Những chia sẻ của Luca Marini sau khi bị phạt lỗi áp suất ở cuộc đua chính MotoGP Anh 2024, nói không thích sử dụng động cơ mạnh mẽ nhưng khó điều khiển như của Johann Zarco.
Johann Zarco chia sẻ cảm nghĩ về ngày đua thử đầu tiên ở chặng đua MotoGP Thái Lan 2023, nói không nhận được yêu cầu hỗ trợ cho đồng đội Jorge Martin đua vô địch.
Trong 2 mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của mình, Zarco đua bằng xe Aprilia với số xe 14 ở đội WTR San Marino Team. Mỗi mùa giải anh bỏ cuộc 3 lần và không lên được podium.
Năm 2011, Zarco chuyển sang đội Avant Air Asia Ajo và lái chiếc xe Derbi. Anh cũng đổi số xe sang số 5. Không biết có phải nhờ thế mà thành tích của Zarco bỗng khởi sắc. Anh có được 1 chiến thắng ở Nhật Bản, lên podium 10 chặng khác và chỉ bỏ cuộc 1 lần ở Valencia. Kết thúc mùa giải Zarco xếp thứ 2 chung cuộc.
Năm 2012-2016:
Johann Zarco chuyển lên thi đấu thể thức Moto2, hơi gặp vất vả vì anh phải thi đấu 5 năm ở đây.
Chiến thắng chỉ đến với Zarco từ mùa giải thứ 4 khi anh được lái chiếc xe Kalex. Zarco đã vô địch 2 mùa giải 2015 (8 chiến thắng) và 2016 (7 chiến thắng) mà không bỏ cuộc 1 chặng nào.
Năm 2017-nay:
Năm 2017: Thi đấu thể thức MotoGP ở đội Monster Yamaha Tech 3
Sau nhiều năm nỗ lực, năng lực của Zarco được công nhận. Anh được đội đua MotoGP Monster Yamaha Tech 3 tuyển dụng.
Zarco gây ấn tượng ngay ở chặng đua đầu tiên ở Qatar nơi anh đã dẫn đầu cho đến khi bị ngã xe. Đó cũng là lần duy nhất trong mùa giải này mà anh phải bỏ cuộc.
Trong nhiều chặng đua, dù chỉ lái chiếc xe Yamaha vệ tinh nhưng Zarco còn nhanh hơn 2 tay đua chính (Valentino Rossi và Maverick Vinales). Anh có cú podium đầu tiên trong ở sân nhà GP nước Pháp. Sau đó là 2 lần giành quyền xuất phát đầu tiên ở Hà Lan và Nhật Bản.
Ở 2 chặng đua cuối mùa giải, Zarco cũng có nhiều tranh chấp quyết liệt với các tay đua hàng đầu. Kết quả anh về 3 ở Malaysia và về nhì ở Valencia.
Năm 2018: thoát chết ở Phillip Island
Cũng như các tay đua Yamaha khác Johann Zarco gặp nhiều khó khăn trong mùa giải 2018, đặc biệt là anh chỉ được lái chiếc xe năm 2016 do là tay đua vệ tinh.
Mùa giải của Zarco chia ra làm 3 phần: phần đầu rất ấn tượng với 2 lần giành pole (Qatar và Pháp) và 2 lần về nhì (Argentina và Tây Ban Nha), kết thúc bằng cú ngã xe ở Pháp. Sau đó là một chuỗi các chặng đua ghi điểm đều đặn nhưng không thể lên podium.
Riêng ở GP nước Anh, Zarco và Jack Miller là các tay đua bỏ phiếu đồng ý tổ chức cuộc đua (nhưng không được chấp nhận vì ý kiến phản đối đông hơn).
Phần cuối cũng mở đầu bằng một tai nạn kinh hoàng (tông vào đuôi xe của Marquez) ở Phillip Island rồi giành pole (nhờ Marquez bị phạt 6 bậc xuất phát) và lên podium ở Malaysia.
Tận dụng việc Cal Crutchlow phải nghỉ 3 chặng cuối vì chấn thương nên Zarco một lần nữa trở thành tay đua vệ tinh có thành tích xuất sắc nhất (P6 chung cuộc).
Anh và đội đua Tech 3 cũng quyết định chia tay Yamaha để đầu quân cho KTM trong mùa giải 2019.
Năm 2019: Cúi đầu rời KTM
Johann Zarco đến KTM với kỳ vọng giúp cho đội đua này đột phá vào nhóm podium. Nhưng anh không những phát huy vai trò đầu tàu mà còn phải xin rời đội đua trước khi mùa giải kết thúc trong sự tủi hổ.
Cả mùa giải Zarco hoàn toàn lép vế so với đồng đội Pol Espargaro. Đỉnh điểm của sự thất vọng là việc anh gây tai nạn cho vệ tinh Miguel Oliveira ở GP nước Anh. Sau khi đua xong chặng đua tiếp theo (GP San Marino) thì Zarco xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và được KTM chấp nhận.
Sau khi Takaaki Nakagami phải nghỉ thi đấu vì chấn thương thì đội đua LCR Honda mời Zarco về đua thay ở 3 chặng đua cuối cùng. Song anh cũng không để lại ấn tượng nào ngoài tình huống bị chiếc xe của Iker Lecuona lao vào chân ở GP Valencia.
Năm 2020: Lên podium với đội đua Avintia ở Séc
Do thi đấu không thành công ở mùa giải 2019 nên Johann Zarco chấp nhận lùi một bước ở mùa giải 2020 bằng cách gia nhập đội đua yếu nhất giải đấu-AvintiaRacing (vệ tinh của Ducati). Tuy nhiên tay đua người Pháp vẫn để lại một vài ấn tượng khó quên.
Đó là việc anh giành pole và lên podium ở GP Cộng hòa Séc. Cũng ở chặng đua này, Zarco có tình huống va chạm với Pol Espargaro khi anh này đang trở lại đường đua sau cú cua rộng. Cú va chạm làm Espargaro phải bỏ cuộc.
Còn ở chặng đua ngay sau đó (GP Áo), Zarco có pha ép làn gây ra va chạm nguy hiểm cho Franco Morbidelli suýt làm liên lụy cho cả Maverick Vinales và Valentino Rossi đang chạy ở phía trước.
Ở GP Catalunya, Zarco lại va chạm với Andrea Dovizioso ở vòng 1, cả 2 cùng phải bỏ cuộc.
Ở các chặng đua khác, Zarco cũng đủ sức cạnh tranh vị trí trong top-10.
Trước kỳ nghỉ hè, Zarco đứng thứ hai trên bảng xếp hạng tổng. Mặc dù vẫn chưa giành được chiến thắng nhưng anh có tới 4 lần về nhì và giành 1 pole ở GP Đức.
Trong thời gian này, Zarco vướng vào 1 sự cố hi hữu ở chặng đua GP Italia, khi anh đang xếp hàng chuẩn bị xuất phát thì bị Enea Bastianini tông vào đuôi xe.
Vậy nên người xem MotoGP vô cùng khó hiểu bởi sau kỳ nghỉ hè Zarco như thể bị ‘bốc hơi’, hoàn toàn không thể hiện được một chút sức mạnh nào. Việc không có thêm podium nào khiến Zarco bị đẩy xuống vị trí thứ 5 chung cuộc.