Sebastian Vettel chuẩn bị đua thử GP nước Áo 2020

1/ Thông tin cá nhân Sebastian Vettel

Tên đầy đủ: Sebastian Vettel

Ngày sinh: 03/07/1987

Nơi sinh: Heppenheim, Đức

Gia đinh: bố-Norbert Vettel, mẹ-Heike Vettel, 2 chị gái-Melaine Vettel và Stefanie Vettel, 1 em trai Fabian Vettel.

Sebastian Vettel chưa cưới nhưng đang sống với bạn gái từ nhỏ Hana Prater. Họ có 2 con gái là Emilie và Matilda.

Thần tượng của Vettel là Michael Schumacher, Michael Jordan và Michael Jackson. Anh gọi họ là “bộ ba Michael”

Vettel có sở thích đặt tên nữ giới cho những chiếc xe của mình.

Vettel chọn số 5 làm số xe vĩnh viễn. Số 5 là số xe hồi còn đua kart của Vettel.

Cũng giống như nhiều nhà vô địch khác, Vettel khá ích kỷ trên đường đua. Anh nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của đội đua cũng như va chạm trực tiếp với đồng đội. Đặc biệt từ cuối năm 2017, Vettel có dấu hiệu khủng hoảng phong độ khi anh thường bị mất lái hoặc phạm những sai lầm sơ đẳng.

Ngoài đua xe, Vettel là một cổ động viên bóng đá nhiệt thành của đội tuyển Đức và CLB Eintracht Frankfurt .

Vettel không sử dụng mạng xã hội.

Sebastian Vettel sử dụng nón bảo hiểm Arai.

2/ Thống kê thành tích nổi bật ở F1 (tính đến hết năm 2021)

Số chặng đua tham gia: 280 (đua chính: 279)

Vô địch: 4 lần (2010; 2011; 2012; 2013)

Chiến thắng: 53

Podium: 122

Pole: 57

Fastest lap: 38

Vị trí xuất phát thấp nhất có thể chiến thắng: 3

Chặng đua đầu tiên, điểm số đầu tiên: GP nước Mỹ 2007

Pole đầu tiên, podium đầu tiên, chiến thắng đầu tiên: GP Italia 2008

Vô địch đầu tiên: GP Abu Dhabi 2010

Vô địch lần thứ hai: GP Nhật Bản 2011

Vô địch lần thứ ba: GP Brasil 2012

Vô địch lần thứ tư: GP Ấn Độ 2013

3/ Sự nghiệp

1995-2002: Đua kart

Sebastian Vettel bắt đầu làm quen với xe kart từ lúc hơn 3 tuổi. Đến năm 8 tuổi (1995) anh bắt đầu tham gia các giải kart. Sớm bộc lộ được tài năng, Vettel gia nhập trung tâm đào tạo của Redbull năm 1998 (11 tuổi).

Ở tuổi thiếu niên, Vettel đã chiến thắng nhiều giải đua trong đó có giải Junior Monaco Kart Cup (2001).

2003-2005: Bắt đầu đua chuyên nghiệp

Giải đua chuyên nghiệp đầu tiên của Sebastian Vettel là Formula BMW ADAC 2003. Anh chiến thắng 5/19 chặng và xếp thứ 2 chung cuộc. Ở mùa giải kế tiếp 2004, Vettel đã vô địch giải đấu một cách thống trị (chiến thắng 18/20 chặng).

Sang năm 2005, anh bắt đầu tham gia giải Formula 3 Euro Series. Ngoài ra anh cũng đua ở Macau Grand Prix (xếp thứ 3 năm 2005) và Masters of Formula 3.

Vettel cũng được đội đua BMW Williams chọn làm tay đua thử nhưng chưa được tiếp xúc với xe F1.

2006-2007: Làm tay đua dự bị và đua chính F1

Sang năm 2016, anh chuyển sang đội Sauber và được đội đua này cho đua thử ở các chặng đua cuối cùng của mùa giải và 2 chặng đầu mùa giải 2007.

Bên cạnh vai trò tay lái thử, Sebastian Vettel vẫn tham gia các giải đua khác. Anh xếp hạng 2 chung cuộc ở Formula 3 Euro Series 2006 (chiến thắng 4/20 chặng). Ngoài ra Vettel cũng đua bán thời gian ở giải Formula Renault 3.5 Series nhưng cũng giành được vài chiến thắng.

Sự nghiệp F1 của Vettel có bước ngoặt lớn khi anh được chọn để đua thay Robert Kubica ở GP nước Mỹ 2007 do Kubica bị chấn thương ở GP Canada. Ngay ở chặng đua đầu tiên của mình, Vettel đã phá kỷ lục tay đua trẻ nhất ghi được điểm số.

Tuy các chặng đua sau đó anh phải trả lại vị trí cho Kubica, nhưng Redbull ấn tượng với những gì Vettel đã thể hiện ở Mỹ nên đã để anh thay thế Scott Speed ở 7 chăng đua cuối cùng của mùa giải.

Dù chỉ đua ít như vậy, nhưng Vettel vẫn là tay đua ghi điểm nhiều nhất cho Toro Rosso ở mùa giải đó (6/8 điểm). 6 điểm này do anh về thứ 4 ở Trung Quốc. Đáng chú ý là ở chặng đua này, Vettel chỉ xuất phát thứ 17 do bị trừ 5 bậc xuất phát do lỗi cản Webber khi chạy phân hạng.

Năm 2008: Đua trọn mùa giải F1, bất ngờ chiến thắng và suýt làm Hamilton mất chức vô địch

Sebastian Vettel bắt đầu rất khó khăn ở mùa giải 2008, anh là tay đua duy nhất phải bỏ cuộc trong cả 4 chặng đua đầu tiên của mùa giải. Ba lần trong số đó là do tai nạn, một lần do lỗi động cơ.

Vettel chỉ thấy cờ kết thúc ở chặng đua thứ 5 ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chưa thể ghi điểm (về thứ 17). Nhưng sau đó Vettel đã ghi điểm ở 2 chặng đua liên tiếp (thứ 5 ở Monaco và thứ 8 ở Canada). Đáng chú ý, ở GP Monaco Vettel chỉ xuất phát từ vị trí áp chót do thay hộp số, còn ở GP Canada, Vettel phải xuất phát từ pitlane.

Hai chặng đua tiếp theo ở Pháp và Anh, Vettel lại không thể ghi điểm. Ở Anh, Vettel và Coulthard đã va chạm ngay khi xuất phát.

Ở các chặng đua sau đó Vettel tiếp tục thi đấu ổn định. Đến GP Italia, anh tạo ra một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử F1. Vettel lần đầu giành pole và chiến thắng. Đây cũng là cú pole và chiến thắng đầu tiên của đội đua Toro Rosso.

Đến chặng đua cuối cùng, ở các vòng đua cuối cùng Vettel đã xuất sắc vượt Lewis Hamilton để về thứ 4, suýt khiến cho tay đua này mất chức vô địch.

Năm 2009: chuyển sang Redbull và trở thành ứng viên vô địch

Sau 1 năm trui rèn ở Toro Rosso, Red bull đã gọi Sebastian Vettel trở về đội đua mẹ. Anh đua cặp với Mark Webber trong suốt 5 năm (2009-2013).

Ngay từ chặng đua đầu tiên, Vettel chỉ phân hạng thấp hơn Jenson Button và Rubens Barrichello, những tay đua của đội đua vô địch mùa giải đó Brawn. Nhưng trong cuộc đua, Vettel phải bỏ cuộc do va chạm với Kubica. Các giám sát phạt anh 10 bậc xuất phát ở chặng đua tiếp theo ở Malaysia do lỗi gây tai nạn.

Ở Malaysia, Vettel lại phân hạng thứ 3 (nhưng bị trừ 10 bậc). Do trời mưa lớn, Vettel bị mất lái và bỏ cuộc ở vòng 30. Chặng đua này sau đó bị kết thúc sớm ở vòng 31.

Điểm số đầu tiên của mùa giải cũng là điểm số chiến thắng. Vettel giành pole và giành chiến thắng ở Trung Quốc. Đây cũng là pole và chiến thắng chặng đua đầu tiên của đội Redbull.

Vettel còn chiến thắng ở 3 chặng nữa trong mùa giải này (Anh, Nhật Bản và Abu Dhabi). Chiến thắng ở Abu Dhabi là lần đầu tiên Vettel chiến thắng mà không xuất phát từ vị trí pole (xuất phát thứ 2). Ngược lại ở GP Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên trong sự nghiệp Vettel không thể chiến thắng dù có vị trí xuất phát đầu tiên (về thứ 3).

Bên cạnh đó, việc phải bỏ cuộc tới 3 lần (Monaco-lỗi tông rào; Hungary và GP Châu Âu do hư xe) khiến anh không thể cạnh tranh ngôi vô địch với Jenson Button.

Năm 2010: Ngôi vô địch lần đầu tiên

Mùa giải 2010, Sebastian Vettel là tay đua giành pole nhiều nhất, nhưng anh không thể tối ưu hóa ưu thế. Vị trí dẫn đầu trên BXH và ngôi vô địch chỉ được anh đoạt lấy ở chặng đua cuối cùng ở Abu Dhabi.

Giống như mùa giải trước, chiến thắng đầu tiên ở mùa giải chỉ tìm đến Vettel ở chặng đua thứ 3 (Malaysia). Còn ở 2 chặng đua đầu tiên, tuy có ưu thế pole và dẫn đầu phần lớn thời gian nhưng Vettel chỉ về 4 ở Bahrain và bỏ cuộc ở Úc do xe gặp trục trặc.

Cho đến trước kỳ nghỉ hè, Vettel có phần dưới cơ đồng đội Webber. Anh có thêm chiến thắng thứ 2 ở GP Châu Âu, còn Webber có 4 chiến thắng trong thời kỳ này. Kết thúc GP Hungary, Webber dẫn đầu bảng xếp hạng với 161 điểm, hơn Vettel 10 điểm.

Trước đó ở GP Thổ Nhĩ Kỳ, Vettel lần thứ 2 trong mùa bỏ cuộc do tông Webber ở vòng 39.

Sau kỳ nghỉ hè, Vettel tiếp tục khởi đầu không tốt. Ở GP nước Bỉ, anh gây tai nạn cho Jenson Button và bị phạt chạy xuyên pitlane. Việc này khiến anh chỉ về thứ 15.

Chiến thắng chỉ trở lại với Vettel ở Nhật Bản. Nhưng ngay sau đó anh phải bỏ cuộc ở Hàn Quốc do hỏng động cơ. Thời điểm này, Fernando Alonso là tay đua dẫn đầu trên BXH với 231 điểm. Còn Vettel chỉ xếp thứ 4, chỉ có 206 điểm (sau cả Webber và Lewis Hamilton).

Nhưng Vettel có pha lật đổ ngoạn mục, anh chiến thắng ở 2 chặng đua cuối cùng ở Brasil và Abu Dhabi để lần đầu tiên lên ngôi vô địch thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp Vettel chiến thắng 2 chặng đua liên tiếp.

Năm 2011: Dễ dàng bảo vệ ngôi vô địch

Trái với mùa giải 2010, Sebastian Vettel thống trị hoàn toàn mùa giải 2011. Anh chiến thắng 11/19 chặng. Chỉ 2 lần không lên podium là ở Đức (về thứ 4) và ở Abu Dhabi (bỏ cuộc do bị mất lái và nổ lốp ở pha xuất phát).

Vettel đoạt ngôi vô địch trước tới 4 chặng đua sau khi về 3 ở GP Nhật Bản.

Một số kỷ lục cá nhân mà Vettel đạt được trong mùa này là: chiến thắng 4 chặng đua liên tiếp (tính từ mùa giải trước) hay chiến thắng 3 chặng đua liên tiếp trong một mùa giải.

Mùa giải 2012: Lại thêm một pha nước rút thần kỳ

Nửa đầu mùa giải 2017 diễn ra một cách quyết liệt. Có 7 tay đua khác nhau chiến thắng 7 chặng đua đầu tiên. Sebastian Vettel là tay đua thứ 4 chiến thắng (ở Bahrain). Đó cũng là chiến thắng duy nhất của Vettel trong 13 chặng đua đầu tiên. Ở GP Italia, Vettel phải bỏ cuộc ở vòng 47 do lỗi máy phát điện. Ở GP Châu Âu trước đó, Vettel cũng phải bỏ cuộc vì lỗi máy phát điện.

Sau GP Italia, tình thế khá giống với năm 2010, lúc này Vettel cũng chỉ xếp thứ 4 trên BXH với 140 điểm, thua người dẫn đầu là Alonso tới 39 điểm.

Nhưng Vettel chỉ mất 3 chặng để chiếm lấy vị trí dẫn đầu bằng 3 chiến thắng liên tiếp (Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Vettel tiếp tục gia tăng khoảng cách với Alonso sau chiến thắng ở Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Vettel chiến thắng 4 chặng liên tiếp trong 1 mùa giải.

Khoảng cách giữa 2 người không thay đổi qua 2 chặng đua kết tiếp ở Abu Dhabi và Mỹ  vì mỗi người đều một lần về nhì và một lần về ba. Đặc biệt ở GP Abu Dhabi, Vettel phải xuất phát từ pitlane do bị phạt hành vi sử dụng nhiên liệu một cách bất hợp pháp khi chạy phân hạng.

Kịch tính xảy ra ở chặng đua cuối cùng tại Brasil. Vettel bị tai nạn ở pha xuất phát nên tụt xuống vị trí cuối cùng. Nhưng sau đó Vettel đã nỗ lực để về thứ 6, đủ để đoạt ngôi vô địch lần thứ 3 với 281 điểm, hơn Alonso 3 điểm.

Một số sự cố đáng chú ý khác của Vettel trong mùa giải này là việc anh bị Narain Karthikeyan tông ở Malaysia hay ở GP Tây Ban Nha, Vettel bị phạt chạy qua pitlane do phớt lờ cờ vàng.

Mùa giải 2013: Thống trị bằng 9 chiến thắng liên tiếp

Dấu ấn lớn nhất của Sebastian Vettel ở mùa giải 2013 là chuỗi 9 chiến thắng liên tiếp ở cuối mùa giải. Cộng thêm 4 chiến thắng ở đầu giải, Vettel có tới 13 chiến thắng và vô địch trước 3 chặng đua (ở Ấn Độ).

Ở mùa giải này Vettel chỉ 1 lần duy nhất không ghi được điểm do bỏ cuộc ở GP nước Anh do hư hộp số. Anh cũng vướng vào một tranh cãi khác là từ chối lệnh nhường đường cho đồng đội Mark Webber ở GP Malaysia.

Mùa giải 2014: Bị lật đổ

Sau 4 năm huy hoàng, Sebastian Vettel bắt đầu nếm trải sự khốc liệt của Formula 1. Bên ngoài, anh và Redbull bị Mercedes lật đổ. Còn ở trong đội đua, anh cũng bị đồng đội mới Daniel Ricciardo qua mặt.

Mùa giải 2014 là mùa giải trọn vẹn đầu tiên mà Vettel không chiến thắng chặng đua nào (trong khi Ricciardo có tới 3 chiến thắng).

Thành tích tốt nhất trong mùa giải của Vettel là 1 lần về nhì ở Singapore. Ngoài ra anh còn 3 lần khác về thứ 3 (Malaysia, Canada và Nhật Bản) cũng như 3 lần bỏ cuộc do hư xe (Úc, Monaco, và Áo).

Đây là mùa giải cuối cùng của Vettel ở Redbull trước khi anh chuyển sang Ferrari.

Mùa giải 2015: Khởi đầu ấn tượng với Ferrari

Tuy không thể cạnh tranh với 2 tay lái Mercedes là Lewis Hamilton và Nico Rosberg nhưng ở mùa giải này Sebastian Vettel chính là tay đua xuất sắc nhất “phần còn lại”.

Anh có 3 chiến thắng ở Malaysia, Hungary và Singapore. Đặc biệt ở Singapore là lần đầu tiên Vettel giành pole bằng chiếc xe Ferrari.

Còn vị trí xuất phát thấp nhất trong mùa giải này của Vettel là ở GP Canada. Anh không qua được Q1, lại bị phạt 5 bậc xuất phát do một lỗi ở buổi đua thử. Nhưng Vettel vẫn về thứ 5 trong ngày đua chính. Hai chặng đua khó khăn khác của Vettel là ở Bỉ (bị bể bánh) và ở Mexico (tông rào).

Mùa giải 2016: Lại gặp khó khăn

Ferrari không giữ được đà tiến bộ sang năm 2016. Dù Sebastian Vettel thường xuyên lên podium trong những chặng đua đầu tiên nhưng khi có cơ hội chiến thắng họ lại để vuột nó vào tay đội Redbull. Nửa cuối mùa giải, Ferrari bị Redbull vượt qua nên Vettel cũng không thường lên podium như đầu mùa giải.

Ở GP Bahrain, lần đầu tiên trong sự nghiệp Vettel không đua chính do bị hư động cơ ngay trước khi xuất phát.

Còn ở GP Trung Quốc, Vettel va chạm với đồng đội Kimi Raikkonen khi xuất phát nhưng cả 2 vẫn có thể về đích. Sau chặng đua, anh đổ lỗi cho tay đua Redbull Daniil Kvyat. Ở GP nước Nga ngay sau đó, Vettel lại va chạm với Kvyat và phải bỏ cuộc. Kvyat bị phạt nặng sau sự cố này (đội đua Redbull sau đó cũng thay Kvyat bằng Max Verstappen).

Ở cuối mùa giải, ở GP Mexico, Vettel lại có va chạm với tay đua mới của Redbull-Verstappen. Cả 2 so kè lên podium quyết liệt đến nỗi cùng bị phạt. Verstappen là tay đua lên bục podium nhận cúp nhưng sau cuộc đua anh phải trả lại cho đồng đội Ricciardo.

Mùa giải 2017: Đầu xuôi-đuôi không lọt

Sebastian Vettel trở lại vị thế người cạnh tranh danh hiệu vô địch từ năm 2017. Trong 6 chặng đua đầu tiên, Vettel chiến thắng 3 lần (Úc, Bahrain và Monano) và về nhì 3 lần còn lại. Phong độ tuyệt vời này giúp anh chiếm được ngôi đầu trên BXH tổng. Vết gợn nhỏ trong serie ấn tượng này là việc anh để Lewis Hamilton vượt mặt trực tiếp ở GP Tây Ban Nha. Ngoài ra chiến thắng ở Monaco cũng mang tính dàn xếp vì anh được ưu tiên chiến thuật hơn đồng đội Raikkonen.

Mùa giải bắt đầu trở nên trắc trở từ GP Canada-nơi anh có va chạm với Max Verstappen nên bị đứt mạch podium.

Chặng đua tiếp theo ở Azerbaijan, vì cho rằng Hamilton khiêu khích mình nên Vettel đã cố ý đụng vào bánh xe của đối thủ. Hành vi này khiến anh bị phạt nặng, do đó không thể tranh thủ được sự cố hư đai cổ của Hamilton diễn ra sau đó.

GP nước Anh là một nỗi thất vọng nữa khi Vettel (và cả đồng đội Kimi Raikkonen) bị bể bánh ở vòng cuối cùng.

Thắng lợi thuyết phục ở Hungary (pole to win duy nhất trong mùa) là niềm vui cuối cùng trước khi bước vào giai đoạn 2 đầy ác mộng.

Vettel đua phân hạng không tốt ở sân nhà Monza, song anh vẫn lên được podium. Nhưng như thế là không đủ để giữ được vị trí dẫn đầu trên BXH tổng.

Thảm họa với Vettel chỉ thực sự bắt đầu từ chặng đua sau đó ở Singapore. Anh giành được vị trí xuất phát đầu tiên nhưng lại để xe tông vào Raikkonen và Verstappen khi đang xuất phát. Cả 3 đều phải bỏ cuộc.

Ở GP Malaysia thì Vettel không đua phân hạng do hư xe, song vẫn cố gắng về 4 trong ngày đua chính.

Chuyến tham quan châu Á kinh hoàng tiếp tục đưa Vettel đến GP Nhật Bản. Giành được quyền xuất phát thứ 2 nhưng chiếc Ferrari của anh lại bị hư bugi. Vettel chạy vật vờ mấy vòng đầu rồi bỏ cuộc.

Hai cuộc đua ở Châu Mỹ cũng không mang lại niềm vui cho tay đua 4 lần vô địch. Anh bị Hamilton vượt mặt trực tiếp một lần nữa ở Austin. Rồi tông vào đối thủ khi xuất phát GP Mexico.

Chiến thắng duy nhất ở giai đoạn 2 của Vettel là ở Brasil.

Mùa giải 2018: Khủng hoảng phong độ

Sebastian Vettel có khởi đầu như mơ khi giành chiến thắng ở 2 chặng đua đầu tiên ở Úc và Bahrain.

Mạch chiến thắng chỉ bị chặn lại do yếu tố chiến thuật (do không phản ứng khi có xe an toàn ở Trung Quốc khi đang dẫn đầu), sau đó là va chạm với Max Verstappen (Verstappen bị phạt) khiến anh chỉ cán đích thứ 8-vị trí thấp nhất trong mùa giải (nếu không bỏ cuộc).

Chặng đua tiếp theo ở Azerbaijan, Vettel giành pole và có ưu thế lớn, tuy nhiên sau khi thay lốp thì anh lại tỏ ra vội vã trong tình huống cố vượt Valtteri Bottas để đòi lại vị trí dẫn đầu. Hậu quả là anh rơi xuống vị trí thứ 4. Mất luôn ngôi đầu bảng vào tay Hamilton.

Phải mất ba chặng đua, Vettel mới đòi lại được ngôi đầu sau chiến thắng ‘pole to win’ ở Canada.

Đến Pháp thì Vettel bị phạt 5 giây do tông Valtteri Bottas khi đang xuất phát. Anh chỉ về 5, lại mất ngôi đầu cho Hamilton.

Tận dụng việc Hamilton phải bỏ cuộc ở Áo, Vettel (P3) trở lại vị trí dẫn đầu. Anh tiếp tục kéo giãn điểm số sau chiến thắng trên sân nhà Silverstone của đôi thủ.

Đáng tiếc mọi nỗ lực ở các chặng đua trước đó đã đổ sông đổ bể trên chính sân nhà Hockenheinring của Vettel. Anh dẫn đầu khá dễ dàng nhưng để mất lái ở vòng 51. Hamilton là người thủ lợi nhiều nhất, đoạt luôn ngôi đầu bảng và giữ nó cho đến khi mùa giải kết thúc.

Chiến thắng cuối cùng trong mùa giải của Vettel là ở Spa-Francorchamps (Bỉ) nơi anh có cú vượt Hamilton ở vòng 1.

Ở Italia, Nhật Bản và Mỹ thì Vettel đều để mất lái sau các pha tranh chấp với Lewis Hamilton, Max Verstappen và Daniel Ricciardo.

Ngoài ra thì Vettel còn có cú chạm bánh nữa với Valtteri Bottas ở Mexico, lần này thì anh vững tay lái.

Riêng ở Nga thì Vettel có pha đánh lái 2 lần (theo cùng một hướng) để cản Hamilton. Sau chặng đua, FIA thông báo cấm cách phòng thủ này.

Các chặng đua cuối mùa, phong độ của Vettel có phần kém hơn đồng đội Kimi Raikkonen. Ở GP Brasil anh nhận lệnh phải nhường đường cho Raikkonen.

Mùa giải 2019: Đánh mất vị thế tay đua số 1 ở Ferrari

Sebastian Vettel đón đồng đội mới là ngôi sao trẻ Charles Leclerc. Dù rằng Leclerc vốn là ‘người nhà’ của Ferrari nhưng ở đầu mùa giải đội đua này vẫn thực hiện chính sách ưu tiên Vettel trong những tình huống 50-50. Mặc dù vậy, Vettel đã không tận dụng được ưu thế này để thách thức Mercedes mà ngược lại còn bị Charles Leclerc lấy mất vị trí tay đua số 1 ở Ferrari ở cuối mùa giải.

Đó là hậu quả của những sai lầm: Ở Bahrain (mất lái khi đang đuổi theo Lewis Hamilton), ở Canada (bị phạt vì lỗi chạy ra ngoài đường đua, đánh mất chiến thắng vào tay Hamilton), ở Anh (bị phạt vì gây tai nạn cho Max Verstappen), ở Italia (mất lái).

Ở nửa sau mùa giải, Ferrari không còn ưu tiên Vettel nữa nên Vettel và Leclerc bắt đầu cạnh tranh sòng phẳng dẫn đến những mâu thuẫn gay gắt trên đường đua. Bắt đầu từ GP Italia, Vettel cáo buộc Leclerc không thi hành đúng chiến thuật chạy phân hạng. Ở Nga thì ngược lại, Leclerc tố Vettel không tuân thủ chiến thuật xuất phát, vài vòng sau đó Vettel còn bị hỏng xe. Đỉnh điểm của vụ xung đột này là va chạm khiến cả 2 phải bỏ cuộc ở Brasil.

Một chặng đua khác mà Vettel phải đi tắm sớm là GP Mỹ (hư xe).

Chiến thắng duy nhất của Vettel ở mùa giải này là ở GP Singapore nhờ việc thực hiện chiến thuật khác Charles Leclerec.

Mùa giải 2020: Mất tích

Trước mùa giải 2020, Sebastian Vettel nhận được tin sẽ không được Ferrari gia hạn hợp đồng.

Đây là mùa giải mà Ferrari chậm đi rất nhiều so với mùa giải trước do họ đánh mất ưu thế sức mạnh động cơ. Vettel tiếp tục thi đấu kém hơn đồng đội Charles Leclerc. Để so sánh thì Leclerc vẫn có thể cạnh tranh top-5 trong khi Vettel rất vất vả mới có thể cạnh tranh top-10.

Podium duy nhất của Vettel (ở GP Thổ Nhĩ Kỳ) cũng có dấu ấn (chính xác là sai lầm) của Leclerc.

Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến những sự cố của Vettel ở mùa giải này. Ngay ở chặng đua mở màn-GP Áo- anh đã để mất lái khi đang tranh chấp với Carlos Sainz.

Ở chặng đua thứ 2, GP Styria, Vettel để va chạm với Leclerc ở vòng đua thứ 1 khiến cho cả 2 phải bỏ cuộc.

Ở GP 70 năm, Vettel lại để mất lái ngay ở góc cua thứ 1. Đến GP Italia thì Vettel bị hỏng thắng. GP Eifel là một pha xoay xe nữa khi đang cố vượt Antonio Giovinazzi.

Liên tiếp thất bại trên đường đua, nhưng ở ngoài trường đua Vettel có một chiến thắng quan trọng. Đó là ký được hợp đồng 2021 với đội đua Aston Martin (Racing Point đổi tên). Racing Point phải hi sinh Sergio Perez cho thương vụ này.

Mùa giải 2021: Tỏa sáng ở Baku và Hungary

Vettel có khởi đầu tương đối chật vật ở đội đua mới Aston Martin. Anh không ghi được điểm số nào ở 4 chặng đua đầu tiên.

Ở chặng đua có nhiều sự cố GP Azerbaijan, Vettel đã tận dụng tối đa cơ hội để mang về podium đầu tiên (P2) cho đội đua Aston Martin.

GP Hungary cũng là một chặng đua hỗn loạn khác mà Vettel đã cán đích ở vị trí thứ hai. Đáng tiếc là anh bị hủy kết quả do vi phạm luật sử dụng nhiên liệu.

Cuối mùa giải, Vettel có cuộc đua rất máu lửa (liên tục va chạm với Yuki Tsunoda và Kimi Raikkonen) đến mức phải bỏ cuộc do hư xe ở GP Ả Rập Saudi.

Chung cuộc Vettel ghi được 43 điểm, xếp trên người đồng đội Lance Stroll.

(Tiếp tục cập nhật)

Nguồn: Tổng hợp, Wikipedia

Tin liên quan:

Daniel Ricciardo

Daniel Ricciardo

Daniel Ricciardo là tay đua ô tô người Úc. Ricciardo sinh năm 1989, đã nhiều lần giành chiến thắng chặng đua Công thức 1.

Nicholas Latifi

Nicholas Latifi

Nicholas Latifi là tay đua ô tô người Canada. Latifi sinh năm 1995, đang thi đấu ở giải đua F1.

Mick Schumacher: Ở Red Bull Ring thì tôi sẽ không nghe lời khuyên của Seb

Mick Schumacher: Ở Red Bull Ring thì tôi sẽ không nghe lời khuyên của Seb

Kết thúc GP Pháp 2021, các phóng viên bắt gặp cảnh Sebastian Vettel xăm xoi rất kỹ chiếc xe của Mick Schumacher. Chiếc xe Haas của Schumacher-con đương nhiên không thể khiến cho Vettel lo lắng đến mức phải đích thân đi làm thám tử như vậy. Nên các phóng viên mới cảm thấy lạ. […]

Pol Espargaro

Pol Espargaro

Pol Espargaro là tay đua mô tô người Tây Ban Nha. Espargaro sinh năm 1991, đang thi đấu giải đua xe MotoGP.