khắt khe cho Hulkenberg bởi nhiều người nhìn nhận đó chỉ là một tai nạn chứ không có lỗi của ai cả.
Massa bị xịt lốp sau tình huống này và sau đó phải bỏ cuộc vì hỏng hộp số.
BTC bật tín hiệu xe an toàn ảo VSC lên để các xe phải giảm tốc độ (khoảng 35% ) khi chạy qua khúc cua số 3 này.
Tận dụng cơ hội trên, rất nhiều chiếc xe, gồm toàn bộ nhóm đầu, đã lập tức vào pit. Như vậy là âm mưu đánh lén của Red Bull đã bị phá sản hoàn toàn. Thậm chí Kvyat không những chẳng đụng được tới Raikkonen mà còn đen đủi hơn ở chỗ anh vào pit ngay trước khi có VSC nên sau đó ,khi các xe Mercedes pit xong thì họ…vượt qua Kvyat luôn để chiếm P4 và P5.
Nhận thấy xe an toàn ảo là chưa đủ để đảm bảo công việc dọn dẹp cho đội hậu cần, BTC quyết định điều xe an toàn thật và để dẫn dắt đoàn đua. Toàn bộ quá trình gián đoạn kéo dài 6 vòng và như vậy thì lúc này mọi toan tính 3 pit của các đội gận như đã không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Thêm nữa, trong khi mọi xe Ferrari và Red Bull đều thay lốp đỏ ở lần pit trên thì hai chiếc W06 lại dùng lốp vàng ở ‘’stint‘‘này. Đây là khái niệm mới xuất hiện lần đầu trong các bài viết Nhật ký cuộc đua của TTTĐ.
“Stint” là thời gian và số lần sử dụng các bộ lốp. Mỗi stint tương đương với một bộ và số stint bằng số lần pit cộng 1. Ví dụ, một xe pit hai lần thì có nghĩa là anh ta dùng ba bộ lốp, tương ứng với 3 stint. Còn độ dài (tính theo vòng) của mỗi stint thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại lốp, chiến thuật pit hoặc trình độ giữ lốp của tay đua.
Mercedes đã có nhiều toan tính trong chặng đua để gỡ gạc lại sự thất thế từ vị trí xuất phát.
Chúng ta trở lại đường chạy. Với sự có mặt ngoài dự kiến của SC, rõ ràng điều này vô tình tạo lợi thế cho Mercedes bởi họ có thể kéo dài stint 2 so với đối thủ (vốn dùng lốp đỏ nên stint sẽ ngắn hơn bởi lốp đỏ cho độ bám cao hơn lốp vàng nên sẽ nhanh mòn hơn). Và ở cuối chặng, khi Mercedes lắp lốp đỏ lên, Ferrari và Red Bull sẽ phải dùng lốp vàng vừa chậm hơn lại vừa cũ,vì stint dài hơn, thì triển vọng thành công của Mercedes là khá lớn.
Biết mình đã ở thế nắm đằng chuôi so với Mercedes, nên sau khi SC rút lui ở vòng 19, Vettel cố kéo dài stint với bộ lốp đỏ hiện tại bằng cách chạy cầm chứng để giữ lốp. Do đó, cả Ricciardo và Raikkonen ở phía sau đều áp sát anh khá gần, ở khoảng cách ổn định tầm 0,7s. Đây là cách biệt đủ để đặt Vettel vào thế chủ động khi anh vừa có thể giữ lốp cho mình mà lại vừa có thể phá lốp Ricciardo. Bởi với 0,7s, chiếc Red Bull sẽ lọt vào vùng khí nhiễu loạn thoát ra từ xe Vettel nên chắc chắn sẽ bị trượt bánh nhiều hơn. Mà đường đua thì quanh co khó vượt, bản thân động cơ Renault cũng chẳng thể chọi lại Ferrari (dẫu có DRS) dù ở ngay phía sau 0,7s nên Vettel cũng chẳng lo lắng rằng người đồng đội cũ có thể gây khó dễ cho mình.
Vả lại, với việc phong tỏa Ricciardo thế này, nếu ông chiến hữu Raikkonen ở phía sau tận dụng được thời cơ để vượt chiếc Red Bull thì có khi lại càng hay cho Vettel lẫn Ferrari.
Quá trình giữ lốp của Vettel diễn ra khá lâu, kéo dài suốt 7 vòng liên tục, đến vòng thứ 25 thì anh mới bắt đầu bứt lên.
Chặng đua có rất ít biến cố ở nhóm đầu.
Ở vòng 26, Hamilton gặp rắc rối lớn và điện về cho đội báo rằng chiếc xe mất năng lượng. Các kỹ sư sau khi xem xét mọi cảm biến thấy ERS vẫn hoạt động tốt nhưng không hiểu sao ngoài đường đua Hamilton tụt dần từ vị trí thứ 5 xuống sâu hơn . Lúc này hai bên trao đổi liên tục. Bonnington hỏi lại hay là có khi chân ga bị hỏng . Hamilton nói không rõ và cho rằng mình có đủ tốc độ để thắng chặng này nên đội đua cần làm gì đó thật nhanh chóng để tình hình có thể cải thiện. Đáp lại, Bono động viên rằng anh có thể chiến thắng bằng chiến thuật. Tuy nhiên, mọi thứ dần trở nên tồi tệ khi Hamilton lúc này đã trôi ra khỏi top 10. Và cuối cùng, ở vòng 34, một kết quả cay đắng: nhà ĐKVĐ buộc phải dừng cuộc chơi ! Sau cuộc đua Mercedes có tiết lộ nguyên nhân là do một bộ phận trong hệ thống tản nhiệt của xe đã bị gẫy.
Thời điểm này, người hoan hỉ nhất chắc chắn là Rosberg. Bởi nếu mọi chuyên đi đúng kế hoạch thì anh có thể thoải mái tấn công ba chiếc xe phía trên như chiến thuật đã quán triệt từ lần pit đầu,với quyết định chạy lốp vàng qua đó sẽ rút ngắn được khoảng cách đáng kể so với Hamilton trên BXH. Nhưng trớ trêu thay, niềm phấn khởi của Rosberg ngắn chẳng tày gang. Đến vòng 37, BTC bất ngờ bật thông báo sẽ điều SC vào đường chạy ngay. Không ai biết nguyên nhân tại sao, các máy quay cả trên trời lẫn dưới đất đều không bắt được hình vụ tai nạn nào.
Khi khán giả vẫn còn ngơ ngác, tivi bật radio của Vettel lên, với giọng nói hốt hoảng của anh: “Có một gã ma cà bông trên đường chạy !!”.
“Ma cà bông” này vừa chạy sang từ bên trái – làn đường xe chạy. Một tình huống rất nguy hiểm !
Đến lúc ấy thì mọi chuyện mới sáng tỏ. Trên màn hình, tất cả thấy rõ có một người đàn ông lững thững rảo bước trên đường đua. Không ai biết anh ta làm cách nào để có vượt qua các hàng rào cũng như con mắt của mọi nhân viên hậu cần được cắm rải rác khắp trường đua . Có lẽ đây là một người có tinh thần không bình thường, bởi anh chàng có dáng đi rất thong thả, không có biểu hiện phá đám cuộc đua . Ngay sau đó cảnh sát đã bắt giữ người này. Sau cuộc đua, một trong số 7 xe đi qua đã nhìn thấy người lạ mặt trên, có chia sẻ :”Hắn mò vào đường chạy để quay phim có chết tôi không chứ !!”
Và như đã nói ở trên, khi SC được điều động, người mất nhiều nhất chính là Rosberg. Bởi SC vào ở vòng 37 và vào pit lúc này là điều Rosberg không thể không làm bởi đây là một pit “miễn phí” (khái niệm “free pit stop” dùng để chỉ những lần pit khi có SC bởi tay đua sẽ chẳng mất gì khi vào pit do các xe khác cũng vậy). Tại sao nó là pit miễn phí ?
Theo như tính toán từ trước chặng, những xe đua theo chiến thuật hai pit sẽ vào thay lốp lần chót (lốp vàng) ở vòng thứ 36 là có thể chạy tới hết chặng. SC xuất hiện ở vòng thứ 37, tình cờ lại trùng khớp với thời điểm lý tưởng để thay lốp vàng, do trước đó đã có một lần SC nên hầu như tất cả đã chuyển sang chiến thuật hai pit.
Như vậy, tất cả đều dùng chung một loại lốp thì sẽ chẳng có thời cơ nào cho Rosberg để tấn công nhóm trên cả. Nếu Hamilton có còn trên đường đua đi nữa thì số phận cuộc đua cũng không như anh và đội tính toán, nghĩa là họ có đủ tốc độ hoặc chiến thuật đủ tốt để thắng chặng.
Đây không phải là một ngày đáng nhớ với Mercedes.
Top ba từ thời điểm này coi như đã an bài. Sự hấp dẫn giờ chỉ còn tập trung vào màn lội ngược dòng của Verstappen – tay đua xứng đáng nhất với mọi lời tuyên dương trong chặng này. Từ chỗ bị bắt tới hai vòng, với sự trợ giúp của xe an toàn, đồng đội Sainz và tất nhiên cả sự xuất sắc của mình, Verstappen đã lọt vào top 10 với một loạt những tình huống vượt mặt. Đáng kể nhất là những cú phanh muộn, tận dụng ưu thế từ độ bám tốt hơn của lốp đỏ để đánh bại Grosjean ngay tại khúc cua thuộc sector 3 trong khi người đồng đội Sainz phải dùng đến DRS trên đường thẳng mới qua được chiếc Lotus dù cũng có lốp đỏ.
Cuối chặng, khi cả hai đã áp sát Perez và mất rất nhiều thời gian kẹt đằng sau chiếc Force India, STR ra chỉ đạo Verstappen hãy trả lại vị trí cho Sainz vì trước đó tay đua người TBN có nhường đường cho Verstappen do cả hai dùng chiến thuật khác nhau. Đáp lại, tay lái trẻ tuổi nhất lịch sử hét lên: “Chả có nhường nhịn cái gì hết !!!’
Dù không đánh bại được Perez, đây vẫn là một màn trình diễn khó tin của Verstappen !
Quyết định này của Verstappen được nhiều ủng hộ bởi nó cho thấy sự cứng rắn, bản lĩnh mang dáng dấp của một nhà VĐTG trong tương lai. Cu cậu cũng phân bua với báo chí: “Các chú xem, cháu chết máy từ lúc đề pa, bị cả đoàn bỏ cách tới hai vòng mà vẫn lọt được vào nhóm có điểm, đã thế lại còn xếp trên cả tay Carlos ở cuối chặng. Thế mà các bác ấy còn bắt cháu trả lại vị trí chứ.”
Thậm chí, cu cậu còn thật thà tiết lộ rằng, sau chặng, bố cậu ,Jos Verstappen – cũng là một cựu tay lái F1, đã dọa rằng: “Mày mà nhường nó lên quả đấy thì về đây ông búng ****” (nguyên văn: He [Dad] told me if I had let Carlos past he would have kicked me in the nuts…”)
Kết quả chung cuộc.
Chúng ta sẽ gặp lại nhau tại Suzuka ngay cuối tuần này, với chặng đua Nhật Bản.
GL550